Nguyên Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Ngành Kế hoạch và Đầu tư luôn gắn với cơ chế và cơ cấu - cốt lõi của nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Nhân kỷ niệm 75 năm thành lập ngành Kế hoạch và Đầu tư, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc chia sẻ những cảm nhận về chặng đường 3/4 thế kỷ phát triển của Ngành.

1.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ xưa tới nay, qua nhiều thời kỳ, nhiều tên gọi, từ Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch Kiến thiết, đến Ủy ban Kế hoạch Quốc gia, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày nay, đều vẫn giữ vai trò là một cơ quan tham mưu tổng hợp, hoạch định về cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho Đảng, Nhà nước.

Nhìn lại lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy cần phải phát triển kinh tế, phải có một cơ quan hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế. Chỉ 4 tháng sau khi khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 31/12/1945, Người đã ký Sắc lệnh số 78/SL thành lập Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch Kiến thiết, tiền thân của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước trước đây và Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện nay. Và ngày 31/12/1945 cũng được lấy làm ngày thành lập ngành Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội nhiều dự luật, tạo bước ngoặt quan trọng trong thu hút đầu tư, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Ông Võ Hồng Phúc phát biểu tại Hội nghị tổng kết 20 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội nhiều dự luật, tạo bước ngoặt quan trọng trong thu hút đầu tư, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Ông Võ Hồng Phúc phát biểu tại Hội nghị tổng kết 20 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch Kiến thiết không phải một bộ, mà là cơ quan tổng hợp, quy tụ nhiều nhân sĩ có tầm cỡ, tất cả Bộ trưởng và Thứ trưởng các bộ của Chính phủ khi đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đứng đầu Ủy ban, chỉ đạo nghiên cứu một kế hoạch thiết thực để kiến thiết quốc gia về các ngành kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội, văn hóa và thảo ra những đề án kiến thiết đưa lên Chính phủ.

Năm 1946, khi kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, vấn đề hàng đầu lúc đó là huy động nguồn lực cho kháng chiến, đất nước chưa có điều kiện để xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế, nên vai trò của Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch Kiến thiết chưa thể hiện được nhiều. Nhưng kế hoạch “Diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm” hay việc huy động sức người, sức của cho 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đều có dấu ấn của Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch Kiến thiết.

Đến năm 1955, sau khi giải phóng Thủ đô, miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ xây dựng CNXH, cùng với miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị quyết thành lập Ủy ban Kế hoạch Quốc gia (ngày 8/10/1955), do trực tiếp Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng là Chủ nhiệm Ủy ban đầu tiên. Ủy ban Kế hoạch Quốc gia bắt tay xây dựng các kế hoạch, trước hết là kế hoạch 3 năm khôi phục và phát triển kinh tế, sau đó là các kế hoạch 5 năm.

Tháng 7/1960, Lệnh số 18-LCT về Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ được Quốc hội khóa II thông qua. Theo đó, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước là một trong 24 cơ quan bộ và ngang bộ.

Giai đoạn sau giải phóng Thủ đô, khoảng 1955 - 1957, tình hình đất nước rất khó khăn. Nhờ các kế hoạch hằng năm, 3 năm và 5 năm, đến những năm 1960, kinh tế - xã hội nước ta đã có nhiều khởi sắc, nông nghiệp được mùa, bước đầu hình thành một số cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Đến năm 1964, chiến tranh phá hoại, rồi chiến tranh cục bộ xảy ra, chúng ta bước vào thời kỳ vừa xây dựng kinh tế ở miền Bắc, vừa chi viện cho miền Nam để tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, giải phóng miền Nam. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã cùng các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời chiến ở miền Bắc, chủ yếu là kế hoạch ngắn hạn, hằng năm, hằng quý và có lúc cao điểm của chiến tranh phá hoại, đã áp dụng cả hình thức “kế hoạch tháng” để đáp ứng nhanh nhất trong điều hành và tổ chức thực hiện của thời chiến, đảm bảo cung ứng, phân phối hợp lý nguồn lực cho tất cả các nhiệm vụ đặc thù. Có thể nói, mô hình và cách đi trong thời kỳ này là phù hợp với điều kiện vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (năm 1975).

Tuy nhiên, sau năm 1975, việc chúng ta tiếp tục duy trì mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp trong một thời gian dài (khoảng 10 năm), khi điều kiện và yêu cầu phát triển của đất nước đã thay đổi, đã khiến nền kinh tế bị kìm hãm, sản xuất đình trệ, dẫn đến khủng hoảng.

Trong bối cảnh đó, từ những năm 1980, một số địa phương bắt đầu tìm tòi lối đi, cách làm khác, “vượt rào” (khoán sản phẩm ở miền Bắc hay manh nha kinh tế thị trường ở miền Nam - Long An)… Từ thực tế đó, Trung ương đã nắm bắt, tìm hiểu và xác định phải đổi mới định hướng phát triển kinh tế.

Ngành Kế hoạch cũng đã nắm bắt được vấn đề, trong xây dựng kế hoạch đã hình thành kế hoạch A (kế hoạch chung của Nhà nước), kế hoạch B (kế hoạch của các địa phương, ngành) và thậm chí có nơi có cả Kế hoạch C (kế hoạch do từng đơn vị lập), để thu xếp, tạo nguồn lực cho đầu tư, phát triển.

Ngành Kế hoạch đã sớm tham gia vào quá trình đổi mới này, đặc biệt khi đồng chí Võ Văn Kiệt, khi đó là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, trực tiếp giữ cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (năm 1982), thì tư duy đổi mới của Ngành và của các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có sự chuyển biến rõ rệt.

Khi đồng chí Võ Văn Kiệt được giao trọng trách cao hơn, các đồng chí làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước sau đó là đồng chí Phan Văn Khải, đồng chí Đỗ Quốc Sam đều là những người có tầm, có tư duy đổi mới, giúp ngành Kế hoạch tiếp tục có sự đổi mới, thích nghi với mô hình đổi mới của nền kinh tế.

2.

Từ những năm 1988 - 1990, chúng ta chú trọng hơn nữa đến quan hệ đối ngoại, đặc biệt là thu hút nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Đáp ứng xu thế đó, một bộ phận của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước được tách ra, thành lập Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (tháng 8/1988). Ủy ban này cùng Ủy ban Kế hoạch Nhà nước làm nhiệm vụ thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế đối ngoại.

Cuối năm 1992, các tổ chức tài chính quốc tế cũng như một số nước bắt đầu mở rộng đàm phán để nối lại viện trợ phát triển cho Việt Nam.

Năm 1993, Việt Nam đã nối lại quan hệ tín dụng với 3 tổ chức tài chính lớn là Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). WB cũng với phối hợp với Chính phủ Việt Nam tổ chức Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam tại Paris (Pháp). Cũng cuối năm 1993, chúng ta đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp. Đây là những hoạt động có tính chất khởi đầu, tháo nút thắt, để Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng sau này, với hàng loạt dấu ấn, như đàm phán để Mỹ xóa bỏ cấm vận, sau đó bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, hay gia nhập ASEAN…

Chuyển biến về hội nhập như vậy đặt ra yêu cầu mới trong định hướng thu hút nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, yêu cầu phải có một cơ quan thống nhất làm nhiệm vụ này. Do đó, năm 1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/CP thành lập Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở hợp nhất Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

Sự thành lập Bộ Kế hoạch và Đầu tư là kết quả cả một quá trình phát triển với sự kế thừa các tổ chức tiền thân, đặc biệt, đó là kết quả triển khai thực hiện ý tưởng mang tầm chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay khi lập Nước.

Khi hợp nhất lại, vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày càng được mở rộng, đặc biệt là vấn đề thu hút nguồn lực.

Ở đây, lưu ý một điều là, khi xây dựng nền kinh tế thị trường, có ý kiến cho rằng, không cần công tác kế hoạch nữa, vì đã có thị trường điều tiết. Nhưng thực tế đã khẳng định rằng, chúng ta phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, do đó càng phải có nghiên cứu, định hướng, có kế hoạch phát triển.

Theo tôi, có hai vấn đề cốt lõi cần phải tập trung nghiên cứu. Thứ nhất là cơ chế, chính sách để phát triển. Thứ hai là cơ cấu kinh tế. Cơ cấu vùng, miền; thành thị và nông thôn như thế nào? Cơ cấu các ngành, nghề, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ ra sao? Tất cả đều phải có nghiên cứu sâu, có chiến lược phát triển.

Cốt lõi để phát triển chính là vấn đề cơ chế và cơ cấu. Quốc gia nào cũng vậy, cũng cần phải có cơ quan nghiên cứu về cơ chế, cơ cấu phát triển. Ngành Kế hoạch và Đầu tư đã bám sát, đi sâu vào hai nội dung này và thực tế cho thấy đã phát huy được vai trò rất quan trọng của cơ quan tham mưu cho Đảng và Nhà nước về lĩnh vực này.

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, bên cạnh hai vấn đề cốt lõi là cơ cấu và cơ chế, ngành Kế hoạch và Đầu tư còn nhiệm vụ quan trọng khác là thúc đẩy huy động nguồn lực và phân bổ hợp lý các nguồn lực cho phát triển. Nguồn lực gồm cả trong nước và nước ngoài (FDI, ODA), nguồn lực trong nhân dân, nguồn lực của Nhà nước, từ đất đai, khoáng sản… Trên cơ sở huy động nguồn lực và xây dựng các chính sách đầu tư phát triển, thì việc phân bổ nguồn lực như thế nào để đảm bảo phát triển hợp lý là nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong quá trình phát triển của mình, ngành Kế hoạch và Đầu tư đã bám sát nhiệm vụ này, với việc tiếp nhận Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương vào năm 1992. Trong cả thời kỳ dài, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã phát huy rất tốt vai trò của cơ quan nghiên cứu cơ chế, chính sách chiến lược của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, Viện Chiến lược phát triển được thành lập, có chức năng nghiên cứu chiến lược phát triển cho từng vùng, miền, lãnh thổ, ngành nghề, đồng thời trực tiếp cụ thể hóa các định hướng chính sách đó bằng những chính sách cụ thể.

Có thể khẳng định, từ khi thành lập, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát huy tốt vai trò của cơ quan nghiên cứu về cơ chế, cơ cấu phát triển cũng như vai trò thu hút, huy động nguồn lực và phân bổ nguồn lực phát triển.

Nguyên Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Thời gian tới, ngành Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục bám sát các chức năng, nhiệm vụ cốt lõi, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nắm bắt kịp thời diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế để có những tham mưu chất lượng, xây dựng những cơ chế, chính sách đúng, trúng cho đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 - Ảnh: Chí Cường
Nguyên Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Thời gian tới, ngành Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục bám sát các chức năng, nhiệm vụ cốt lõi, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nắm bắt kịp thời diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế để có những tham mưu chất lượng, xây dựng những cơ chế, chính sách đúng, trúng cho đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 - Ảnh: Chí Cường

Nhìn lại, cùng với đà hội nhập, phát triển của đất nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục để lại những dấu ấn quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhất là tham mưu Chính phủ trình Quốc hội các dự luật như Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư sửa đổi; Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (1994); Luật Đấu thầu; Luật Hợp tác xã… Đặc biệt, Luật Doanh nghiệp năm 1999, sau này là Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014 đã tạo bước ngoặt quan trọng trong thu hút đầu tư, huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế - xã hội; tạo tiền đề quan trọng để phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, trở thành động lực nâng cao tính cạnh tranh, tự chủ của nền kinh tế.

Thời gian tới, ngành Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục bám sát các chức năng, nhiệm vụ cốt lõi đó, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nắm bắt kịp thời diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế để có những tham mưu chất lượng, xây dựng những cơ chế, chính sách đúng, trúng cho đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước.

Tin bài liên quan