“Bán cái NĐT không cần...”
Đó là nhận xét của một thành viên Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) khi nhìn nhận về kế hoạch của Kho bạc Nhà nước là dự kiến cuối tháng 12 này, hoặc đầu năm tới sẽ phát hành trái phiếu zero coupon.
Bởi lẽ, tổ chức phát hành dự định bán ra loại trái phiếu zero coupon có kỳ hạn dài trên 5 năm, trong khi loại trái phiếu chính phủ (TPCP) mà NĐT ưa thích nhất là kỳ hạn ngắn.
Thực tế cho thấy, sau khi Quốc hội cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu mới đây, Bộ Tài chính đã triển khai phát hành TPCP kỳ hạn 3 năm và tạo sức cầu lớn từ thị trường. Gần đây có những đợt Kho bạc Nhà nước đưa ra tổng khối lượng gọi thầu 8.000 tỷ đồng loại TPCP kỳ hạn 3 năm, thì khối lượng đăng ký mua lên đến 24.000 - 26.000 tỷ đồng.
NĐT chủ lực trên thị trường trái phiếu hiện vẫn là các ngân hàng thương mại (NHTM), khi họ đang sở hữu khoảng 80% tổng lượng TPCP phát hành. Với đặc thù đa phần lượng vốn huy động được là ngắn hạn, nên các NHTM khó có thể thu xếp được lượng vốn lớn để mua TPCP có kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên. Vì đặc tính cố hữu này mà các loại TPCP kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên đều kém hấp dẫn NĐT. Ngược lại, những loại TPCP có kỳ hạn càng ngắn, thì càng hấp dẫn NĐT.
Nhiều NĐT mong muốn nhà phát hành bán ra các loại trái phiếu có kỳ hạn 1 năm, 2 năm. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 99/2015/QH13 về dự toán ngân sách nhà nước 2016 của Quốc hội, TPCP có kỳ hạn ngắn nhất mà Chính phủ được phép phát hành trong năm 2015 - 2016 là 3 năm (loại TPCP kỳ hạn từ 3 đến dưới 5 năm không quá 30% tổng khối lượng phát hành, 70% tổng khối lượng phát hành là trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên).
Liệu có tạo áp lực với thành viên đấu thầu TPCP?
“Theo quy định tại Thông tư 111/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn phát hành TPCP tại thị trường trong nước, trái phiếu không thanh toán lãi định kỳ là loại trái phiếu được phát hành thấp hơn mệnh giá, không thanh toán lãi định kỳ, mà chỉ thanh toán một lần cả gốc và lãi tại ngày đáo hạn.
Các đặc điểm này chỉ có thể tạo ra sức hấp dẫn với NĐT nếu có kỳ hạn ngắn, chứ nếu dài trên 5 năm, thì nhiều NĐT chủ lực trên thị trường trái phiếu là các ngân hàng thương mại sẽ... quay lưng”, đại diện một NĐT tổ chức cảnh báo và cho rằng, nếu Kho bạc Nhà nước phát hành loại trái phiếu zero coupon có kỳ hạn 10 năm, 20 năm như dự kiến, thì chỉ có thể bán được với số lượng hạn chế cho một vài công ty bảo hiểm, còn các đối tượng NĐT khác sẽ không mặn mà. Điều này đồng nghĩa bài toán huy động vốn qua TPCP đối với Bộ Tài chính trong năm 2016 sẽ khó giải hơn.
Ở một khía cạnh có liên quan, nhiều thành viên thị trường quan ngại, do khối lượng TPCP kỳ hạn từ 3 năm đến dưới 5 năm sẽ phát hành trong năm tới khá hạn chế, nên tình trạng cung - cầu “vênh” nhau như năm 2015 tiếp tục có nguy cơ tái diễn. Hệ quả, có thể NHTM “thừa” tiền, nhưng việc bán TPCP sẽ bị... “ế”. Trong bối cảnh đó, có nguy cơ NĐT sẽ bị “giao chỉ tiêu” đặt mua một tỷ lệ nhất định TPCP có kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Đây là điều NĐT rất ngại.
Theo dự thảo Công văn hướng dẫn nghĩa vụ và quyền lợi của thành viên đấu thầu TPCP năm 2016 của Bộ Tài chính, trong kỳ đánh giá từ 1/11/2015 đến 31/10/2016, CTCK phải mua tối thiểu 2.000 tỷ đồng TPCP; chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng 100% vốn nước ngoài phải mua tối thiểu 3.000 tỷ đồng; NHTM nhà nước, NHTM cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài phải mua ít nhất 4.300 tỷ đồng TPCP. Trong tổng khối lượng mua TPCP của thành viên phải đảm bảo tối thiểu 50% khối lượng mua có kỳ hạn từ 5 năm trở lên…
Một số thành viên đấu thầu TPCP chia sẻ, nếu dự thảo quy định trên được thông qua, sẽ gây áp lực cho họ, bởi cái họ cần là TPCP có kỳ hạn dưới 5 năm thì bán ra ít, trong khi TPCP kỳ hạn từ 5 năm trở lên lại chiếm tỷ lệ áp đảo.
Trường hợp tỷ lệ TPCP có kỳ hạn từ 5 năm trở lên mà NĐT phải mua đủ để giúp họ trụ lại danh sách thành viên đấu thầu TPCP ở mức vừa phải và tương đối phù hợp với chiến lược đầu tư, thì họ có thể chấp nhận.