Sự kiện này giúp Nguyễn Ngọc Hương, nhà sáng lập bột rau má Quảng Thanh có thêm động lực đưa sản phẩm thuần Việt ra thị trường quốc tế.
Xuất sản phẩm mang thương hiệu riêng
Cuối năm 2019, khi vừa đoạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn 2019, Thiên Nhiên Việt đã xuất hơn 10.000 sản phẩm bột rau má, tía tô, diếp cá, chùm ngây… trị giá hàng trăm triệu đồng sang Hà Lan.
Và lần xuất khẩu thứ hai sang thị trường này vừa rồi khiến Ngọc Hương, Phó giám đốc Công ty Thiên Nhiên Việt có thêm động lực, bởi việc xuất khẩu các loại bột rau nhiệt đới đặc trưng của Việt Nam sang các thị trường như EU là điều ít ai nghĩ sẽ làm được.
“Đây là điều nhiều người không tưởng. Hà Lan là quốc gia đầu tiên nhập bột rau má chính ngạch”, Ngọc Hương chia sẻ về dấu mốc đặc biệt này.
Chuyên sản xuất các loại bột rau sấy lạnh với sản phẩm chủ lực là bột rau má, Thiên Nhiên Việt do Ngọc Hương cùng đội ngũ sáng lập chọn con đường phát triển theo mô hình khép kín “trang trại - chế biến - trực tiếp phân phối”.
Mỗi loại rau cần thời gian sấy khác nhau, dao động 24 - 36 tiếng trước khi nghiền thành bột. Ngọc Hương cho biết, công nghệ này giúp giữ lại hương, vị nông sản gần như nguyên vẹn.
Suốt hơn 4 năm tích cực tham gia các đợt triển lãm thương mại, xúc tiến bán hàng, quảng bá sản phẩm và hàng trăm đợt tiếp xúc khách hàng dùng thử trực tiếp, Ngọc Hương đã có cơ hội để liên tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm.
Thành quả là các đối tác nhận thấy sản phẩm của Thiên Nhiên Việt không chỉ tốt cho sức khỏe, mà còn tiện dụng trong tiêu dùng.
Dự kiến trong tháng 9/2020, đối tác của Thiên Nhiên Việt sẽ đặt đơn hàng gấp đôi so với đơn hàng vừa xuất.
Đây là tin mừng với Thiên Nhiên Việt và các nông hộ trồng rau với diện tích hơn 10 ha, bởi những sản phẩm của họ làm ra đã được đối tác quốc tế công nhận và ưa chuộng.
Ngọc Hương cho biết, sản phẩm xuất đi châu Âu đòi hỏi phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe, nguồn gốc minh bạch, rõ ràng, thể hiện rõ năng lực sản xuất, chất lượng ổn định…
Ngoài Hà Lan, Thiên Nhiên Việt chuẩn bị xuất 5.000 sản phẩm sang thị trường Mỹ và đang chờ phía đối tác gửi bao bì cũng như hoàn thành các thủ tục nhập khẩu.
Được biết, trong gần một năm qua, mỗi tháng, doanh nghiệp này xuất khẩu khoảng 500 kg bột rau sấy lạnh sang thị trường Ấn Độ và Hàn Quốc.
Còn tại thị trường trong nước, nhóm sản phẩm này đang được phân phối thông qua hệ thống Co.opmart và các cửa hàng thực phẩm nhỏ lẻ khác.
Kiểm soát nguồn gốc để đảm bảo chất lượng
“Các đối tác Mỹ và Hà Lan là những nhà phân phối có hơn 30 năm kinh nghiệm làm thị trường, phân phối các mặt hàng thực phẩm chất lượng cao. Do đó, chúng tôi phải có năng lực tương xứng để giữ mối quan hệ bền vững với đối tác”, Ngọc Hương nói.
Ngọc Hương cũng cho biết, khi đàm phán với đối tác nước ngoài, có rất nhiều vấn đề cần lưu ý liên quan đến giá cả, sản lượng, điều khoản thanh toán, thời gian xuất hàng, thông tin sản phẩm bằng ngôn ngữ của nước sở tại, các thủ tục hải quan, các chứng nhận tiêu chuẩn hợp lệ, chất lượng hàng hóa đồng nhất.
Nhìn lại hành trình khởi nghiệp từ năm 2015, Ngọc Hương tự hào rằng, Thiên Nhiên Việt là một trong số rất ít doanh nghiệp trẻ được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2020.
Ngọc Hương cho biết, Công ty luôn kiểm soát chặt nguồn nguyên liệu để đảm bảo chất lượng, bởi theo chị, “nguồn nguyên liệu được kiểm soát, thì sẽ cho ra những sản phẩm chất lượng và an toàn”.
“Chúng tôi sẽ không vì lợi nhuận mà sản xuất những sản phẩm không kiểm soát nguồn gốc”, Ngọc Hương nhấn mạnh.
Trang trại hay còn gọi là vùng nguyên liệu liên quan mật thiết đến khả năng kiểm soát nguồn gốc sản phẩm. Việc xây dựng trang trại ban đầu tại Củ Chi (TP.HCM) là khó khăn lớn nhất trong hành trình khởi nghiệp của Ngọc Hương, bởi trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, cái gì cũng thiếu, cả vốn lẫn kinh nghiệm, kỹ thuật.
Các loại rau nhiệt đới thuần Việt đòi hỏi người trồng phải hiểu được mùi của rau, phải cảm được độ ngọt, đắng của rau theo thời gian sinh trưởng, phải “thở” cùng rau để biết được rau đang khỏe hay đang bệnh và phải hiểu thổ nhưỡng, nguồn nước, thời tiết.
“Khi nhìn nhận khó khăn là thử thách phải vượt qua, tôi chọn cách giải quyết bằng tất cả khả năng và sự nhiệt thành của mình. Đó cũng là điều tôi muốn nhắn gửi tới những ai chọn khởi nghiệp nông nghiệp như mình”, Ngọc Hương chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM và đầu quân vào nhiều công ty qua các vị trí từ công nhân, bán hàng, kinh doanh, nhân sự, trợ lý giám đốc..., Ngọc Hương và một người bạn quyết định tới Củ Chi (TP.HCM) mở trang trại, xây dựng cơ sở sản xuất bột rau má.
Từ đó đến nay, họ đã 5 năm cùng nhau nghiên cứu sản xuất thêm 14 sản phẩm khác nhau, như bột diếp cá, bột chùm ngây, bột trà xanh, bột lá sen…