Cần giảm thời gian và chi phí mà các DN phải bỏ ra để tuân thủ các thủ tục hành chính

Cần giảm thời gian và chi phí mà các DN phải bỏ ra để tuân thủ các thủ tục hành chính

Nguyên Tổng giám đốc WTO “mách nước” 2 ưu tiên cho Việt Nam

(ĐTCK) Nguyên Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy cho rằng, Việt Nam nên ưu tiên làm 2 việc nếu muốn nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế, cũng như DN, đó là: “giảm giá” dịch vụ công; chọn được ngành, lĩnh vực mũi nhọn.

“Giảm giá” dịch vụ công

“Tính chất của thương mại toàn cầu đang có những thay đổi lớn, nên muốn không rơi vào thế cạnh tranh bất lợi, Chính phủ cũng như giới doanh nhân Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ nền kinh tế và DN”, nguyên Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy nói tại Hội nghị đối thoại bàn tròn giữa ông và DN Việt Nam, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội.

Theo đó, thế giới đang chứng kiến sự chuyển giao giữa một nền thương mại kiểu cũ, trong đó chủ yếu lấy thuế quan là công cụ chính để bảo vệ nhà sản xuất, sang nền thương mại mới với đặc trưng là sự xuất hiện của các hàng rào kỹ thuật nhằm bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng. Điều này kéo theo các thay đổi về tư duy tổ chức sản xuất, phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ trên toàn cầu.

Trong bối cảnh thay đổi đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế và DN, Việt Nam cần ưu tiên thực hiện những gì? Đây là câu hỏi được đại diện nhiều DN và Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đặt ra cho nguyên Tổng giám đốc WTO.

Trả lời câu hỏi trên, ông Pascal Lamy, người được biết đến là cùng với nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đặt bút ký vào Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam năm 2006 cho rằng, một ưu tiên mà Việt Nam cần thực hiện là sớm “giảm giá” dịch vụ hành chính công. Hàm ý giảm giá ở đây thể hiện trên cả 2 khía cạnh là thời gian và chi phí mà các DN phải bỏ ra để tuân thủ toàn bộ các thủ tục hành chính từ khởi sự thành lập DN đến tổ chức sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ… Hiện các chi phí này tại Việt Nam, điển hình như thủ tục về thuế, khá đắt đỏ so với các nước có trình độ phát triển tương đương, làm tăng đáng kể giá thành sản phẩm, dịch vụ, nên đương nhiên giảm sức cạnh tranh.

“Đừng để mũi nào cũng nhọn…”

Nguyên Tổng giám đốc WTO khuyến nghị như vậy trước thực trạng ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam chưa sắc nét, thiếu chiều sâu. Vì thực tế này nên Việt Nam chưa thành công trong thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư cho phát triển các ngành ưu tiên nhằm tạo ra ưu thế cạnh tranh rõ nét cho DN, các ngành hàng hóa, dịch vụ trên bản đồ thương mại toàn cầu. Ngay cả những ngành lâu nay được Việt Nam coi là tạo được ưu thế trong xuất khẩu như: thủy sản, dệt may, da giày…, cũng mang lại giá trị gia tăng không cao hơn so với các thị trường khác cũng xuất khẩu các sản phẩm này. Trong khi đó, theo chuẩn thương mại toàn cầu mới, không phải số lượng kim ngạch xuất khẩu, mà giá trị gia tăng mới là nhân tố quyết định nói lên ưu thế cạnh tranh của một ngành hàng.

Tuy không trực diện “mách nước” cho Việt Nam nên chọn những ngành, lĩnh vực nào là mũi nhọn để tập trung nguồn lực phát triển, nhưng ông Pascal Lamy cho rằng, dứt khoát đó không phải là những ngành khai thác tài nguyên, thâm dụng lao động, trình độ công nghệ thấp… 

Việc chọn lựa ngành mũi nhọn không chỉ đơn thuần căn cứ vào thế mạnh hiện có, mà còn cần dựa vào khả năng Việt Nam làm cho ngành đó mạnh thêm trong tương lai trước những biến động về nhu cầu của các thị trường trên thế giới. Khi xác định được ngành, lĩnh vực mũi nhọn, Việt Nam cần hình thành các cơ chế ưu đãi, khuyến khích thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, để tạo đột phá trong phát triển chuỗi hỗ trợ tối ưu từ khâu cung cấp nguyên liệu, thúc đẩy các hoạt động phát minh, sáng chế trong sản xuất, đến hệ thống kho vận, cảng biển, hàng không, giảm thiểu thủ tục xuất nhập khẩu… 

Chỉ khi chuỗi này được vận hành liên thông, cùng với việc “giảm giá” dịch vụ hành chính công, thì mới giảm thiểu được tối đa giá thành sản phẩm, dịch vụ, nếu vẫn cắt khúc, manh mún như hiện tại thì nỗ lực cải cách khó đạt kết quả.

Những định hướng cải cách trên mang tính kỹ thuật, trong khi yếu tố này là do con người quyết định, nên theo ông Pascal Lamy, một cải cách không thể tách rời mà Việt Nam cần ưu tiên nguồn lực triển khai là tăng đầu tư cho giáo dục và đào tạo, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 

Đây là yếu tố cốt lõi để đem lại giá trị gia tăng cao, cải thiện năng lực cạnh tranh cho các dòng sản phẩm, dịch vụ “made in Vietnam”, để khi nói đến sản phẩm này, người tiêu dùng toàn cầu nhớ đến và chọn sản phẩm của Việt Nam.            

Tin bài liên quan