Những năm qua, chứng chỉ quỹ mở trái phiếu thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư bởi việc phù hợp với quy mô vốn đầu tư nhỏ, khác hẳn việc mua trái phiếu từ những thương vụ phát hành riêng lẻ. Người dân dễ dàng mua chứng chỉ quỹ trái phiếu thay vì chứng minh vai trò của một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi tham gia các đợt phát hành theo quy định hiện hành.
Nhà đầu tư quy mô nhỏ sở hữu tỷ trọng thấp, nhưng là nhóm đông đảo nhất. Đơn cử, thời điểm cuối tháng 9/2022, Quỹ Đầu tư Trái phiếu Techcom (TCBF) có 20.443 nhà đầu tư nắm giữ dưới 5.000 chứng chỉ quỹ (khoảng 83 triệu đồng) trên tổng số 43.743 nhà đầu tư của Quỹ, tương đương 2% tổng số chứng chỉ quỹ. Quy mô từ 10.000 - 500.000 chứng chỉ quỹ (165 triệu đồng - 8,5 tỷ đồng) có 16.616/43.743 nhà đầu tư và sở hữu tỷ lệ 69,59%.
Nhà đầu tư cá nhân với số lượng đông đảo nhưng tâm lý dễ bị tác động thường tạo “hiệu ứng đám đông”, tâm điểm là những sự kiện đặc biệt vừa qua. Những gì đang xảy ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phản ánh rõ nét xu hướng này. Làn sóng rút trước hạn trái phiếu ở nhiều doanh nghiệp lan sang các quỹ đầu tư, quỹ mở trái phiếu.
Rút quỹ đột ngột - Nhà đầu tư “lấy đá ghè chân”
Ghi nhận từ đầu tháng 10, loạt quỹ mở trái phiếu quy mô lớn trên thị trường bị rút quỹ như TCBF, MBBond, DCBF, SSIBF. Ước tính từ đầu tháng 10, quy mô của 4 quỹ mở này giảm gần 20% với tổng giá trị hơn 5.100 tỷ đồng. Trong hai tuần gần đây, quỹ lớn nhất thị trường là TCBF bị rút ra hàng nghìn tỷ đồng. Động thái “quay ngoắt 180 độ” từ ưa thích với cơ chế đầu tư linh hoạt sang rút tiền đột ngột tạo áp lực không hề nhỏ cho công ty quản lý quỹ.
Khác với vai trò trái chủ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, cơ chế đầu tư vào quỹ mở trái phiếu linh hoạt hơn. Khi nhà đầu tư có nhu cầu bán hay còn gọi là rút quỹ, công ty quản lý quỹ sẽ thực hiện bán danh mục đối ứng, thực hiện hoán đổi với mức giá được xác định bằng giá trị tài sản ròng trên (NAV/chứng chỉ quỹ) tại ngày thực hiện.
Danh mục đầu tư của các quỹ mở trái phiếu bao gồm các sản phẩm thanh khoản như chứng chỉ tiền gửi, giấy tờ có giá, trái phiếu doanh nghiệp. Khi khách hàng rút quỹ, công ty quản lý quỹ sẽ thực hiện bán ra theo lô, bao gồm các sản phẩm có tỷ trọng được xây dựng trước đó. Tuy nhiên, trong kịch bản có mã chứng khoán trong lô không thể đặt bán, công ty quản lý quỹ sẽ bán ra những sản phẩm có tính thanh khoản cao hơn. Một lựa chọn khác là hạ giá bán để có thể khớp lệnh, thu hồi tiền để hoàn vốn cho những nhà đầu tư.
Theo dõi danh mục các quỹ mở, tiền phân bổ vào trái phiếu doanh nghiệp niêm yết để đảm bảo tính thanh khoản trong trường hợp rút quỹ. Trên thị trường có một số trái phiếu niêm yết của công ty, tập đoàn lớn như Novaland, Vingroup, Vietjet, Vinhomes, Masan, VNDirect, Hà Đô, Kinh Bắc, hay của các ngân hàng.
Một số trái phiếu doanh nghiệp không xuất hiện lệnh đặt mua khớp lệnh phiên 28/10. Nguồn: HNX |
Tuy vậy, việc rút quỹ bất ngờ tạo làn sóng của nhà đầu tư trong khi vắng thanh khoản trên thị trường thứ cấp tác động lớn đến các quỹ, gây nguy cơ hụt thanh khoản tạm thời.
Ghi nhận trong phiên 28/10, lệnh bán trái phiếu của các đơn vị như Vingroup, VNDirect (VND122013, VND122014) với khối lượng hàng trăm nghìn đơn vị nhưng không xuất hiện lực cầu đối ứng. Tổng giá trị giao dịch thỏa thuận trên thị trường chỉ đạt 492 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tất cả các lệnh bán kể trên đều thấp hơn so với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, đồng nghĩa rằng các tổ chức đang phải bán cắt lỗ để trả tiền cho nhà đầu tư. Trong kịch bản không mong đợi, công ty quản lý quỹ tiếp tục hạ giá bán xuống thấp hơn để có thể khớp lệnh.
Một điểm cũng cần lưu ý khác là các giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường thứ cấp không được thể hiện hết chỉ qua một số sàn giao dịch chính thức, mà còn có thể được thực hiện trực tiếp giữa các nhà đầu tư qua các kênh chào giá khác. Và mức chiết khấu được chào, có thể còn cao hơn những gì được công bố trên các nguồn thông tin chính thức, và đó có thể là nguyên nhân khiến thanh khoản mất hút, khi mà mức giá giao dịch không phù hợp với giá thị trường tại thời điểm đó.
Tới đây, không ai khác, chính nhà đầu tư nắm giữ chứng chỉ quỹ chịu thiệt, thậm chí mất thành quả tích lũy trong nhiều tháng qua bởi số tiền rút được xác định bởi NAV/chứng chỉ quỹ tại thời điểm bán, phản ánh theo giá thị trường như cơ chế nêu trên. Ghi nhận trong những phiên gần đây, NAV/chứng chỉ quỹ của một quỹ mở điều chỉnh quay đầu giảm với độ dốc lớn, tạo hiện tượng hiếm thấy. Như vậy, rõ ràng rằng động thái rút quỹ đột ngột của một bộ phận vô tình đẩy chính họ vào tình huống “lấy đá tự ghè chân mình”.
So sánh lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng và hiệu suất kể từ đầu năm của các quỹ mở trái phiếu. Nguồn: Tác giả tổng hợp |
Tại sao đám đông lại hành động như vậy?
Trước tiên, cần nói tới bối cảnh của thị trường, tâm lý nhà đầu tư cá nhân - bộ phận đông đảo nắm giữ chứng chỉ quỹ mở trái phiếu đã bị ảnh hưởng trong giai đoạn qua bởi tác động từ loạt thương vụ phát hành riêng lẻ trên thị trường như nhóm Tân Hoàng Minh, An Đông (Vạn Thịnh Phát). Tâm lý lo sợ cộng hưởng các tin đồn thất thiệt khiến nhiều lô trái phiếu doanh nghiệp chịu “vạ lây”. Kết quả là, các quỹ đầu tư dù không rót tiền vào các lô trái phiếu trên nhưng đã bị ảnh hưởng như đã thấy.
Thứ hai, với nhiều nhà đầu tư chứng chỉ quỹ mở trái phiếu là sản phẩm có tính thanh khoản cao, ưu tiên bán ra khi có nhu cầu tiền mặt. Xét ở thời điểm hiện tại, khi thị trường cổ phiếu sụt giảm sâu, các ngân hàng hết room để giải ngân, thị trường bất động sản trầm lắng, nhà đầu tư đã không còn quyết định nào khác ngoài bán chứng chỉ quỹ trái phiếu.
Ghi nhận tại TCBF, khối ngoại cũng thực hiện bán ra, có thể xuất phát từ hoạt động cơ cấu lại danh mục đầu tư để quản trị rủi ro trước những biến động mạnh của thị trường.
Cuối cùng, trái phiếu doanh nghiệp từ chỗ là sản phẩm cạnh tranh về lợi suất với tiền gửi tiết kiệm lại đang “hụt hơi” trước cuộc đua lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại. Tiền gửi kỳ hạn 1 năm liên tục tăng từ vùng 6 – 7% lên vùng 7 – 9%, nhiều ngân hàng đưa ra mức lãi suất huy động trên 9%.
Những yếu tố phân tích trên đều đang ảnh hưởng đến quyết định nắm giữ chứng chỉ quỹ trái phiếu của nhà đầu tư. Song, câu chuyện ở đây đó là quyết định đột ngột tạo hiệu ứng đám đông của thị trường. Áp lực từ các quyết định sẽ ảnh hưởng đến chính “túi tiền” của nhà đầu tư. Bởi vậy, hơn ai hết chính nhà đầu tư cần phải xét kỹ về tính hiệu quả khi ra quyết định trong bối cảnh này.
Những hệ lụy khó lường đối với thị trường tài chính
Nhìn từ góc độ rộng hơn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp đang hoàn toàn thuộc về người mua, nay có thể chỉ còn lại một nhóm nhỏ các nhà đầu tư có dòng tiền nhàn rỗi từ hoạt động sản xuất kinh doanh, chuyển từ kênh tiền gửi ngắn hạn sang, nhưng quy mô nhỏ và khá ngắn hạn. Mà khi giao dịch thứ cấp đã đóng băng, thì coi như là thị trường mất thanh khoản. Mà thanh khoản, luôn được ví như ô xy của thị trường, nên việc mất thanh khoản có thể đồng nghĩa với sự đổ vỡ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Chúng ta đều biết thị trường tài chính nói chung có tính liên thông cao, không chỉ trong nội bộ thị trường tài chính, mà liên thông với các thị trường khác ví dụ như thị trường bất động sản. Việc đóng băng của giao dịch tại 1 doanh nghiệp này sẽ lan sang 1 doanh nghiệp khác, tại một phân khúc này sẽ ảnh hưởng dây chuyền tới các phân khúc khác, lan sang các thị trường khác. Việc không phân biệt được tốt, xấu, sẽ chỉ làm cho ảnh hưởng dây chuyền lan rộng với tốc độ cao. Và đó là những điều không một ai mong muốn.