Có thể nói, giai đoạn hiện tại thị trường đang tràn ngập thông tin xấu, từ việc thanh tra, kiểm tra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho tới các vụ bắt giữ các tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật, dẫn tới các nhóm ngành có liên quan bị ảnh hưởng, đem ra bán tháo.
Các hoạt động trên, theo những nhà đầu tư có kinh nghiệm, có thể có mục đích là để các cá nhân hoang mang, lo sợ đem bán tháo cổ phiếu.
Mọi thứ đều diễn ra rất nhanh, chỉ với bản chụp một tờ giấy A4 cập nhật chính sách cho vay của các công ty chứng khoán không được kiểm chứng cũng đủ để kích hoạt tâm lý lo sợ của nhà đầu tư mới. Ngay cả nhà đầu tư lâu năm cũng khó giữ bình tĩnh.
Trong các phiên giao dịch tuần qua, bên mua đã có nhiều lần kéo chỉ số, nhưng đều thất bại trước áp lực bán gia tăng, VN-Index và VN30-Index lại tiếp tục đóng cửa ở những cây nến đỏ. Các lần phản ứng của bên mua lên đều thất bại toàn diện trước phe bán xuống.
Câu hỏi là ở mức giá nào, dòng tiền sẽ bắt đầu một chu kỳ mua bán mới? So với mức giá ngày 4/4/2022, mức giảm giá (tính đến cuối tuần trước 15/4) cao nhất của VN30 đang gần 15%, nhóm VNMidcap là 25% và nhóm
VNSmallcap là trên 30%. Khi so sánh với các mức giảm giá trong các đợt giảm vào tháng 1/2021, tháng 7/2021 và tháng 1/2022 thì ở một số cổ phiếu, mức giá đã có chiết khấu rất lớn. Thị trường chung có thể tiếp tục giảm dưới quán tính, song các ý kiến đều đánh giá từ vùng giá 1.423 – 1.445 điểm, thị trường sẽ bắt đầu một vòng quay mới.
Điểm nhấn trên thị trường là thanh khoản những phiên gần đây thấp dần thể hiện áp lực bán không quá lớn. Dù thanh khoản chung không cao nhưng các cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý I tốt như nhóm cảng biển, xuất khẩu, phân bón, hóa chất tiếp tục thu hút dòng tiền, nhiều mã đã phá vỡ vùng đỉnh lịch sử. Việc dòng tiền ưu tiên các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt là chỉ báo dòng tiền trên thị trường mang tính ổn định và tạo nhịp cho một vòng quay mới.
Với riêng nhóm cổ phiếu VN30, trên đồ thị ngày, chỉ số VN30 liên tục tạo đáy với điểm tích cực là đáy sau cao hơn đáy trước. Với cách giao dịch này, kỳ vọng VN30 có thể bật sớm, tăng về đỉnh cũ 1.566 điểm và hỗ trợ thị trường chung.
Nhìn lại hành trình của VN-Index để chúng ta tìm lời giải thực sự cho việc có phải thị trường điều chỉnh hoàn toàn do tâm lý nhà đầu tư yếu ớt hay thực sự là nguyên nhân nào khác. Xét về định giá thị trường dựa trên P/E, giai đoạn nhạy cảm này có thể chỉ là cái cớ để thị trường có thể điều chỉnh, làm giá cổ phiếu về với giá trị thực, cũng như tạo ra biên độ mới cho xu hướng sắp tới.
Nhìn sơ đồ, chúng ta có thể thấy có tới 4 lần thị trường tiến hành test lại vùng có mức P/E trên 17,3 lần. Những lần như vậy, VN-Index chỉ lên thêm một chút là bắt đầu giảm mạnh (xem bảng VN-Index).
VN-Index 4 lần test lại vùng p/e trên 17,3 lần. |
Có một điểm đáng lưu ý là VN-Index ở 1.492 điểm, P/E ở mức 16,23 lần, song tới phiên 1/4/2022, P/E lập tức nhảy lên 17,4 lần, với mốc 1.516 điểm. Điều này có thể lý giải ở chỗ một số doanh nghiệp cập nhật kết quả kinh doanh không mấy khả quan, đẩy P/E cao lên. Cụ thể ở mốc 1.492 điểm, P/E 16,23 lần thì bây giờ mốc 1.470, P/E đạt xấp xỉ 17. Đây có thể là nguyên nhân tạm thời khiến cho VN-Index bắt đầu có nhịp điều tiết, vì các nhịp tăng tốt trong giai đoạn gần đây chỉ xuất hiện khi mức P/E kỳ vọng ở dưới 17.
Vậy khi nào thì VN-Index mới trở nên hấp dẫn trở lại? Điều này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kết quả kinh doanh của các nhóm cổ phiếu vốn hóa hàng đầu sắp tới. Cứ một doanh nghiệp tốt, kết quả tăng trưởng sẽ kéo theo việc làm giảm 1 phần P/E, thị trường sẽ trở nên hấp dẫn hơn.
Vậy, nhà đầu tư cầm tiền thì có nên mua cổ phiếu giai đoạn hiện tại? Câu trả lời là có thể, mua dần với nhóm cổ phiếu tốt, nhưng giá chưa tăng, chờ đợi báo cáo tài chính ra thì bắt đầu có tín hiệu tạo đáy, chuẩn bị tăng cho nhịp hồi phục tiếp theo của thị trường. Đặc biệt, phải nhìn vào quý II và III, chứ đừng nhìn vào những thứ đã phản ánh ở quý I.