Dù là DN tốt, nhưng Cảng Hải Phòng chỉ bán được gần 50% cổ phần đưa ra IPO

Dù là DN tốt, nhưng Cảng Hải Phòng chỉ bán được gần 50% cổ phần đưa ra IPO

Nhà đầu tư chê cổ phiếu IPO, vì sao?

(ĐTCK) Liên quan tới câu chuyện cổ phần hóa (CPH) đang diễn ra chậm chạp, ĐTCK đã liên tiếp đề cập trong các số báo gần đây, một NĐT vừa gửi thư tới ĐTCK chỉ ra nguyên nhân khiến cổ phiếu của nhiều DN đưa ra bán đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) ế ẩm.

Lo nhất là tù mù thời hạn niêm yết

Theo Bộ Tài chính, trong năm nay, dự kiến phải CPH được 163 DN, thế nhưng gần nửa thời gian trôi qua mới CPH được 17 DN. Không chỉ tiến độ CPH đang diễn ra chậm đến mức báo động, điểm đáng chú ý khác là cổ phần đưa ra IPO của nhiều DN diễn ra từ đầu năm đến nay, rơi vào tình trạng ế ẩm, không mấy thu hút NĐT quan tâm.

Một trong những phiên IPO gần đây nhất diễn ra trên Sở GDCK Hà Nội, được đánh giá là thu hút sự quan tâm của công chúng đầu tư bởi đây là DN có tiềm năng tăng trưởng- Công ty TNHH MTV Cảng Hải Phòng, nhưng công ty này cũng chỉ bán được hơn 17,6 triệu cổ phần trên tổng số 37,6 triệu cổ phần đưa ra IPO. Trước đó, một trường hợp ế ẩm điển hình khác là Tổng công ty Viglacera, khi chỉ bán được hơn 19,4 triệu cổ phần trên tổng số gần 77 triệu cổ phần đưa ra IPO.

Từ kinh nghiệm đầu tư chứng khoán 9 năm nay, trong thư gửi Báo ĐTCK, NĐT Vũ Mạnh Hùng đã chỉ ra nguyên nhân lớn nhất khiến giới đầu tư thờ ơ với cổ phiếu IPO, là trong các đợt IPO vừa qua, các DN không đưa ra thời điểm cụ thể sẽ đưa cổ phiếu lên niêm yết. Theo NĐT này, nếu Công ty TNHH MTV Cảng Hải Phòng đưa ra cam kết niêm yết cổ phiếu sau 2 năm IPO thì hẳn là đã có nhiều NĐT tham gia đợt IPO hơn.

Một lý do khác cũng khiến cổ phiếu IPO ế ẩm, theo ý kiến của giới đầu tư, là hiện thiếu các quy định pháp lý bảo vệ quyền lợi chính đáng của NĐT nhỏ lẻ. Theo ông Hùng, nhiều DN sau CPH không những không đả động gì đến kế hoạch niêm yết, mà còn hoạt động tù mù, kém minh bạch, coi thường quyền lợi của cổ đông, khiến họ bị thiệt hại. Đây là những tấm gương xấu khiến NĐT thờ ơ với các đợt IPO, mặc dù trong đó có nhiều đợt được giới đầu tư nhìn nhận là mang lại cơ hội hấp dẫn. Thực tế này cho thấy, vì tình trạng DN tù mù thời hạn niêm yết, nên đang khiến cho cung - cầu không gặp nhau trong các đợt IPO. Điều này có thể làm lỗi hẹn mục tiêu hoàn thành CPH tới 432 DN trong vòng hơn một năm nữa như Chính phủ đã định.

“thuốc đặc trị”

Để cải thiện bức tranh IPO ảm đạm hiện tại, dưới góc nhìn của NĐT, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cần sớm có quy định pháp lý gắn hoạt động CPH với niêm yết.

“Một khi có cơ chế trên, chỉ cần trong bản cáo bạch của các DN chuẩn bị IPO nêu cụ thể phương án cũng như thời điểm niêm yết cổ phiếu sau IPO, thì cổ phiếu đưa ra IPO sẽ đắt hàng hơn, chứ không rơi vào cảnh ế ẩm như hiện tại...”, ông Hùng chia sẻ và cho rằng, một khi nút thắt thanh khoản cho cổ phiếu hậu IPO có lời giải, thì sức cầu của thị trường sẽ được cải thiện đáng kể.

Liên quan đến vấn đề trên, khi đề cập giải pháp thúc đẩy CPH, tăng sức cầu của thị trường để hấp thụ được lượng cổ phiếu lớn sắp được đưa ra IPO, trong phần nội dung trả lời chất vấn trước Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, Bộ đang thúc đẩy triển khai các giải pháp tái cấu trúc TTCK theo tinh thần Quyết định 1826/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, qua đó hỗ trợ thu hút và khuyến khích NĐT tham gia mua cổ phần của DN.

Được biết, UBCK đang nghiên cứu sửa đổi cơ chế giao dịch mới xoay quanh Hệ thống đăng ký giao dịch (UPCoM), nhằm đưa hoạt động IPO gắn với niêm yết theo thông lệ quốc tế. Theo đó, UBCK đề xuất phương án, kể từ khi có kết quả CPH, đấu giá IPO, thì từ 1-3 tháng, DN phải đưa cổ phiếu vào đăng ký lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán, đồng thời đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Theo kế hoạch, cơ chế này sẽ sớm được áp dụng, nên sẽ giúp cổ phiếu của DN sau CPH có điều kiện tăng thanh khoản, kích thích NĐT tham gia các đợt IPO nhiều hơn.

Tin bài liên quan