Nhà đầu tư bắt đầu chốt lời

Nhà đầu tư bắt đầu chốt lời

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (9/11) trước động thái chốt lời của thị trường sau chuỗi 8 phiên tăng liên tiếp, bên cạnh lo ngại về lạm phát tiếp diễn.

Báo cáo về chỉ số giá sản xuất (PPI) do Bộ Lao động Mỹ thông báo hôm thứ Ba cho thấy, lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục nóng lên khi những thách thức đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu lao động đang khiến tốc độ tăng giá vượt xa mục tiêu lạm phát trung bình hàng năm 2% mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đặt ra.

Cụ thể, PPI tại Mỹ tháng 10 tăng 0,6% so với tháng trước và đã tăng 8,6% trong vòng 12 tháng qua.

Báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ được công bố ngày 10/11 sẽ được các nhà đầu tư xem xét kỹ lưỡng để xác định mức độ ảnh hưởng mà giá sản xuất ảnh hưởng đến người tiêu dùng, chiếm khoảng 70% chi tiêu của nền kinh tế Mỹ.

Mặt khác, mùa báo cáo quý III đang đi đến hồi kết với 445 công ty thuộc S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh. 81% trong số đó vượt kỳ vọng của giới phân tích, theo Refinitiv.

Đáng chú ý trong phiên, cổ phiếu General Electric tăng 2,6% sau khi tập đoàn công nghiệp 129 tuổi này thông báo sẽ tách thành ba công ty đại chúng riêng biệt để đơn giản hóa hoạt động kinh doanh.

Ngược lại, cổ phiếu PayPal lao dốc 10,5% do không đạt được doanh thu quý III như kỳ vọng và đưa ra dự báo quý IV yếu hơn dự kiến.

Cổ phiếu Tesla mất gần 12%, kéo dài đà sụt giảm sau kết quả cuộc thăm dò mà Elon Musk hồi cuối tuần trước tổ chức trên Twitter. Nhà sáng lập Tesla đặt câu hỏi, liệu ông có nên bán 10% cổ phần của mình hay không và nhận về gần 58% câu trả lời “có”.

Cả ba chỉ số chính trên phố Wall đều đóng cửa trong sắc đỏ. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures cũng đang chìm trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên 9/11, chỉ số Dow Jones giảm 112,24 điểm (-0,31%), xuống 36.319,98 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 16,45 điểm (-0,35%), xuống 4.685,25 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 95,81 điểm (-0,6%), xuống 15.886,54 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm trong phiên ngày thứ Ba trong bối cảnh nhà đầu tư thận trọng chờ đợi tín hiệu mới từ dữ liệu kinh tế trong tuần này sau đợt tăng giá mạnh nhờ mùa báo cáo quý III mạnh mẽ.

Kết thúc phiên 9/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 26,36 điểm (-0,3%), xuống 7.272,04 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 6,05 điểm (-0,04%), xuống 16.040,47 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 4,21 điểm (-0,06%), xuống 7.043,27 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm, bị ảnh hưởng bởi đồng yên mạnh lên và một số công ty báo cáo lợi nhuận kém khả quan.

Chứng khoán Trung Quốc nhích nhẹ sau khi ngân hàng trung ương nước này giới thiệu công cụ cho vay mới, nhưng các nhà phân tích cho rằng điều này không có tác động mạnh mẽ tới thị trường.

Chứng khoán Hồng Kông tăng nhẹ nhờ cổ phiếu chăm sóc sức khỏe phục hồi từ mức giảm mạnh trong phiên trước đó.

Chứng khoán Hàn Quốc gần như không đổi do các nhà giao dịch thận trọng trước dữ liệu lạm phát từ Mỹ.

Kết thúc phiên 9/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 221,59 điểm (-0,75%), xuống 29.285,46 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 8,36 điểm (+0,24%), lên 3.507,00 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 49,36 điểm (+0,20%), lên 24.813,13 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 2,26 điểm (+0,07%), lên 2.962,46 điểm.

Giá vàng đêm qua tiếp tục đà tăng vững chắc khi giới đầu tư lo lắng trước lạm phát leo thang. Đồng USD, lãi suất trái phiếu Mỹ và chứng khoán đồng loạt suy yếu cũng thúc đẩy giá vàng.

Kết thúc phiên 9/11, giá vàng giao ngay tăng 8,00 USD (+0,44%), lên 1.832,00 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 2,80 USD (+0,15%), lên 1.830,80 USD/ounce.

Giá dầu phiên ngày thứ Ba tăng lên mức cao nhất trong hai tuần sau khi Mỹ dỡ bỏ các hạn chế đi lại, bên cạnh nhiều dấu hiệu cho thấy đà phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch đang thúc đẩy triển vọng về nhu cầu, trong khi nguồn cung vẫn eo hẹp.

Giá dầu cũng tăng sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) trong báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) hôm thứ Ba dự báo giá xăng bán lẻ sẽ giảm trong vài tháng tới.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, họ sẽ sử dụng các dự báo về giá trong báo cáo STEO để xác định xem có nên giải phóng dầu từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược quốc gia (SPR) hay không.

Theo các nhà phân tích, việc STEO dự báo giá xăng dự kiến ​​tăng mạnh có thể khiến chính quyền ông Biden có khả năng nhanh chóng giải phóng nhiều dầu khỏi SPR.

Kết thúc phiên 9/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 2,22 USD (+2,7%), lên 84,15 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,35 USD (+1,6%), lên 84,78 USD/thùng.

Tin bài liên quan