Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, phố Wall nhận thông tin tích cực khi sản lượng công nghiệp tháng 2 tăng 1,1%, mức tăng lớn nhất trong 4 tháng. Tuy nhiên, đà tăng của các chỉ số chỉ ở mức khiêm tốn khi giới đầu tư thận trọng trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới với dự đoán cơ quan này sẽ tăng lãi suất.
Kết thúc phiên 16/3, chỉ số Dow Jones tăng 72,85 điểm (+0,29%), lên 24.946,51 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,68 điểm (+0,17%), lên 2.752,01 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,25 (+0,00%), lên 7.481,99 điểm.
Dù hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần, trong đó Dow Jones có 2 phiên tăng điểm cuối tuần, nhưng phố Wall vẫn có tuần giảm điểm tuần qua sau khi tăng mạnh tuần trước đó do những lo ngại về cuộc chiến thương mại toàn cầu và bất ổn trên chính trường Mỹ. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Dow Jones giảm 1,54%, chỉ số S&P 500 giảm 1,24% và chỉ số Nasdaq giảm 1,04%.
Chứng khoán châu Âu cũng duy trì đà tăng trong phiên cuối tuần nhờ thông tin về M&A, đặc biệt là cổ phiếu NEX tăng mạnh 30,3% sau khi nhận được đề nghị mua lại sơ bộ từ CME Group.
Kết thúc phiên 16/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 24,38 điểm (+0,34%), lên 7.164,14 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 44,02 điểm (+0,36%), lên 12.389,58 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 15,49 điểm (+0,29%), lên 5.282,75 điểm.
2 phiên hồi phục cuối tuần đã giúp chứng khoán Đức và Pháp có tuần tăng thứ 2 liên tiếp, trong khi chứng khoán Anh quay đầu điều chỉnh nhẹ. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 0,84%, chỉ số DAX tăng 0,35% và chỉ số CAC 40 tăng 0,16%.
Trong khi đó, chứng khoán châu Á lại đồng loạt giảm điểm trong phiên cuối tuần khi giới đầu tư lo lắng về những vấn đề liên quan đến chính trường Mỹ, cũng như khả năng về một cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Kết thúc phiên 16/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 127,44 điểm (-0,58%), xuống 21.676,51 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 39,13 điểm (-0,12%), xuống 31.501,97 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 21,23 điểm (-0,65%), xuống 3.269,88 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,97%, chỉ số Hang Seng tăng 1,63%, tuần tăng thứ 2 liên tiếp của 2 chỉ số này, trong khi chỉ số Shanghai Composite quay đầu giảm 1,13% sau khi tăng 1,62% trong tuần trước đó.
Giá vàng tiếp tục giảm khi đồng USD tiếp theo hồi phục phiên thứ 3 liên tiếp, lên mức cao nhất hơn 2 tuần.
Kết thúc phiên 16/3, giá vàng giao ngay giảm 2,1 USD/ounce (-0,16%), xuống 1.313,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 giảm 3,9 USD/ounce (-0,30%), xuống 1.313,9 USD/ounce.
Trong tuần qua, giá vàng giao ngay giảm 0,72% và giá vàng tương lại giao tháng 4 giảm 0,76% sau khi hồi phục nhẹ tuần trước đó.
Với việc đồng USD tăng mạnh, cùng với khả năng Fed tăng lãi suất, cả giới đầu tư và phân tích tiếp tục có cái nhìn thận trọng về xu hướng của giá vàng trong tuần mới, nhưng cũng khá hơn nhiều so với tuần trước đó.
Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 19 chuyên gia tham gia trả lời, trong đó có 7 người, chiếm 37% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần này, cao hơn nhiều con số 12% của tuần trước; có tới 8 người, chiếm 42% dự báo giảm, thấp hơn nhiều so với mức 65% của tuần trước; và 4 người còn lại, chiếm 21% dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Tương tự, trong cuộc thăm dò trực tuyến, có 460 lượt người tham gia, thấp hơn nhiều so với mức trung bình trong nhiều tuần qua, trong đó có 202 lượt, chiếm 44% dự báo giá vàng sẽ tăng trở lại, nhỉnh hơn con số 41% của tuần trước đó; có 187 lượt bình chọn, chiếm 41% dự báo giá vàng sẽ giảm, thấp hơn so mức 47% của tuần trước; 71 lượt, chiếm 15% giữ quan điểm trung lập.
Trong khi đó, giá dầu thô lại tiếp tục tăng mạnh trong phiên cuối tuần với giá dầu thô Brent lên mức cao nhất 2 tuần, bất chấp số lượng giàn khoan của Mỹ tăng 4 giàn trong tuần, tuần tăng thứ 7 trong 8 tuần.
Kết thúc phiên 16/3, giá dầu thô Mỹ tăng 1,15 USD (+1,84%), lên 62,34 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,09 USD (+1,65%), lên 66,21 USD/thùng.
Giá dầu thô có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với giá dầu thô Mỹ tăng 0,48% và giá dầu thô Brent tăng 1,10%.