Nhà băng năm nay “cắt” ít nhất 10.000 tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp

(ĐTCK) Số liệu của NHNN cho biết, với sự triển khai tích cực, quyết liệt của cả hệ thống, đến cuối tháng 4, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 170 nghìn khách hàng với dư nợ xấp xỉ 130 nghìn tỷ đồng. Miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 14 nghìn khách hàng với dư nợ xấp xỉ khoảng 29 nghìn tỷ đồng.
Nhà băng năm nay “cắt” ít nhất 10.000 tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp

Bên cạnh đó, các TCTD đã hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho hơn 318 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng trên 980 ngàn tỷ đồng (mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5-2%), thậm chí một số TCTD đã hạ lãi suất tới 2,5% và trên 4% cho khách hàng.

Cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch khoảng 1-2% cho khoảng 150 ngàn khách hàng với doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/01/2020 (thời điểm Thủ tướng công bố có dịch) đạt trên 500 nghìn tỷ đồng.

Ước tính, với mức trung bình trong gần 1 triệu tỷ đồng đã được các NHTM hạ lãi suất 1% thì lợi nhuận của các NHTM trong năm nay giảm ít nhất 10 nghìn tỷ đồng, và các doanh nghiệp là đối tượng được hưởng số tiền này để khôi phục sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, số dư nợ các ngành/lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được Ngân hàng hỗ trợ, ưu đãi lãi suất thấp hơn 0,5-1,5% so với mặt bằng lãi suất chung đến nay đã lên gần 113 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, Vietcombank sẽ tiếp tục kéo dài chính sách giảm lãi suất 1-1,5% đối với dư nợ hiện hữu (từ hạn 30/4 chuyển sang ngày 30/9).

Theo đó, lợi nhuận của Vietcombank được ông Thành ước tính giảm khoảng 300 tỷ đồng vì chính sách này và Vietcombank đã chấp nhận giảm 2.240 tỷ đồng lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp.

Tại OCB, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, với các ngân hàng bán lẻ, lượng khách hàng rất lớn, đồng nghĩa với hồ sơ xin cơ cấu lại nợ rất nhiều. Để hoàn tất thủ tục cơ cấu 1.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng, có khi ngân hàng phải xử lý 2.000-3.000 hồ sơ của khách hàng, vì có khách hàng vay 1-2 tỷ đồng, song cũng có khách hàng chỉ vay 200-300 triệu đồng.

Số lượng hồ sơ lớn, trong khi theo quy định, chỉ có Ủy ban Cơ cấu nợ của ngân hàng mới được phép phê duyệt hồ sơ được cơ cấu nợ, dẫn tới tình trạng quá tải, hồ sơ ùn ứ.

“Chúng tôi rất thiện chí, hầu hết hồ sơ vay vốn bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đều được cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, giảm lãi tối đa cho khách hàng. Trung bình mỗi ngày, Ủy ban Cơ cấu nợ giải quyết đến 400-500 hồ sơ mà vẫn không xuể. Chúng tôi đang tính tới việc chuyển sang phê duyệt hồ sơ cơ cấu nợ tự động để người ra quyết định cơ cấu nợ có thể phê duyệt cùng lúc cho hàng trăm trường hợp”, ông Tùng cho biết.

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch VietinBank cho biết, nếu mang tâm lý chờ đợi hướng dẫn thì các doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa, phá sản, ngân hàng cũng khó mà sống được. Do đó, VietinBank giảm lãi suất trước, hỗ trợ thanh khoản, tập trung vào các doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp của Covid-19 trong lĩnh vực hàng không, du lịch, xuất nhập khẩu.

“Nói hỗ trợ thì dễ bị hiểu lầm là cho đi. Bản chất ở đây là chia sẻ, khách hàng là bạn, đối tác của ngân hàng. Hai bên cùng nương tựa vào nhau vượt qua khó khăn trong đại dịch”, ông Thọ nói.

Đánh giá về sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định: “Chỉ cần chậm trễ ban hành Thông tư sẽ có thể gây ra hậu quả rất lớn, vì hiện nay 70% vốn trong nền kinh tế là từ tín dụng của hệ thống ngân hàng. Không cơ cấu lại nhanh, không khơi thông vốn được..., nhiều doanh nghiệp sẽ bị khai tử sau đại dịch.

Thông tư đã tạo hành lang pháp lý cho các ngân hàng triển khai cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ. Nếu không ngân hàng sẽ rất sợ nợ xấu mà không dám hành động quyết liệt”.

Lợi nhuận của Vietcombank ước tính giảm khoảng 300 tỷ đồng vì chính sách này và Vietcombank đã chấp nhận giảm 2.240 tỷ đồng lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp. - Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành

Liên quan đến việc đẩy nhanh tiếp cận chương trình tín dụng 300.000 tỷ đồng mà các NHTM đang triển khai, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, đòi hỏi thiện chí của cả người dân và doanh nghiệp.

Phía doanh nghiệp cũng phải có thiện chí hợp tác với ngân hàng, chứng minh thiệt hại của mình để ngân hàng có căn cứ hỗ trợ. Thực tế các nước trên thế giới đều như vậy, không riêng Việt Nam. Chưa kể, gói hỗ trợ này là tiền túi của ngân hàng, chứ không phải là tiền ngân sách.

“Theo quan điểm của tôi, việc nhiều doanh nghiệp kêu chậm được ngân hàng cơ cấu nợ, chậm tiếp cận gói 300.000 tỷ đồng có lẽ là tương đối nóng vội. Rõ ràng, vấn đề này đòi hỏi cả hai bên cần nỗ lực nhiều hơn để tìm tiếng nói chung tốt hơn. Ví dụ, để hưởng ưu đãi giãn nợ, giảm lãi vay 1-2%, doanh nghiệp nên thiện chí chứng minh sự thiệt hại bởi Covid-19, chứ không nên coi đó là điều kiện, là thủ tục ngân hàng đưa ra để làm khó”, TS. Lực nói.

Cũng theo TS. Lực, các ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp, họ phải hỗ trợ đúng đối tượng. Nếu không, sau này ngân hàng sẽ bị quy trách nhiệm khi thanh, kiểm tra. Chưa kể, ngân hàng huy động tiền gửi của người dân, nên cho vay cũng phải thận trọng để bảo toàn vốn.

Đồng quan điểm , PGS. TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển nói: “Gói tín dụng hỗ trợ 300.000 tỷ đồng là do các ngân hàng thương mại sử dụng nguồn thu nhập của mình để giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Do vậy, khi ngân hàng xem xét khoản cho vay này, họ sẽ tuân thủ theo quy định, quy chế của mình trong thực hiện các khoản vay này. Bên cạnh chia sẻ với doanh nghiệp, ngân hàng cũng phải tính đến rủi ro cho vay, phải tính đến khả năng hoàn vốn”.

Tin bài liên quan