Khu đất 43 ha hiện là Khu đô thị Tân Phú.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam bị cáo buộc gây thất thoát hơn 1.000 tỷ đồng trong vụ Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Tổng công ty 3-2) hô biến 2 khu đất công vào tay công ty tư nhân, công ty gia đình. Với số tiền trên, ông Nam gây thiệt hại cho Nhà nước lớn hơn ông Trần Vĩnh Tuyến, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM (627 tỷ đồng) và gần bằng ông Tất Thành Cang, nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM (hơn 1.200 tỷ đồng).
Bài 1: Áp giá đất lùi 6 năm, làm “bốc hơi” hơn 761 tỷ đồng
Có đủ bằng chứng thể hiện, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cùng cấp dưới duyệt giá 2 khu đất cho Tổng công ty 3-2 lùi 6 năm, gây thiệt hại hơn 761 tỷ đồng.
Giao đất trước khi Thủ tướng duyệt
Theo điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, năm 2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn 295/CP-CN cho phép thành lập và phát triển Khu liên hợp Công nghiệp Dịch vụ - Đô thị Bình Dương (viết tắt là Khu liên hợp) và phê duyệt Đề án tổng thể phát triển Khu liên hợp vào tháng 9/2005. Tới tháng 3/2006, Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch xây dựng với tổng diện tích hơn 4.196 ha, trong đó đất khu công nghiệp 1.573 ha; đất khu dịch vụ 613 ha; đất khu đô thị 1.662 ha…
Thế nhưng, trước thời điểm được Thủ tướng và Bộ Xây dựng phê duyệt nêu trên, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Văn bản số 2276/UB-KTTH ngày 14/5/2004 và Văn bản số 2711/UB-KTTH ngày 8/6/2004 chấp thuận chủ trương giao 570/613 ha đất khu dịch vụ cho Tổng công ty 3-2, là doanh nghiệp “con cưng” vốn nhà nước trực thuộc quản lý của Tỉnh ủy Bình Dương.
Ngay sau đó, UBND tỉnh này cũng phê duyệt Hợp đồng số 06/HĐ ngày 24/11/2004 giữa Tổng công ty 3-2 với Ban Quản lý dự án Khu liên hợp về việc đền bù mặt bằng đất đai toàn bộ lô đất 570 ha tại Khu liên hợp với giá 700 triệu đồng/ha (70.000 đồng/m2).
UBND tỉnh Bình Dương còn ra Văn bản số 1388/UB-KTTH ngày 7/4/2004 giao Tổng công ty 3-2 diện tích 563 ha thuộc Khu liên hợp để thực hiện dự án sân golf, trường đua, trung tâm thương mại, trung tâm giải trí thể thao quốc tế, khu nhà ở chuyên gia…
Đến năm 2010, việc đền bù, giải phóng mặt bằng Khu liên hợp hoàn tất, Tổng công ty 3-2 đã thanh toán toàn bộ số tiền hơn 414 tỷ đồng.
Áp giá thu tiền sử dụng đất lùi tới… 6 năm
Sau khi chấp thuận chủ trương và giao đất cho Tổng công ty 3-2, trên cơ sở thống nhất của các đơn vị liên quan, UBND tỉnh Bình Dương ban hành nhiều quyết định phê duyệt giá đất bình quân thuộc Khu liên hợp để xác định thu tiền sử dụng đất. Cụ thể, giá đất các khu công nghiệp là 28.180 đồng/m2, đất khu dịch vụ là 51.914 đồng/m2, đất khu đô thị mới là 75.204 đồng/m2.
Tuy nhiên, do dự án trường đua không được cấp phép, nên ngày 25/01/2011, UBND tỉnh Bình Dương có Văn bản 206/UBND-KTTH gửi Bộ Xây dựng kiến nghị điều chỉnh tên khu chức năng “Khu dịch vụ” thành “Khu dịch vụ thương mại - Đô thị dân cư cao cấp” và điều chỉnh cơ cấu sử dụng 563 ha, trong đó Khu hỗn hợp (thương mại dịch vụ - căn hộ - văn phòng) khu B diện tích 43 ha; Khu D diện tích 145 ha.
Sau khi được Bộ Xây dựng chấp thuận điều chỉnh quy hoạch, ngày 28/9/2012, ông Trần Văn Nam (lúc này giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương), ký Quyết định 2631/QĐ-UBND giao 43 ha đất thuộc khu B theo hình thức kinh doanh có thu tiền sử dụng đất đối với Tổng công ty 3-2.
Thụ lý hồ sơ khu đất 43 ha nêu trên, ông Võ Thế Phương, cán bộ Phòng Quản lý các khoản thu từ đất thuộc Cục Thuế tỉnh Bình Dương tính tiền sử dụng đất khu 43 ha theo 2 phương án gồm: áp giá đất các loại theo bảng giá do UBND tỉnh Bình Dương ban hành năm 2012 và áp giá đất bình quân 51.914 đồng/m2 theo Quyết định 5853/QĐ-UBND ngày 27/12/2006 của UBND tỉnh.
Tuy nhiên, sau đó, theo chỉ đạo của ông Nguyễn Thái Thanh, Phó trưởng phòng Phòng Quản lý các khoản thu từ đất, ông Võ Thế Phương đã đề xuất lãnh đạo phòng đề xuất Cục Thuế tỉnh Bình Dương họp xem xét giá đất để tính tiền sử dụng đất đối với 43 ha và được các ông Lê Văn Trang, Võ Thanh Bình là Cục trưởng và Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cùng các ông Nguyễn Minh Nhựt, Dương Quốc Chính, Nguyễn Thái Thanh, cùng giữ chức Phó trưởng phòng Phòng Quản lý các khoản thu từ đất nhất trí áp giá 51.914 đồng/m2. Sau đó, Cục Thuế tỉnh gửi văn bản cho UBND tỉnh Bình Dương để thống nhất áp dụng giá đất 51.914 đồng/m2.
Liên quan tới vụ việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chuyển kết luận điều tra sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để đề nghị truy tố 21 bị can gồm những nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Dương, Tổng công ty 3-2, cùng các bị can là giám đốc các công ty tư nhân về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Như vậy, thay vì phải căn cứ vào bảng giá đất của UBND tỉnh Bình Dương ban hành tại thời điểm giao đất là năm 2012 để áp giá, thì cơ quan chức năng lại… áp lùi lại 6 năm, tức lấy bảng giá năm… 2006.
Khi nhận được văn bản của Cục Thuế tỉnh Bình Dương dù biết áp giá sai, nhưng ông Trần Xuân Lâm, Trưởng phòng Phòng Kinh tế ngành, Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương vẫn đồng ý và có dự thảo chuyển đến ông Võ Văn Lượng, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh, và Nguyễn Thanh Trúc, Chánh văn phòng UBND tỉnh để kiểm tra, thẩm định. Cả ông này đều biết sai, nhưng vẫn “ký nháy”, rồi trình ông Trần Văn Nam ký chấp thuận đơn giá đất 51.914 đồng/m2.
Sau khi nộp hơn 5 tỷ đồng tiền sử dụng đất 43 ha, Tổng công ty 3-2 được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thời hạn đến năm 2052.
Chưa hết, ngày 21/12/2012, Tổng công ty 3-2 lại có đơn xin giao 145 ha đất thuộc khu D. Nhận đơn, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương có Tờ trình 600/TTr-STNMT ngày 28/12/2012 đề nghị UBND tỉnh giao 145 ha đất cho Tổng công ty 3-2.
Ngày 7/1/2013, ông Trần Văn Nam ký Quyết định 48/QĐ-UBND giao 145 ha đất theo hình thức có thu tiền sử dụng đất cho Tổng công ty 3-2. Cục Thuế tỉnh Bình Dương lại tiếp tục áp giá đất 51.914 đồng/m2 có từ năm… 2006 để tính thu tiền sử dụng đất đối với 145 ha. Sau khi nộp đủ số tiền hơn 24 tỷ đồng, Tổng công ty 3-2 được Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thời hạn đến năm 2056.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, qua xác minh, Cục Thuế tỉnh Bình Dương xác định, trường hợp áp giá đất theo bảng giá do UBND tỉnh Bình Dương ban hành năm 2012, thì số tiền thuế trước bạ và tiền sử dụng đất đối với khu đất 43 ha, lẽ ra Tổng công ty 3-2 phải nộp hơn 111,3 tỷ đồng, chứ không phải hơn 20 tỷ đồng. Tương tự, với khu đất 145 ha, khi áp theo bảng giá đất do UBND tỉnh Bình Dương ban hành năm 2013, Tổng công ty 3-2 phải nộp hơn 679 tỷ đồng, chứ không phải hơn 24 tỷ đồng.
Từ đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khẳng định, hành vi trên của các ông Trần Văn Nam, Nguyễn Thanh Trúc, Võ Văn Lượng, Trần Xuân Lâm, Lê Văn Trang, Võ Thanh Bình, Nguyễn Thái Thanh gây thất thoát cho Nhà nước hơn 761 tỷ đồng (khu đất 43 ha hơn 106,3 tỷ đồng, khu đất 145 ha hơn 654,7 tỷ đồng).
Công phu chuyển đất công thành “đất ông”
Như vậy, UBND tỉnh Bình Dương đã giúp Tổng công ty 3-2 nắm trọn quyền sử dụng 2 lô đất 145 ha và 43 ha với giá tiền sử dung đất rất… bèo bọt.
Sau đó, từ đề xuất của Tổng công ty 3-2, UBND tỉnh Bình Dương có Văn bản số 3736/UB-KT ngày 12/12/2011 giao Sở Xây dựng cùng Tổng công ty 3-2 và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) điều chỉnh và lập quy hoạch chi tiết Khu dân cư - Thương mại dịch vụ Tân Phú trên khu đất 43 ha (hiện còn gọi là Khu đô thị Tân Phú và đã rơi vào tay Công ty Kim Oanh).
Công ty Tân Phú là liên doanh giữa Tổng công ty 3-2 và Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc (Công ty Âu Lạc) để thực hiện Dự án Khu dân cư - Thương mại dịch vụ Tân Phú ở khu đất 43 ha. Công ty Âu Lạc mới thành lập năm 2010 và người đứng sau đạo diễn lập công ty này và nhờ người khác đứng tên để liên doanh với Tổng công ty 3-2 chính là Nguyễn Đại Dương, con rể của ông Nguyễn Văn Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty 3-2.
Như vậy, hành trình khu đất 43 ha được áp giá bèo để cuối cùng rơi vào tay tư nhân và được bán khẩn cấp sang Công ty Kim Oanh đã được nhiều bên “chuẩn bị” kỹ lưỡng trong nhiều năm.
Tương tự, UBND tỉnh Bình Dương cũng đồng ý cho Tổng công ty 3-2 đem khu đất 145 ha đi liên doanh với đối tác nước ngoài và sau một thời gian lòng vòng bí hiểm, thì đã thành sân golf thuộc sở hữu của nhiều công ty gia đình của Tổng giám đốc Tổng công ty 3-2.
Vào tháng 6/2021, ông Trần Văn Nam khi đang đương chức Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương bất ngờ nộp đơn xin rút khỏi danh sách đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, với lý do sức khỏe nên “chủ động nộp đơn sớm” để Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét trước khi công bố danh sách trúng cử chính thức vào ngày 10/6.
Ngày 10/6, Hội đồng Bầu cử quốc gia có nghị quyết không xác nhận tư cách đại biểu của ông Nam vì "không đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021 - 2026)" do liên quan đến các vi phạm được cơ quan trung ương làm rõ.
Ngày 6/7, Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bỏ phiếu kỷ luật ông Nam bằng hình thức "cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng" trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp, từ năm 2010 đến nay.
Tới cuối tháng 7/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Văn Nam.
(Còn tiếp)