Từ câu chuyện S99
Giai đoạn 2012 - 2013, giá cổ phiếu S99 của CTCP Sông Đà 9.09 giao dịch quanh ngưỡng 4.000 đồng/CP, với thanh khoản èo uột. Nhưng từ cuối năm 2013, giá cổ phiếu S99 liên tục tăng, kèm theo thanh khoản tích cực, dù hoạt động kinh doanh của Công ty chưa có chuyển biến. Năm 2011, S99 lãi khiêm tốn 320 triệu đồng, năm 2012 lãi 2,146 tỷ đồng, năm 2013 lãi 2,386 tỷ đồng.
Từ quý II/2014, thị trường bắt đầu chứng kiến sự trở lại ngoạn mục của S99, khi Công ty báo lãi hơn 7,5 tỷ đồng trong quý này, gấp 7,7 lần so với quý trước đó và gấp hơn 3 lần so với cả năm 2013. Tiếp theo kết quả kinh doanh ấn tượng là những thông tin về phương án tái cấu trúc, phương án tăng vốn được Công ty trình các cổ đông tại cuộc họp ĐHCĐ bất thường lần 1 năm 2014.
Kết thúc năm 2014, S99 chính thức xây dựng diện mạo mới, với kết quả kinh doanh lãi 21,4 tỷ đồng. Đầu năm 2015, Công ty tăng vốn thành công lên 370 tỷ đồng thông qua việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:2 và bán cho cán bộ, công nhân viên.
Trong báo cáo thường niên năm 2014, S99 chỉ nói vắn tắt sẽ tiếp tục thực hiện Đề án tái cấu trúc đã được ĐHCĐ thông qua. Nhưng tự mình, S99 có thể làm một cuộc “lột xác” như vậy? Câu trả lời là không. Phía sau câu chuyện tái cấu trúc S99 là một nhân vật có tiếng trên TTCK trong những năm gần đây.
Theo đó, với sự tham gia của một nhóm NĐT, một lượng lớn cổ phiếu S99 đã được nhóm này mua từ năm 2013. Với sự tham gia của nhóm NĐT nói trên, S99 đã được hỗ trợ toàn diện từ quản trị đến tái cấu trúc tài chính, tập trung hoạt động cốt lõi đến việc tìm kiếm thêm hợp đồng cho hoạt động kinh doanh.
“Nhắc đến T., (nhân vật đại diện cho nhóm NĐT nói trên), nhiều người nghĩ ngay đến chuyện mua cổ phiếu ruồi và làm giá, nhưng sự thật là T. đã bước sang một giai đoạn mới. Đó là tham gia sâu vào hoạt động của S99. Bây giờ, ‘lái tàu’ phổ thông không còn tác dụng nữa”, tổng giám đốc một CTCK lớn nhận xét.
… đến hàng loạt doanh nghiệp khác
Phía sau cuộc “lột xác “của hàng loạt doanh nghiệp niêm yết, gần như bao giờ cũng có bàn tay của một số NĐT tài chính thuần túy; trong đó, vai trò của các NĐT cá nhân đang tăng lên đáng kể.
Trao đổi với ĐTCK, phó tổng giám đốc một CTCK trong Top 10 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất trên HNX cho biết, một số NĐT cá nhân lớn vẫn được công chúng đầu tư nghĩ đến như những người làm giá chuyên nghiệp, nhưng sự thực cách thức đầu tư đã thay đổi hoàn toàn. Theo vị này, việc các NĐT cá nhân ngồi với doanh nghiệp cùng giải bài toán về kinh doanh cho doanh nghiệp đã khá phổ biến.
Trong câu chuyện với ĐTCK, chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp niêm yết trên HOSE trong lĩnh vực bất động sản đã luôn miệng nhắc tên một NĐT cá nhân, người chỉ sở hữu xấp xỉ 4% vốn điều lệ của doanh nghiệp, chưa bao giờ tham gia vào quản trị công ty. Trong mấy năm qua, NĐT này đã giúp công ty rất nhiều trong việc kết nối đối tác ở một số dự án bất động sản, giúp công ty vượt qua khó khăn về thanh khoản và giải quyết hàng tồn kho.
Với quy mô vốn đầu tư lớn, các NĐT cá nhân, dù hoạt động thuần trong vai trò NĐT tài chính, nhưng lại đang thay đổi khá nhiều trong cách thức đầu tư, bởi đầu tư “lướt sóng” chỉ phù hợp ở một quy mô vốn tầm trung.
“Khi danh mục đầu tư đã lên tới vài trăm hoặc cả nghìn tỷ đồng, hình thức lướt sóng đơn thuần sẽ không còn phù hợp nữa. Tôi buộc phải lựa chọn doanh nghiệp có cơ hội để vực dậy, sau đó tham gia cùng Ban lãnh đạo để nâng tầm doanh nghiệp. Và khi thị trường chấp nhận mức giá mới, đó mới là lúc tôi thực hiện thoái vốn”, anh N.Q.H, một NĐT cá nhân lớn cho biết. Thời gian để hoàn tất một thương vụ như vậy kéo dài khoảng 1 - 2 năm, thậm chí lâu hơn và mỗi giai đoạn, anh H. thường chỉ đầu tư vào 2 - 3 doanh nghiệp.
Việc xuất hiện vai trò chuyên nghiệp của nhóm NĐT cá nhân này đã góp phần không nhỏ trong việc khôi phục các doanh nghiệp niêm yết gặp khó khăn, nhất là nhóm doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời về thanh khoản, nhưng có nền tảng kinh doanh tốt. Đây chính là một trong những động lực giúp TTCK trở nên hấp dẫn hơn với cả NĐT và doanh nghiệp, khi doanh nghiệp có cơ hội vươn mình bứt phá, còn NĐT có cơ hội đạt siêu lợi nhuận.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trào lưu này cũng để lại không ít những hậu quả cho các doanh nghiệp, khi Ban lãnh đạo trót đặt lòng tin quá đà vào các kế hoạch kinh doanh mà NĐT cá nhân vẽ ra, trong khi kế hoạch tài chính sau đó bị “đứt gánh giữa đường” do NĐT rút vốn, cổ phiếu của công ty không được hỗ trợ về thanh khoản và giá. Thậm chí, có doanh nghiệp rơi vào tình huống “khóc dở, mếu dở”, do phải thực hiện các quyết định đầu tư/thoái vốn không vì lợi ích lâu dài của doanh nghiệp, mà chỉ với mục tiêu hỗ trợ tin tốt cho NĐT thoái vốn.