Cụ thể, ông sẽ chia sẻ thông điệp gì đến nhà đầu tư tại Vương quốc Anh?
Chúng tôi coi việc quảng bá Việt Nam tới các nhà đầu tư nước ngoài là sứ mệnh của Ngân hàng trong việc đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Trong những năm qua, chúng tôi đã tiến hành nhiều hoạt động, trong khuôn khổ của Chính phủ Việt Nam hoặc khuôn khổ của Ngân hàng để đưa hình ảnh Việt Nam tới cộng đồng thế giới. Chúng tôi muốn truyền đi thông điệp về Việt Nam như một câu chuyện tăng trưởng của châu Á, một điểm đến tiềm năng cho dòng vốn đầu tư toàn cầu.
Những năm qua, tăng trưởng trung bình của Việt Nam đạt từ 6 - 7%, Chính phủ đặt tăng trưởng làm ưu tiên trọng tâm thể hiện ở việc đảm bảo nền tảng chính trị và xã hội ổn định, các chính sách hỗ trợ ưu ái với các dự án đầu tư nước ngoài, các cải cách thể chế và hành chính tích cực để tăng độ hấp dẫn và thuận lợi cho môi trường đầu tư. Bên cạnh đó, nguồn lao động Việt Nam có trình độ, mức lương cạnh tranh so với nhiều nước khác trong khu vực.
Trong chuyến thăm và tiếp xúc với các nhà đầu tư tại Anh quốc lần này, chúng tôi muốn đem câu chuyện thành công của HSBC và các khách hàng của mình đang hoạt động tại Việt Nam để kể cho họ.
Những câu chuyện này là ví dụ sống động thể hiện nếu có cam kết hoạt động lâu dài tại Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ thu hoạch kết quả ấn tượng trong một nền kinh tế ổn định và độ tăng trưởng cao.
Chúng tôi cũng muốn chia sẻ về tương lai của Việt Nam trong 10 - 20 năm tới và tiềm năng khi các doanh nghiệp thành lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam có thể xuất khẩu sang hàng loạt quốc gia đã ký kết hiệp định thương mại với Việt Nam.
So với các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ mà ngành tài chính, chứng khoán từng tổ chức xúc tiến đầu tư vào Việt Nam trong các năm trước đây, Vương quốc Anh chưa có nhiều hoạt động hợp tác thương mại, đầu tư với Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng mời gọi nhà đầu tư tại quốc gia này vào Việt Nam?
Các doanh nghiệp Anh tham gia đầu tư vào Việt Nam từ rất sớm, cách đây khoảng 20 - 25 năm, không ít trong số họ đã trở thành những doanh nghiệp hàng đầu tại thị trường Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và dịch vụ.
Hiện tại, Anh là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ hai tại Việt Nam (sau Hà Lan), với tổng vốn đăng ký gần 4 tỷ USD và là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ ba của Việt Nam (sau Ðức và Hà Lan). Các lĩnh vực mà các nhà đầu tư Anh đang đầu tư tại Việt Nam rất quan trọng bao gồm tài chính, kế toán, luật, đặc biệt là giáo dục, với những tên tuổi lớn hiện diện trong các lĩnh vực này.
Ông Phạm Hồng Hải.
Trong cuộc tiếp xúc với các nhà đầu tư Anh của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Việt Nam vào giữa năm 2018, Bộ trưởng đã nhấn mạnh về sự chào đón cởi mở và chuẩn bị kỹ lưỡng của Chính phủ Việt Nam đối với làn sóng đầu tư từ Vương quốc Anh.
Trong bối cảnh Việt Nam đang định hướng đi theo con đường đổi mới sáng tạo và khoa học theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội của các nhà đầu tư Anh là rất lớn trong lĩnh vực khoa học - công nghệ. Giai đoạn 2014 -2018, các chương trình hợp tác hoạt động về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo giữa hai nước đạt giá trị khoảng 8,5 triệu bảng Anh, tạo điều kiện cho các hoạt động hợp tác tiếp tục phát triển.
Hiện nay, các nhà đầu tư Anh nói riêng và châu Âu nói chung còn khá thiếu thông tin về thị trường Việt Nam. Ða phần các nhà đầu tư này tập trung vào 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Ấn Ðộ.
Tuy nhiên, Việt Nam, một thành viên của ASEAN (nền kinh tế lớn thứ 5 và đông dân thứ ba trên thế giới) đang ngày càng trở thành một điểm đến đầu tư quan trọng. Mục đích của Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Anh lần này nhằm cung cấp thông tin và tiềm năng đầy đủ của thị trường Việt Nam cho các nhà đầu tư Anh và châu Âu.
Trong hoạt động đầu tư, người Anh rất quan tâm tới vấn đề trách nhiệm xã hội bên cạnh yếu tố lợi nhuận. Trong khi đó, ở Việt Nam, đây là vấn đề mới và chưa tạo nên một quy chuẩn/văn hóa chung tại các doanh nghiệp. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Ðây sẽ là một chặng đường dài các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải trải qua. Các doanh nghiệp của các nước phát triển cũng đã trải qua giai đoạn này trong một vài thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên, chúng ta cần thực hiện với tốc độ nhanh hơn do phải tuân thủ luật chơi của thị trường quốc tế.
Thực tế, chúng ta đang ngày càng thấy những tiến bộ của các doanh nghiệp tại Việt Nam trong lĩnh vực phát triển bền vững. Bản thân Chính phủ Việt Nam cũng truyền đi thông điệp về đầu tư có lựa chọn, bao gồm việc ưu tiên những dự án chú trọng đề cao các vấn đề phát triển xã hội, môi trường và hạn chế các dự án có tác động tiêu cực tới những lĩnh vực này.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng hòa mình vào dòng chảy chung của sự phát triển toàn cầu, thông qua việc gọi vốn trên thị trường quốc tế hay nhận đầu tư tại ngay Việt Nam. Trong cả hai trường hợp, họ sẽ phải tuân thủ những điều kiện hoặc đi theo các thông lệ quốc tế về phát triển bền vững.
HSBC đã kết nối nhiều doanh nghiệp Việt Nam với các thị trường và đối tác tiềm năng trên toàn cầu, đồng thời tham gia tư vấn cho nhiều doanh nghiệp trong quá trình gọi vốn quốc tế hoặc mua bán, sáp nhập.
Chúng tôi quan sát thấy bản thân các lãnh đạo bộ, ngành và các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nắm bắt những quy chuẩn quốc tế và bày tỏ ý chí cao trong việc nâng cao quy chuẩn của Việt Nam và các doanh nghiệp để phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Các doanh nghiệp Việt cũng đang dần nhận thức phát triển bền vững chính là con đường tạo sức mạnh cạnh tranh riêng biệt và giúp doanh nghiệp phát triển lâu dài.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang huy động trái phiếu với lãi suất 10 - 12%/năm, thậm chí 15%/năm, họ có cơ hội gì và phải làm như thế nào để mời gọi được dòng vốn có chi phí thấp hơn từ thị trường quốc tế?
Việc tiếp cận và gọi vốn từ thị trường quốc tế phụ thuộc vào hệ sinh thái hỗ trợ mà Chính phủ tạo ra cùng với mức độ hấp dẫn của doanh nghiệp Việt Nam. Từ phía Chính phủ, trong những năm qua, tôi đã thấy những bước đi rất tích cực để xây dựng môi trường và quảng bá nền kinh tế Việt Nam nhằm tăng cường kết nối với các nhà đầu tư quốc tế và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước gọi vốn.
Là một thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam đã thông qua bộ Tiêu chuẩn trái phiếu xanh ASEAN, trái phiếu xã hội ASEAN và trái phiếu bền vững ASEAN để thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu khu vực.
Bên cạnh đó, Việt Nam đăng cai Hội nghị bàn tròn Quản trị công ty khu vực châu Á trong năm nay. Việt Nam cũng gia tăng hợp tác song phương và đa phương với các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán quốc tế, tham gia vào các sáng kiến khu vực và đẩy mạnh các chính sách thuận lợi cho nhà đầu tư, thông qua Luật Ðầu tư, Luật Doanh nghiệp…
Hội nhập và các hoạt động này giúp thị trường vốn của Việt Nam tiến gần hơn các chuẩn mực quốc tế và tạo uy tín hơn cho Việt Nam. Một yếu tố quan trọng là công tác quảng bá xúc tiến đầu tư trên thị trường vốn quốc tế đã được Chính phủ tích cực tiến hành.
Triển vọng kinh tế vĩ mô tích cực cộng với sự cởi mở của Chính phủ, làn sóng mua bán, sáp nhập gia tăng đang tạo điều kiện thuận lợi đối với việc thu hút đầu tư tới Việt Nam. Phần còn lại là của chính các doanh nghiệp Việt Nam, từ việc hoàn thiện nền tảng quản trị doanh nghiệp, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về minh bạch báo cáo, thực hiện công tác xây dựng thương hiệu và quảng bá hình ảnh. Các doanh nghiệp cũng cần xây dựng kế hoạch tiếp cận thị trường vốn quốc tế một cách dài hạn và chuẩn bị nguồn lực về con người để có thể thực hiện thành công.
Các ngân hàng quốc tế như HSBC nhìn nhận vai trò của mình như đối tác tin cậy trong công cuộc tư vấn, quảng bá và kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài và thị trường vốn quốc tế. HSBC với lịch sử gần 150 năm tại thị trường Việt Nam tin tưởng rằng, chúng tôi có thể kể câu chuyện của Việt Nam một cách chân thực nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài.