Nhà đầu tư có tuần giao dịch đầy hứng khởi

Nhà đầu tư có tuần giao dịch đầy hứng khởi

(ĐTCK) Cuộc chiến thương mại diễn ra không quá đáng lo như dự tính ban đầu giúp nhà đầu tư toàn cầu có được tuần giao dịch đầy hứng khởi.

Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, phố Wall có sự trái chiều. Trong khi Dow Jones tiếp tục tăng điểm lên mức cao mới nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghiệp, thì S&P 500 và Nasdaq đóng cửa trong sắc đỏ khi nhóm cổ phiếu FAANG là Face book, Amazon, Apple, Netflix và Google đều giảm từ 1,1% đến 1,9%.

Tuy nhiên, khi nỗi lo chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không còn lớn, cổ phiếu Boeing – hãng xuất khẩu lớn nhất của Mỹ sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh và thanh khoản của toàn phố Wall cũng lên mức cao nhất kể từ 9/2/2018.

Kết thúc phiên 21/9, chỉ số Dow Jones tăng 86,52 điểm (+0,32%), lên 26.743,50 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,08 điểm (-0,04%), xuống 2.929,67 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 41,28 điểm (-0,51%), xuống 7.986,96 điểm.

Chốt tuần, chỉ số Dow Jones tăng 2,25%, mức mạnh nhất hơn 2 tháng, chỉ số S&P 500 tăng 0,85%, trong khi Nasdaq quay đầu điều chỉnh 0,29%.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, khi nỗi lo chiến tranh thương mại được tháo gỡ dần, chứng khoán khu vực này tiếp tục đồng loạt khởi sắc trong phiên thứ Sáu bất chấp nỗi lo về đàm phán Brexit. Trong đó, nhóm cổ phiếu khai mỏ và ô tô chính là 2 động lực chính cho thị trường.

Kết thúc phiên 21/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 122,91 điểm (+1,67%), lên 7.490,23 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 104,40 điểm (+0,85%), lên 12.430,88 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 42,58 điểm (+0,78%), lên 5.494,17 điểm.

Trong tuần, các chỉ số chính của chứng khoán châu Âu đều tăng mạnh hơn 2,5%. Trong đó, chỉ số FTSE 100 tăng 2,55%, chỉ số DAX tăng 2,53% và chỉ số CAC 40 tăng 2,65%.

Tương tự, chứng khoán châu Á cũng khởi sắc trong phiên giao dịch cuối tuần trước khi nỗi lo chiến tranh thương mại không còn lớn, trong khi giới đầu tư tập trung vào dữ liệu nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ.

Kết thúc phiên 21/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 195,00 điểm (+0,82%), lên 23.869,33 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 475,91 điểm (+1,73%), lên 27.953,58 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 68,24 điểm (+2,50%), lên 2.797,48 điểm.

Trên thị trường vàng, việc đồng USD hồi phục trở lại đã khiến giá vàng quay đầu giảm khá mạnh trong phiên cuối tuần và một lần nữa để mất mốc 1.200 USD/ounce.

Kết thúc phiên 21/9, giá vàng giao ngay giảm 8,2 USD (-0,70%), xuống 1.198,7 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 10 USD/ounce (-0,83%), xuống 1.201,3 USD/ounce.

Dù giảm khá mạnh trong phiên cuối tuần, nhưng giá vàng đã có tuần hồi phục trở lại sau chuỗi giảm liên tiếp trước đó. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,47% và giá vàng tương lai tăng 0,02%.

Trên thị trường năng lượng, việc OPEC và Nga bác bỏ kêu gọi tăng sản lượng ngay lập tức của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giúp giá dầu thô phục trở lại, nhưng đà tăng chỉ ở mức khiêm tốn khi OPEC dự báo nhu cầu dầu thô của thế giới sẽ giảm.

Kết thúc phiên 21/9, giá dầu thô Mỹ tăng 0,46 USD (+0,65%), lên 70,78 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,10 USD (+0,13%), lên 78,80 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 2,59%, còn giá dầu thô Brent tăng nhẹ hơn với 0,91%.

Tin bài liên quan