Nhắc đến VCCI là nhắc đến Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), bộ chỉ số đã có đóng góp quan trọng vào quá trình nâng cao chất lượng điều hành kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh trong phạm vi cấp tỉnh tại Việt Nam. Gần đây, VCCI cho biết đang xây dựng thêm chỉ số PGI, ông có thể nói rõ hơn về bộ chỉ số này?
Gần 18 năm qua, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Provincial Competitiveness Index – PCI) được xem là bộ công cụ hữu hiệu giúp chỉ rõ các hạn chế, rào cản trong chính sách phát triển khu vực tư nhân tại cấp tỉnh ở Việt Nam, từ đó thúc đẩy chính quyền các tỉnh, thành phố thực hiện nhiều hoạt động cải cách, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế địa phương và cải thiện môi trường kinh doanh.
Tuy nhiên, cùng với câu chuyện thành công về sự phát triển vượt bậc của kinh tế tư nhân tại Việt Nam, những năm gần đây Việt Nam cùng chung tay với thế giới giải quyết các vấn đề lớn toàn cầu như bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, nền kinh tế Việt Nam đứng trước yêu cầu phải chuyển đổi dần sang mô hình phát triển xanh hơn. Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố Việt Nam cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Đây là mục tiêu rất tham vọng và cộng đồng kinh doanh là chủ thể quan trọng trong thực hiện mục tiêu này.
Chính báo chí đã luôn cổ vũ những mô hình tốt, cách làm hay từ các tỉnh, nhân rộng và chia sẻ các bài học trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.
Để góp phần hiện thực hóa nhiệm vụ này, VCCI đã tìm kiếm cách tiếp cận mới trên cơ sở thành tựu của PCI nhằm hỗ trợ và thúc đẩy chính quyền các tỉnh, thành phố quan tâm hơn tới mục tiêu kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh xanh. Trong điều tra PCI chúng tôi đã tích hợp một bộ câu hỏi mới đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp về những nỗ lực của chính quyền cấp tỉnh trong việc khuyến khích phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững, thúc đẩy đầu tư xanh.
Tháng 6/2022, chúng tôi đã tổ chức hội nghị tham vấn để công bố Chỉ số xanh cấp tỉnh (Provincial Green Index – PGI). Đây là sáng kiến được khởi xướng bởi VCCI với sự hợp tác của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam (SPVB). Mục tiêu của VCCI là thông qua PGI, khuyến khích và thúc đẩy nỗ lực của chính quyền các tỉnh hướng đến sự phát triển khu vực tư nhân theo tinh thần Chiến lược tăng trưởng Xanh quốc gia và Chiến lược quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cách thức tác động của PGI đến môi trường đầu tư tại các tỉnh ra sao?
PGI là một bộ công cụ chính sách thực tiễn được kỳ vọng sẽ góp phần nhỏ vào việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu lớn của nhà nước về phát triển bền vững, phát triển xanh. PGI thúc đẩy thực hiện bằng cách thức cung cấp thông tin từ thực tiễn để các cơ quan nhà nước có liên quan sử dụng trong ban hành chính sách mới hay điều chỉnh chính sách hiện tại. Nó thúc đẩy thực hiện bằng cách thức tìm ra và chia sẻ các kinh nghiệm tốt tại cơ sở trong tạo lập môi trường kinh doanh không chỉ thuận lợi, chuyên nghiệp mà còn theo định hướng bền vững, xanh.
Như vậy, PGI giúp chính quyền các tỉnh thành của Việt Nam có thêm công cụ để sàng lọc dự án đầu tư đồng thời thu hút các doanh nghiệp nâng cấp, chuyển đổi mô hình sản xuất - kinh doanh, thương mại theo hướng “xanh hóa”, tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong thực hiện trách nhiệm với xã hội.
PGI có sự tiếp nối, kế thừa gì từ PCI hay không?
Mọi chủ trương, chính sách muốn thành công bao giờ cũng cần hai lực đẩy: lực đẩy từ trên xuống thông qua chính sách, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và lực đẩy từ dưới lên, là sự ủng hộ, đồng hành từ cấp cơ sở, nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp.
Thực tế hơn 30 năm Đổi mới của Việt Nam đã chứng minh, chất lượng thực hiện của chính quyền cấp tỉnh (lực đẩy từ dưới lên - PV) là đặc biệt quan trọng. Chính sách tốt nhưng thực hiện không tốt thì mục tiêu cũng không đạt được. Chính sách của Trung ương giống nhau nhưng mức độ nhận thức chính sách, cách thức tổ chức thực hiện chính sách của chính quyền cấp cơ sở là hoàn toàn khác nhau.
Cách tiếp cận của PGI cũng tương tự như cách tiếp cận của bộ chỉ số PCI là thúc đẩy thay đổi từ bên dưới lên. Kế thừa quá trình cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam rất thành công thời gian qua, tôi cho rằng để tạo ra sự thay đổi môi trường kinh doanh theo hướng bền vững hơn, xanh hơn, cũng cần hai lực đẩy như trên. Hai lực đẩy này sẽ tạo ra sự thay đổi nhanh hơn, đồng đều hơn.
Theo ông, để PGI phát huy thế mạnh này, việc thực thi chính sách ở các địa phương cần hướng tới những hành động cụ thể nào?
Hiện nay, chúng tôi đang tham vấn các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan quản lý về nội hàm và hệ thống chỉ tiêu để đánh giá PGI.
Có một số điểm quan trọng mà nhiều người khá đồng thuận là làm sao đánh giá được chất lượng thực hiện pháp luật về môi trường ở cấp địa phương, yếu tố môi trường phải được tích hợp trong các quyết sách của địa phương về đầu tư, kinh tế; ngoài ra làm sao phản ánh được những chính sách của địa phương khuyến khích đầu tư, tăng trưởng theo hướng bền vững, xanh, những sáng kiến riêng có, những nỗ lực riêng…
Thông qua PGI, doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể nhận diện cơ hội kết nối đầu tư như thế nào?
Thực sự cá nhân tôi muốn PGI phải thể hiện được thông điệp quan trọng là chính quyền địa phương tạo lập một môi trường kinh doanh bền vững hơn, xanh hơn; không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà là một cách để làm địa phương mình hấp dẫn hơn với dòng vốn đầu tư chất lượng cao, có lợi thế hơn với các nhà đầu tư chất lượng tốt. Tức là yếu tố “xanh” ở đây phải trở thành một lợi thế kinh tế, một động lực kinh tế.
Từ lợi thế kinh tế đó, các doanh nghiệp lựa chọn cho mình môi trường đầu tư, nhà đầu tư lựa chọn doanh nghiệp để gửi gắm dòng vốn. Có thể nói, nhà đầu tư chất lượng sẽ chọn doanh nghiệp không chỉ mạnh, mà còn phải “xanh”.
Trong gần 18 năm qua, báo chí nói chung và hệ thống Báo Đầu tư nói riêng đã luôn đồng hành cùng PCI để góp phần đưa chỉ số này lên tầm quốc gia như ngày nay. Ông có thể chia sẻ về vai trò này của báo chí? Đối với PGI, ông mong muốn báo chí sẽ phát huy vai trò thông tin, kết nối dòng chảy đầu tư như thế nào?
Đúng là PCI từ những ngày đầu đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của báo chí. Ngay từ khi mới ra đời (năm 2005), PCI đã là công cụ tương đối “gai góc”, vì đây là tập hợp “tiếng nói”, là nguyện vọng của doanh nghiệp tư nhân, chủ thể vốn chưa được coi trọng lắm cách đây gần 18 năm.
Vào thời điểm đó, việc người dân, doanh nghiệp được “đánh giá” chính quyền, “chấm điểm” chính quyền, được trao quyền để nói về những vấn đề rất nhạy cảm như nhũng nhiễu, khó khăn, năng động, sáng tạo…, thực sự rất khó thực hiện nếu không có sự ủng hộ của báo chí.
Chính báo chí đã luôn cổ vũ những mô hình tốt, cách làm hay từ các tỉnh, nhân rộng và chia sẻ các bài học trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Từ kết quả điều tra PCI tại doanh nghiệp hàng năm, báo chí cũng cảnh báo những xu hướng cần quan tâm.
Với PGI sắp tới cũng như vậy, chúng tôi thực sự mong muốn báo chí nói chung và hệ thống Báo Đầu tư nói riêng tiếp tục nâng cao vai trò trong việc cổ vũ, thúc đẩy môi trường kinh doanh cấp tỉnh không chỉ thông thoáng về thủ tục, mà còn phải bền vững hơn, xanh hơn.