Doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên
Được biết đến như người nữ CEO duy nhất của bảo hiểm phi nhân thọ, trong một thời gian dài tên tuổi bà Đỗ Thị Kim Liên luôn gắn liền với thương hiệu Bảo hiểm AAA, công ty bảo hiểm có tiếng trên thị trường Việt Nam.
Đối với bà Liên, cuộc đời có những ngã rẽ, để khi nhìn lại, đó là sự đổi thay của số phận, của những quyết định dũng cảm.
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm giáo dục, theo sự hướng nghiệp của gia đình, bà Liên thi và học Khoa Ngữ văn của Trường đại học Sư phạm Hà Nội II. Dù rất yêu nghề, nhưng chuyện cơm áo gạo tiền luôn chật vật, vì đồng lương ít ỏi đã khiến bà suy nghĩ và nhận thấy cần phải làm một điều gì đó để thay đổi cuộc sống.
Nghĩ là làm, sau gần 3 năm đứng trên bục giảng, bà quyết định vào Nam lập nghiệp. Để kiếm sống, bà đã làm khá nhiều công việc, trước khi vào làm cho công ty kinh doanh bảo hiểm.
Khi dấn thân vào lĩnh vực này, bà Liên nhận ra một điều, nếu như nghề giáo là nghề cao quý, thì bảo hiểm là ngành mang tính nhân văn cao, lấy sự may mắn của nhiều người chia sẻ cho số ít người không may mắn.
Sau nhiều năm lăn lộn, nhờ nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ của nhiều người, năm 2005, bà đã lập ra Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA.
Khi đang ở giai đoạn đỉnh cao, năm 2012, bà bất ngờ tuyên bố rút toàn bộ vốn khỏi Bảo hiểm AAA dưới hình thức chuyển nhượng cổ phần cho Tập đoàn IAG của Australia để đi tìm những trải nghiệm mới.
Có thể thị trường bảo hiểm bất ngờ với quyết định này, nhưng với doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên, đó là kết quả của cả một quãng thời gian dài trăn trở và suy nghĩ.
Năm 2013 là năm đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của bà Liên khi bà quyết định bước vào lĩnh vực mới với nhiều cơ hội cũng như thách thức. Cuối năm 2013, bà Liên cho ra đời Công ty AAA Plus chuyên tập trung thực hiện tư vấn M&A, tái cấu trúc tài chính, quản lý tài sản và môi giới kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam và nước ngoài.
Với AAA Plus, khát vọng lớn nhất của bà Liên là tái cấu trúc các doanh nghiệp Việt Nam đang thua lỗ trở thành các công ty có lợi nhuận và phát triển bền vững, thu hút đầu tư nước ngoài, đem lợi nhuận về cho nước nhà.
Việc sáng lập, xây dựng thương hiệu và M&A thành công Bảo hiểm AAA là những kinh nghiệm quý báu cho vị nữ doanh nhân này trên con đường trải nghiệm lĩnh vực mới.
“Tôi tin rằng, trong tương lai trung hạn, nếu có duyên quay trở lại với lĩnh vực bảo hiểm, tôi sẽ thiết kế được nhiều sản phẩm bảo hiểm mới phù hợp và đáp ứng sát nhất với nhu cầu của thị trường, với kỳ vọng của các doanh nghiệp và người dân Việt Nam”, bà Liên chia sẻ.
Cầu nối doanh nghiệp
Thực tế, việc thành lập AAA Plus chỉ là một trong 2 hướng đi mà vị nữ doanh nhân này đã vạch ra sau khi chuyển nhượng Bảo hiểm AAA.
Với tư cách là Lãnh sự danh dự Cộng hòa Nam Phi tại TP.HCM, bà Liên cũng có một mong ước khác là sẽ tập trung phát triển hoạt động phục vụ ngoại giao và xúc tiến thương mại giữa hai nước Việt Nam - Nam Phi; đồng thời tổ chức thêm nhiều hoạt động từ thiện như trao tặng học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học, xây cầu, trường học…
Để thúc đẩy các hoạt động giao thương giữa hai nước, nữ doanh nhân này đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thành lập tổ chức Doanh nghiệp Hỗn hợp Việt Nam - Nam Phi. Và hàng loạt cuộc hội thảo xúc tiến thương mại giữa hai nước đã được tổ chức, nhằm tạo điều kiện cho doanh nhân hai nước gặp gỡ, tìm hiểu, kết nối giao thương.
Bà Đỗ Thị Kim Liên cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập thị trường Nam Phi cần phải hiểu sản phẩm của mình, hiểu văn hóa nước sở tại và quan trọng là tìm được đối tác tin cậy, nhất là nhà đầu tư cần có chiến lược lâu dài, tầm nhìn dài hạn, không chỉ vì lợi nhuận nhanh chóng trước mắt…
Tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn. Bà Liên thấy rằng, nông nghiệp sẽ là lĩnh vực mở đường cho doanh nghiệp Việt Nam sang Nam Phi. Nam Phi có đất đai vô cùng rộng lớn, nhưng an ninh lương thực chưa được đảm bảo, do đó, họ đang rất cần sự hỗ trợ từ Việt Nam để phát triển nông nghiệp. Sẽ cực kỳ hấp dẫn nếu Việt Nam đưa được những chuyên gia và nhân lực giỏi sang hợp tác, hỗ trợ Nam Phi trồng lúa, làm nông nghiệp.
Việt Nam cũng có nhiều mặt hàng tiềm năng có thể xuất sang Nam Phi, như gạo, cà phê, hạt điều. Các doanh nghiệp Nam Phi cũng quan tâm tới thị trường chế biến gỗ tại Việt Nam, do họ có rất nhiều gỗ.
Là một nhà ngoại giao, doanh nhân thành đạt, bà Liên cũng là một nhà hoạt động xã hội nhiệt tình. Bản thân từng là giáo viên dạy văn, tâm huyết với giáo dục đã thôi thúc bà đem điều tốt đẹp nhất đến cho trẻ em. Trên tinh thần đó, bà Liên đã tài trợ xây dựng 4 trường mầm non tại Bình Phước, Đồng Nai, Hà Nam, Ninh Bình; xây cầu qua sông tại Kon Tum cho trẻ em qua sông đi học, tránh nạn đu dây nguy hiểm; cấp áo, cặp phao cho trẻ đi học qua sông.
“Không phải ngẫu nhiên mà tôi hướng hoạt động thiện nguyện vào giáo dục và trẻ thơ. ‘Giáo dục là vũ khí hiệu quả nhất để thay đổi thế giới’- đây là câu nói bất hủ của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, câu nói mà tôi vô cùng tâm đắc”, bà Liên chia sẻ.
May mắn khi được kinh doanh
Bà Liên tâm sự rằng, đến với kinh doanh là cơ duyên, là may mắn. Với bà, nữ giới hay nam giới, đã chấp nhận chọn con đường kinh doanh thì đương nhiên phải đối đầu với gian nan và vất vả.
Làm kinh doanh nghĩa là được là chính mình, được thực hiện những đam mê, biến những ước mơ trở thành hiện thực, được sờ vào những thành quả do chính mình làm ra, được truyền lửa, chia sẻ những thơm thảo cho mọi người. Cái được lớn nhất của doanh nhân, theo bà, là được sự tôn trọng của cộng đồng xã hội.
Bà tâm niệm rằng, kinh nghiệm trong thương trường sẽ tăng dần theo thời gian, nhưng nếu bằng lòng với những gì mình đã có, nghĩa là ta đang dừng lại. Thỏa mãn chính là kẻ thù trong kinh doanh. Nhưng bà cũng không là tuýp người thích tự tạo áp lực cho mình, mà luôn tìm giải pháp để giải tỏa áp lực.