Cụ thể, trong quý I, nhà đầu tư cá nhân mua tổng cộng 9.546 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, trong đó các cá nhân nước ngoài chỉ mua 9,6 tỷ đồng, còn lại là các cá nhân trong nước.
Tỷ trọng cá nhân mua trên tổng lượng phát hành toàn thị trường quý I/2020 là 20%, gấp đôi so với mức trung bình 10% của năm 2019.
Nhà đầu tư cá nhân mua nhiều nhất là trái phiếu bất động sản (6.300 tỷ đồng, tương đương 28,3% lượng phát hành của nhóm bất động sản).
Số liệu từ Công ty Chứng khoán SSI cho biết, toàn bộ 5.347 tỷ đồng trái phiếu phát hành thành 110 đợt của TNR Holdings trong quý I đều được các cá nhân trong nước mua. Trong năm 2019, nhà đầu tư cá nhân cũng mua trọn 5.345 tỷ đồng do doanh nghiệp này phát hành.
Lãi suất trái phiếu của TNR Holdings đều cố định và đã tăng từ 9,5%/năm với kỳ hạn 2 năm vào đầu năm 2019 lên 10,9%/năm với cả kỳ hạn 3 năm và 5 năm phát hành từ 12/2019 đến nay.
Một số khoản trái phiếu bất động sản khác có nhà đầu tư cá nhân mua nhiều như CTCP Ðầu tư địa ốc Phú Hưng (400 tỷ đồng); Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Ðường (166 tỷ đồng); CTCP Ðầu tư Hải Phát (147 tỷ đồng)… Lãi suất trái phiếu các doanh nghiệp bất động sản này chủ yếu là cố định từ 11 - 13%/năm.
Các cá nhân trong nước cũng mua toàn bộ 710,3 tỷ trái phiếu 7 năm của TPBank; mua 421,7 tỷ đồng trái phiếu 1 - 3 năm của Công ty Chứng khoán MB, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Techcombank. Lãi suất các trái phiếu này dao động từ 8,5 - 9,5%/năm.
Lô phát hành 3.000 tỷ đồng ra công chúng của Tập đoàn Masan cũng huy động được gần 1.148 tỷ đồng từ nhà đầu tư cá nhân trong và ngoài nước. Trái phiếu này có kỳ hạn 36 tháng, lãi suất thả nổi (kỳ đầu 9,3%/năm, các năm sau bằng lãi suất tham chiếu +2,5%/năm).
Sự tham gia tích cực của nhà đầu tư cá nhân đã giữ cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp quý I/2020 duy trì được đà tăng so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 47.500 tỷ đồng theo thống kê tại HNX.
Lý giải cho việc nhà đầu tư cá nhân gia tăng mức độ quan tâm đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, lãnh đạo một công ty chứng khoán cho biết, lãi suất phát hành sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp có xu hướng tăng so với năm 2019 (9 - 12%/năm), từ đó, lãi suất thứ cấp đến tay nhà đầu tư dao động ở mức cao hơn lãi suất tiết kiệm 3 - 4%.
Ðặc biệt, nhà đầu tư còn cho rằng, với bối cảnh kinh tế như năm nay, lãi suất tiết kiệm có xu hướng giảm tiếp nên đã đa dạng hóa sang kênh trái phiếu.
Ngoại trừ đợt phát hành của Masan thực hiện theo phương thức phát hành ra công chúng, các đợt phát hành còn lại đều thực hiện theo hình thức riêng lẻ.
Kênh trái phiếu tăng trưởng và ngày càng phổ biến tới các nhà đầu tư cá nhân đến từ sự “năng động” của các công ty chứng khoán.
Thông thường, các đợt phát hành sơ cấp sẽ được công ty chứng khoán hoặc một tập khách hàng ruột của công ty chứng khoán “ôm”, sau đó công ty chứng khoán xé lẻ bán cho các nhà đầu tư cá nhân.
Vì có cam kết mua lại của công ty chứng khoán nên các nhà đầu tư cá nhân khá tin tưởng bỏ tiền vào kênh đầu tư này.
Với các công ty chứng khoán, chênh lệch lãi suất ở mức 3% đủ để hấp dẫn họ tham gia cuộc chơi. Khi được hỏi về độ rủi ro của việc ôm các lô trái phiếu này, trưởng phòng kinh doanh trái phiếu của một công ty chứng khoán tự tin nói rằng, Công ty đã thẩm định rất kỹ doanh nghiệp.
Ðợt phát hành có tài sản đảm bảo và nếu trong trường hợp doanh nghiệp không triển khai được dự án, Công ty đã có đội đứng sau lấy lại dự án để tiếp tục triển khai đến tay người mua cuối cùng.
Vị này cũng đánh giá, các doanh nghiệp bất động sản có sự nhanh nhạy với thị trường để chuẩn bị dòng tiền sớm trước khi Nghị định 63/2017 về phát hành trái phiếu riêng lẻ được sửa đổi, sẽ thắt lại kênh huy động vốn nhằm đảm bảo cho thị trường trái phiếu phát triển bền vững, cũng như dự báo sự khó khăn từ kinh tế vĩ mô có thể khiến nhà đầu tư cá nhân co lại phòng thủ, khó xuống tiền.