Các tổ chức tín dụng kỳ vọng kết quả kinh doanh quý tới và cho cả năm sẽ tăng trưởng tốt hơn so với năm trước.

Các tổ chức tín dụng kỳ vọng kết quả kinh doanh quý tới và cho cả năm sẽ tăng trưởng tốt hơn so với năm trước.

Nhà băng lớn điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận

Trong mùa họp đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra cuối tháng 4/2019, HĐQT một số ngân hàng lớn đã bất ngờ điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận trong năm nay.

Vì sao ngân hàng điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận?

Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của Vietcombank diễn ra ngày 26/4 đã bất ngờ điều chỉnh giảm mục tiêu lợi nhuận xuống mức 20.000 tỷ đồng trước thuế trong năm 2019, so với mức đưa ra trước đó là 20.500 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, Ngân hàng giảm lợi nhuận do cơ quan quản lý yêu cầu các ngân hàng rà soát lại kế hoạch kinh doanh, phải trích lập đủ dự phòng, nếu đã đủ rồi thì phải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng việc giảm lãi suất... Vietcombank rơi vào trường hợp thứ hai. Nếu các ngân hàng đã trích lập đủ rồi, thì yêu cầu chia sẻ với doanh nghiệp, tức là chia sẻ lợi nhuận bằng việc giảm lãi suất.

Hầu hết các tổ chức tín dụng kỳ vọng kết quả kinh doanh quý tới và cho cả năm sẽ tăng trưởng tốt hơn so với năm trước.   

Tuy điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận, song ông Thành cũng cam kết với cổ đông rằng, lợi nhuận năm nay sẽ vượt mức 20.000 tỷ đồng.

BIDV cũng điều chỉnh giảm lợi nhuận trước thuế năm 2019 xuống 10.300 tỷ đồng, giảm so với mức 10.500 tỷ đồng mà BIDV đã công bố trong tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông trên website. Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, có sự thay đổi này do Ngân hàng trích thêm 200 tỷ đồng vào quỹ trích lập dự phòng rủi ro.

Kiểm soát rủi ro

Lãnh đạo BIDV cho hay, năm 2019, Ngân hàng sẽ duy trì tăng trưởng quy mô gắn liền với tăng chất lượng, đồng thời nâng cao chất lượng tài sản, đặc biệt là tín dụng. Ngân hàng sẽ tăng cường các biện pháp thu hồi nợ tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu nội bảng, nợ ngoại bảng, nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và tất toán sớm toàn bộ trái phiếu VAMC trong năm 2019. BIDV đặt mục tiêu dư nợ tín dụng 12%; đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng vốn, phấn đấu tăng trưởng 11%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2019 của VietinBank, ngân hàng này đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với mục tiêu lợi nhuận ở mức phù hợp, đạt khoảng 9.500 tỷ đồng. Tổng giám đốc VietinBank, ông Trần Minh Bình cho hay, lợi nhuận quý I/2019 đạt trên 3.000 tỷ đồng, dù dư nợ cho vay giảm. Như vậy, với kết quả kinh doanh quý I, VietinBank đã hoàn thành được 32,6% kế hoạch năm nay.

Đến cuối tháng 3/2019, tổng tài sản của ngân hàng giảm 17.000 tỷ đồng xuống 1,15 triệu tỷ đồng. Dư nợ cho vay giảm còn 884.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 4/2019 dư nợ đã tăng trở lại khoảng 10.000 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 0,4%.

Theo VietinBank, lợi nhuận cải thiện dù dư nợ giảm là nhờ việc cơ cấu lại thị trường cho vay, tập trung vào phân khúc có tỷ lệ thu nhập lãi cận biên cao hơn, phân khúc bán lẻ...

Mặc dù điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận, song các nhà băng kỳ vọng kết quả năm 2019 có cải thiện. Vụ Dự báo - Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) cũng vừa công bố kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh mới nhất. Theo đó, hầu hết các tổ chức tín dụng đánh giá môi trường kinh doanh và kết quả kinh doanh của đơn vị mình đã cải thiện hơn trong quý I/2019 so với quý trước và kỳ vọng kết quả kinh doanh quý tới và cho cả năm sẽ tăng trưởng tốt hơn so với năm trước.

Cụ thể, 70,4% tổ chức tín dụng nhận định tình hình kinh doanh tốt hơn, trong đó 14,3% là “cải thiện nhiều” so với quý trước. Dự kiến trong thời gian tới, 80,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ "cải thiện" trong quý II/2019, cao hơn so với tỷ lệ 79,3% của cuộc điều tra tháng 12/2018 và 88% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2019 “cải thiện” hơn so với năm 2018 (tương tự kết quả của cuộc điều tra tháng 12/2018), trong đó 20-29% tổ chức tín dụng kỳ vọng “cải thiện nhiều”.

Các tổ chức tín dụng cũng cho biết, mức độ lành mạnh của khách hàng có cải thiện rõ nét. Dự báo cho năm 2019, các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh kỳ vọng theo hướng tích cực hơn so với kỳ trước, với 67,01% tổ chức tín dụng nhận định rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng ở mức “ổn định”, 14,43% tổ chức tín dụng dự báo “giảm” và 18,56% tổ chức tín dụng lo ngại rủi ro “tăng” (quý trước kỳ vọng tương ứng 63,53%; 15,29% và 21,18%)...

Tin bài liên quan