Nhu cầu nhà đất của người dân ngày một lớn. Ảnh: Lê Toàn

Nhu cầu nhà đất của người dân ngày một lớn. Ảnh: Lê Toàn

Nhà đất phía Nam "bung nóc" sau giãn cách

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường phía Nam mở cửa trở lại và ngay lập tức giá bất động sản bật tăng, nhất là các sản phẩm để ở và bất động sản vùng ven TP.HCM.

Phân khúc nào cũng tăng

Nhờ cửa hàng thực phẩm kinh doanh thuận lợi trong thời gian qua, chị Vũ Như (quận Gò Vấp, TP.HCM) dự định mua thêm một căn nhà nữa như là tài sản tích lũy. Nhưng sau 1 tuần khảo sát, chị không khỏi ngạc nhiên khi giá nhà tăng vọt, bất chấp khó khăn của dịch bệnh khiến nguồn thu của nhiều người suy giảm.

“Hồi đầu năm, tôi đi xem căn nhà ở đường Nguyễn Văn Quá thuộc quận 12, lúc đó giá chủ nhà rao là 65 triệu đồng/m2, nhưng vì chưa đủ tiền nên không mua, giờ quay lại thì giá đã tăng lên 74 triệu đồng/m2. Ai nói dịch nên nhà giảm giá, chứ tôi đi chỗ nào cũng thấy tăng”, chị Như nói.

Tương tự, anh Lê Tuấn (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, nhân lúc các chủ đầu tư đang triển khai nhiều chương trình kích cầu sau thời gian giãn cách xã hội, anh đã ký hợp đồng đặt cọc mua một căn hộ ở quận Bình Tân, mức giá gần 50 triệu đồng/m2 sau khi giảm trừ các khoản ưu đãi, chiết khấu. Mức giá này cao hơn từ 8-10 triệu đồng/m2 so với các khu căn hộ đã hoàn thiện gần đó.

“Cũng nghĩ là giá nhà sẽ tăng, nhưng tăng chỉ khoảng 3-4 triệu đồng/m2, chứ không ngờ lại tăng mạnh như vậy. Có thể do nguồn cung dự án căn hộ mới ít, lượng khách hàng đặt chỗ nhiều nên chủ đầu tư tăng giá, nhưng bây giờ muốn kiếm dự án mới cũng khó nên đành chấp nhận”, anh Tuấn nói.

Theo ghi nhận của phóng viên, xu hướng tăng giá bất động sản không chỉ diễn ra ở TP.HCM, mà còn ở khu vực vệ tinh, trong đó trung tâm các tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu tăng mạnh nhất, khoảng 7% so với thời điểm đầu năm, theo sau là Long An với mức tăng khoảng 3%.

Còn tại Đồng Nai, nơi tập trung nhiều dự án lớn như Aqua City của Novaland, Khu đô thị tích hợp Izumi City do Tập đoàn Nam Long bắt tay với đối tác đến từ Nhật Bản phát triển; Gem Sky World của Đất Xanh, Century City của Kim Oanh…, cộng thêm “cú huých” từ các dự án hạ tầng trọng điểm như sân bay Long Thành và một số tuyến cao tốc đang gấp rút triển khai đã giúp giá nhà đất nơi đây tăng nhanh.

Đơn cử, tại khu vực TP. Biên Hòa, cách đây một năm, đất thổ cư ở trung tâm Thành phố, gần Khu công nghiệp Amata có giá dao động từ 18-19 triệu đồng/m2, còn các khu vực vùng ven như Trảng Dài hay Tam Phước là 13-14 triệu/m2, thì nay tăng khoảng 15-20%.

Anh Tuyến, một nhân viên môi giới tại Đồng Nai chia sẻ, ngoài Biên Hòa, thị trường bất động sản Nhơn Trạch và Long Thành cũng được nhiều nhà đầu tư để mắt, giá bất động sản vì thế cũng không ngừng tăng. Nếu như trước đây, những lô đất tại Long Thành được bán với giá trên dưới 10 triệu đồng/m2, thì sau khi sân bay Long Thành được khởi công đã tăng lên gấp đôi.

Lý giải nguyên nhân giá bất động sản tăng cao, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, đó là do nhu cầu nhà ở ngày một tăng trong khi nguồn cung hạn chế, đồng thời có một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực khác chuyển sang bất động sản để đón đầu cơ hội thị trường địa ốc phục hồi sau giãn cách.

“Càng trong dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng an toàn, cộng thêm yếu tố nguồn cung khan hiếm và dòng vốn đổ vào bất động sản khá dồi dào thời gian qua đã thúc đẩy giá bất động sản tăng”, ông Quốc Anh nói.

Đồng quan điểm, ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc COPiHOME đánh giá, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nguồn cung bất động sản khan hiếm, dẫn đến tình trạng thiếu hàng. Chưa kể, nhu cầu tiêu dùng của xã hội giảm, nhưng nhu cầu đầu tư vẫn tăng. Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều người đã lựa chọn bất động sản như là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả.

Thế nhưng, các khu vực vệ tinh như Đồng Nai, Bình Dương cũng không còn nhiều quỹ đất pháp lý hoàn thiện, nên các chủ đầu tư phải ra xa hơn nữa mới tìm được đất phát triển dự án. Không những thế, các loại chi phí đầu vào cũng tăng mạnh khiến giá bất động sản tăng theo.

“Chi phí đất, tiền đền bù, thuế sử dụng đất, giá nguyên vật liệu đầu vào, nhân công… đều tăng, nên giá bất động sản khó giảm”, ông Phi nhấn mạnh.

Giá bất động sản tăng ở tất cả các phân khúc. Ảnh: Lê Toàn

Giá bất động sản tăng ở tất cả các phân khúc. Ảnh: Lê Toàn

Chủ đầu tư ngày càng “đánh bắt xa bờ”

Theo các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản, trước đà tăng giá hiện nay, việc sở hữu quỹ đất lớn để phát triển dự án tại các địa phương lân cận TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… không còn dễ như trước, do đó các chủ đầu tư ngày càng phải “đánh bắt xa bờ” hơn.

Lấy ví dụ như Cát Tường Group, doanh nghiệp đang phát triển nhiều dự án lớn tại Long An, hiện đã tiến về Hậu Giang và Bình Phước để đầu tư, có thể kể đến một số dự án đang triển khai bán hàng tại đây như Khu đô thị Cát Tường Western Pearl, Cát Tường Phú Hưng, Taka Garden Riverside Homes…

Còn tại khu vực miền Trung, Tập đoàn Danh Khôi công bố ra thị trường dự án mang tên Takashi Ocean Suite Kỳ Co tại Quy Nhơn (Bình Định) với diện tích 8,2 ha, bao gồm 17 block căn hộ và 1 block khách sạn, hay dự án Phức hợp đô thị thương mại dịch vụ và du lịch biển Lagi New City, quy mô 43,4 ha ở Bình Thuận. Ngoài ra, một loạt dự án lớn khác ở khu vực này như Thanh Long Bay, Novaworld Phan Thiết, Mũi Né Summer Land Resort… cũng đều có kế hoạch bán hàng từ nay đến cuối năm.

Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, việc các chủ đầu tư chuyển hướng ra xa những thành phố lớn một phần là để tận dụng các lợi thế về giá đất và chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của địa phương, phần khác xuất phát từ nhu cầu thực tế.

“Do thành quả tăng trưởng kinh tế - xã hội được phân bổ khá đồng đều nên cư dân đô thị đang tăng lên nhanh chóng. Không cần phải ở các thành phố lớn nữa, hiện cư dân ở những đô thị xung quanh Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng, thậm chí xa hơn vẫn có sự kết nối tốt về thông tin, dịch vụ hay hàng hóa. Cùng với đó, điều kiện sống dần tốt lên sẽ thúc đẩy nhu cầu về các không gian sống xứng tầm. Các chủ đầu tư, hơn ai hết, hiểu rất rõ nhu cầu này và họ nhanh chóng tìm cách đáp ứng, triển khai nhiều dự án đa dạng công năng, đưa ra cho khách hàng nhiều lựa chọn”, ông David Jackson phân tích.

Dưới góc độ là nhà phát triển bất động sản, ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi cho biết, tỷ lệ khách hàng đến từ TP.HCM rót vốn vào các dự án vùng ven hiện ở mức 78%, giảm so với năm 2020 và đã xuất hiện khách hàng ở nhiều địa phương khác. Về độ tuổi, nhóm khách hàng từ 31-45 tuổi chiếm 51% trong tổng lượng khách hàng, trong khi trước đây đa phần có độ tuổi từ 45 trở lên, điều này cho thấy khách hàng vùng ven đang dần trẻ hóa.

“Trước đây, khách hàng muốn mua bất động sản ở gần trung tâm cho tiện việc đi lại, nhưng giờ đây họ chấp nhận đi xa hơn để được tận hưởng không gian sống thoáng đãng, cho nên chủ đầu tư nào tạo ra không gian sống xanh, an toàn cho sức khỏe, thì sẽ thu hút được khách hàng”, ông Quyền nhấn mạnh.

Dự báo về thị trường bất động sản trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và phát triển DKRA Vietnam cho rằng, bước sang năm 2022, áp lực tăng giá bất động sản sẽ rất lớn, bởi các yếu tố tác động tới giá như lạm phát, chi phí đầu vào tăng… bắt đầu “ngấm” từ quý I/2022.

“Từ quý II/2022, khi kinh tế phát triển mạnh trở lại, Việt Nam hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn dân, bao gồm cả trẻ em, thì bất động sản sẽ càng tăng giá”, ông Hoàng dự báo.

Tin bài liên quan