Nhà đầu tư cá nhân nghỉ Tết sớm

Nhà đầu tư cá nhân nghỉ Tết sớm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà đầu tư cá nhân trong nước là nhóm bán ròng chính trong tuần vừa qua, xu hướng này dự báo sẽ duy trì cho tới trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Ngưỡng hỗ trợ 1.160 - 1.170 điểm được duy trì

Phiên giao dịch cuối tuần đóng cửa trong sắc xanh giúp chỉ số VN-Index chỉ ghi nhận mức giảm 0,93% trong tuần qua. Điều này khiến nhà đầu tư vững tâm hơn.

Phần lớn các phiên giao dịch trong tuần là phiên giảm điểm, biên độ giảm điểm của từng phiên khá mỏng, chỉ ở mức quanh 3 - 4 điểm mỗi phiên. Cùng với đó là thanh khoản sụt giảm cực kỳ mạnh, với giá trị giao dịch trung bình 10 phiên đã xuống dưới mức 15.000 tỷ đồng cho thấy áp lực bán tuy chi phối thị trường chung nhưng cũng được kiềm chế tương đối. Do đó, thị trường chung vẫn duy trì được các ngưỡng hỗ trợ mạnh tại 1.160 - 1.170 điểm, giữ được tiềm năng tăng trở lại trong tuần tiếp theo.

Ngân hàng, hàng tiêu dùng và vật liệu xây dựng vẫn đang là những ngành có mức tăng tương đối tốt, duy trì sức mạnh vững vàng trong tuần qua. Với ngành ngân hàng, sau nhịp chỉnh ngắn và luân phiên trong phiên vẫn duy trì được một số mã vượt trội, do đó là nhóm ngành neo giữ cho chỉ số chung.

Nhà đầu tư cá nhân là nhóm bán ròng chính trong tuần vừa qua, khi nhà đầu tư nước ngoài và tự doanh duy trì đà mua ròng lớn. Dự kiến, xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì đến trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài.

Bất động sản khu công nghiệp – Điểm sáng từ dòng vốn FDI

Trong năm 2023, chúng ta đã đón nhận một làn sóng FDI cực kỳ mạnh mẽ, vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam đã đạt mức 36,6 tỷ USD, tăng 31,2% so với cùng kỳ; trong đó, vốn đăng ký mới đạt gần 20,19 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ. Số lượng dự án đăng ký mới cũng tăng trưởng mạnh mẽ hơn 56,6% so với cùng kỳ.

Trong xu hướng đó, chúng ta có thể thấy được sự bứt phá trong vốn FDI đăng ký vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 2 tháng cuối năm, tạo ra một sự kỳ vọng lớn về sự phát triển của lĩnh vực này, với hàm lượng giá trị gia tăng cao ở Việt Nam trong tương lai. Chúng ta có nhiều dự án FDI công nghệ cao về sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị bán dẫn của các doanh nghiệp có tên tuổi trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh những nỗ lực trong thu hút đầu tư FDI của Việt Nam trong những năm qua, có thể căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, sự dịch chuyển của dòng FDI toàn cầu những năm gần đây, đặc biệt là việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ vào tháng 9/2023 đã đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn với dòng vốn FDI toàn cầu.

Song song với các chiến lược về ngoại giao, hệ thống hạ tầng của Việt Nam cũng dần được nâng cấp để đáp ứng cho sự phát triển của ngành công nghiệp trong nước. Nếu đến năm 2022, cả nước chỉ có hơn 1.100 km đường cao tốc, thì một năm sau, chúng ta đã đưa vào vận hành hơn 730 km đường cao tốc mới, nâng tổng số chiều dài của các tuyến cao tốc lên hơn 1.800 km. Dự kiến, đến năm 2025, cả nước sẽ có hơn 3.000 km đường cao tốc, đưa mạng lưới đường cao tốc có thể kết nối 2 đầu Nam - Bắc và các cửa khẩu, các cảng biển huyết mạch.

Nhìn vào xu hướng phát triển của hệ thống đường cao tốc, chúng ta cũng có thể nhận ra xu hướng phát triển của các trung tâm công nghiệp và các khu đô thị mới sẽ được quy hoạch theo hướng vành đai và xoay quanh hai trung tâm kinh tế - chính trị lớn nhất nước ta là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, với chiều hướng thiên về phát triển ra các cảng biển nhằm phục vụ cho việc thương mại.

Với xu hướng vốn FDI gia tăng vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong tương lai gần, nhu cầu về quỹ đất cho các khu công nghiệp đến từ các doanh nghiệp và dự án rất lớn. Trong bối cảnh tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp trên địa bàn Hưng Yên, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương đã đạt mức cao trên 85%, chúng tôi kỳ vọng các khu công nghiệp hiện hữu vẫn sẽ có được mức độ tăng trưởng nhất định về cho thuê, cũng như tốc độ hấp thụ của các khu công nghiệp hình thành trong tương lai sẽ tương đối nhanh.

Tin bài liên quan