Bắt đầu từ việc đi làm thiện nguyện
Trong mắt làng trên xóm dưới, chuyện người thanh niên trẻ Nguyễn Phước Tây quyết định cất tấm bằng đại học vào ngăn tủ, rồi khăn gói lên huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) đầu tư trồng rau rừng quả là “hâm”.
Cũng ngạc nhiên với câu chuyện này không kém, tôi hỏi: “Vì sao tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin Trường đại học Khoa học Huế, mà anh không theo ngành đang hot này, lại chọn hướng đi kinh doanh rau rừng?”.
Nguyễn Phước Tây cười hiền lành: “Thực ra chẳng gì lạ cả. Sau khi ra trường, tôi đã thử sức với ngành nghề đó, nhưng một thời gian sau, tôi nhận thấy ngành đó không phù hợp với người thích xê dịch, bay nhảy như mình. Việc làm công ăn lương, làm bạn với chiếc máy tính kéo dài quanh năm suốt tháng rất là chán. Có lẽ vì thế mà tôi muốn ‘cởi trói’ cho cuộc đời mình bằng một hướng đi khác”.
Anh bảo, nếu nói “người chọn nghề” hay “nghề chọn người”, thì anh thuộc trường hợp thứ hai. Con đường đến với nghề kinh doanh rau rừng của anh rất tình cờ, tựa như duyên kỳ ngộ vậy. Chừng 3 năm trước, anh lên huyện miền núi Nam Trà My để làm thiện nguyện. “Lúc đó, tôi muốn đi một nơi để đổi gió, ‘làm mới’ lại mình”. Khi đó, anh kết nối các Mạnh Thường Quân đến giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh nơi đây.
Lướt qua Facebook cá nhân của anh, tôi thực sự ngỡ ngàng trước hàng trăm bức hình thiện nguyện mà anh đăng tải. Bất kể thứ gì mà trẻ em miền núi thiếu thốn, trong khả năng của mình, anh đều kêu gọi, kết nối ủng hộ, giúp đỡ. Từ thực phẩm, quần áo, đến những chiếc bóng đèn năng lượng mặt trời, mái vòm sân trường học…
Việc làm thiện nguyện, nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng có tham gia mới thấy lắm phức tạp. Tất cả các bước từ kêu gọi tiền bạc đến phân phát quà cáp… đều phải được thực hiện một cách minh bạch và công khai, nếu không rất dễ bị điều tiếng. “Đó là chưa nói, làm thiện nguyện ở đồng bằng khó một, thì ở miền núi khó mười. Khó khăn nhất là địa hình hiểm trở. Mỗi chuyến đi tôi phải cuốc bộ, leo núi trên những con đường đất sét, sình lầy… hàng giờ đồng hồ mới đến được các bản làng bà con miền núi sinh sống”, anh Tây tâm sự.
Có lần, anh chở khoảng 60 kg hàng từ thiện bằng xe máy lên bản làng. Đang di chuyển trên con đường đầy đất sét thì chiếc xe cà tàng bị lún sâu xuống bãi sình, chết máy. “Hôm đó là buổi trưa, cả cung đường không có ai đi lại. Tôi phải ngồi đợi đến 3 giờ chiều mới có một người đồng bào dân tộc đi ngang qua, đẩy xe lên giúp. Xe không đi được nữa, tôi phải cõng hàng lên núi. Đến nơi thì đã 7 giờ tối”, anh nhớ lại.
Hỏi tại sao lại chọn trẻ em miền núi là đối tượng để “trợ duyên” trong hành trình cho đi của mình, Nguyễn Phước Tây thổ lộ: “Trẻ em miền núi rất thiệt thòi. Vì điều kiện kinh tế khó khăn, các em thiếu thốn nhiều thứ, nên mọi sự giúp đỡ, sẻ chia đều rất quý. Những bộ quần áo, đồ chơi ở thành phố người ta bỏ đi, thì với các em lại là món đồ đẹp đẽ. Nhìn cảnh trẻ em phấn khởi khi nhận những món quà, tôi thấy rất vui”.
Trong thời gian đi làm thiện nguyện đó, cái duyên với kinh doanh rau rừng đã đến với anh.
Bén duyên với... rau rừng
Một ngày nọ, Nguyễn Phước Tây gặp một người mà anh cho là đã “khơi nguồn cảm hứng” để mình đến với nghề kinh doanh rau rừng. Anh kể: “Trong một lần đang phát quà từ thiện cho các em nhỏ vùng cao, tôi tình cờ bắt gặp một người đồng bào dân tộc đang mang rau rừng đi lòng vòng quanh làng để bán, giá khá rẻ, song chẳng mấy người mua vì dân nghèo không có tiền. Vậy là tôi bị ám ảnh trước hình ảnh đó. Những ngày sau, trong đầu tôi bật lên ý tưởng, tại sao mình không thử thu gom loại rau này đem về thành phố bán. Và rồi, tôi quyết tâm thực hiện bằng được ý tưởng đó”.
Vấn đề đầu tiên anh phải làm là tìm được đầu ra. Anh xuống Đà Nẵng lân la khắp các nhà hàng, quán xá, chợ búa để tiếp thị rau rừng. Nào ngờ, “vòng gửi xe” này đem lại kết quả khởi đầu khá thuận lợi. Bó rau rừng mà anh mang theo giới thiệu nhận được những cái gật đầu nồng nhiệt. Từ nhu cầu một vài cân, tăng dần đều lên vài chục cân, vài tạ... Bây giờ thì mấy cũng không đủ vì có rất nhiều người gọi điện đặt hàng.
Thấy việc mua đi bán lại không chủ động được nguồn cung, về lâu dài sẽ không ổn, anh liền thay đổi chiến lược kinh doanh. Anh đặt vấn đề thuê đất của bà con ở huyện miền núi Nam Trà My để mở các vườn rau. Ban đầu, anh phải tự mình hái rau rồi chở xuống phố bán. Còn giờ, công việc này đã “chạy” như một dây chuyền sản xuất khép kín. Rau đến độ thu hoạch là có người cắt. Rau cắt xong có người vận chuyển xuống phố. Rau về phố có người phân phối đến tận nhà hàng, quán xá, chợ búa… Tất cả các công đoạn đó đều được anh trả công bằng lợi nhuận kiếm được. Việc này vừa giúp mở rộng diện tích các vườn, vừa trồng rau theo hướng quay vòng.
Nhu cầu rau rừng sạch ngày càng cao. Mối lo của anh hiện tại vẫn là nguồn cung, chứ không phải đầu ra. “Mình dự báo trước được tình thế, nên thời gian vừa rồi chủ động đầu tư thêm các vườn rau mới. Thế nhưng vẫn cứ thiếu, không đủ cung ứng. Nhu cầu sử dụng rau rừng của người dân thị thành ngày càng lớn”, ông chủ của những vườn rau rừng xanh mướt chia sẻ.
Hỏi đầu tư hết nhiều tiền không, anh đáp: “Cũng không nhiều lắm, vì chúng tôi trồng theo hướng organic, không dùng phân bón hóa học, không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Để bón cây, tôi hướng dẫn bà con làm phân xanh. Rau trồng ở rừng cũng ít bị sâu bệnh hơn ở đồng bằng”.
Trong quá trình kinh doanh, anh nhận ra rằng, bất kể thứ thực phẩm gì có nguồn gốc dân dã từ miền núi đều được người dân thị thành đón nhận, ưa chuộng. Vì thế, ngoài kinh doanh rau rừng, anh còn bán các sản phẩm đi kèm có xuất xứ từ vùng cao như mật ong rừng, chuối rừng, măng rừng… “Có người bảo tôi nắm bắt được xu hướng của xã hội là dùng các sản phẩm sạch. Quyết định đầu tư, kinh doanh rau rừng là ‘gãi đúng chỗ ngứa’ của người dân thị thành”, anh Tây hào hứng.
Với anh, từ hành trình từ thiện nguyện đến kinh doanh rau rừng mà anh trải qua như một cuộc gặp gỡ định mệnh. “Nhiều lúc kêu gọi từ thiện không đủ, tôi trích một phần tiền kiếm được từ bán rau để bù vào. Tôi nghiệm ra rằng, khi mình làm việc tốt, có ích cho cộng đồng, cho xã hội, thì sẽ được đền đáp xứng đáng”, anh tâm sự.
Cũng như các ngành nghề kinh doanh khác, lúc mới vào nghề, không ít lần anh Tây bị khách hàng “bom” rau. Những lúc như thế, anh lại nhận được tình thương của các Mạnh Thường Quân. Mỗi người một ít, chung tay giải quyết giúp số rau rừng mà anh bị “bom”.
“Tôi cảm thấy may mắn và biết ơn, vì xung quanh vẫn còn nhiều người tốt luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ mình”, anh Tây gửi lời nhắn nhủ đến những người đã không bỏ rơi mình trong những lúc bĩ cực.