“Nguy” và “cơ” nhìn từ CPI

“Nguy” và “cơ” nhìn từ CPI

(ĐTCK) Lạm phát thấp tạo điều kiện cho cơ quan quản lý có nhiều đất để triển khai chính sách thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, ám ảnh về đình trệ sản xuất cũng trở nên lớn hơn.

> CPI tháng 6 tăng 0,05%

> Nỗi lo bước vào “vùng trũng” tăng trưởng  

Tăng trưởng công nghiệp thấp nhất trong 4 năm

Theo con số của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 6 tăng 2,4% so với cuối năm 2012, tăng 6,69% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các nhóm sản phẩm, hàng hóa để tính CPI đều ít biến động, ngoại trừ việc tăng giá dịch vụ y tế của Nhà nước năm 2013. Theo đó, dịch vụ y tế tháng 6/2013 tăng tới 13,88% so với tháng 12/2012; tăng 58,69% so với cùng kỳ năm trước.

TS. Nguyễn Trọng Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính nhận xét, đây là diễn biến khá phù hợp với quy luật chung tại Việt Nam, do các tháng đầu năm sau Tết Nguyên đán, giá các sản phẩm tiêu dùng thường có xu hướng giảm dần.

“Nếu loại bỏ yếu tố tăng giá dịch vụ y tế, mức tăng CPI 6 tháng đầu năm còn thấp hơn nữa. Tuy nhiên, một điểm đáng lo ngại là, việc này cũng đến từ việc nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm mạnh, hàng tồn kho không bán được dẫn tới tình trạng hạ thấp giá hàng hóa”, ông Tuyến nói.

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,9%. Nếu loại bỏ yếu tố giá, thì mức này chỉ còn 4,9%, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2012 là 6,7%.

“Đây là một cản trở rất lớn đối với tăng trưởng kinh tế”, TS. Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương nhận xét.

Trên thực tế, dữ liệu thống kê cũng cho thấy, tăng trưởng công nghiệp và xây dựng đã có bước thụt lùi, chỉ đóng góp vào tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 1,99%, thấp hơn nhiều so với mảng dịch vụ là 2,51%.

Số liệu thống kê cho thấy, tốc độ tăng số dư hàng tồn kho 6 tháng đầu năm nay giảm so với các năm 2011 -2012 và có xu hướng giảm dần từ đầu năm 2013 đến nay, nhưng thực tế, con số này vẫn ở mức cao, lên tới 75,4%.

 

Ám ảnh đình trệ sản xuất và lạm phát trở lại

“Nguy” và “cơ” nhìn từ CPI  ảnh 1

Cầu tiêu dùng sụt giảm mạnh, tâm lý người mua vẫn chưa sẵn sàng cho chi tiêu là nguyên nhân chính khiến sản xuất 6 tháng đầu năm kém khởi sắc. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam , nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính nhận xét: có nhiều yếu tố có thể khiến CPI 6 tháng cuối năm tăng trở lại. Trước mắt, những nguyên nhân có thể nhìn thấy ngay, là việc điều chỉnh lương cơ bản tăng thêm 9,5% từ 1/7/2013, cũng như động thái tăng giá dịch vụ y tế của 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM. Bên cạnh đó là việc điều chỉnh giá điện, than cho các DN ngành phụ cận.

“Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng tín dụng bất động sản, trong ngắn hạn có thể chưa tác động nhiều, vì thực tế chưa đưa được tiền ra nền kinh tế, nhưng lâu dài, có thể là nguyên nhân khiến lạm phát tăng trở lại”, ông Thỏa nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Tuyến còn liệt kê thêm một số nguyên nhân khác có thể khiến CPI 6 tháng cuối năm tăng cao như: chu kỳ tăng giá ở Việt Nam thường bắt đầu từ tháng 9 hàng năm, hàng tồn kho lớn làm đội chi phí dẫn đến giá thành sản phẩm cao...

Không phủ nhận các yếu tố làm tăng lạm phát, nhưng ông Thành cho rằng, 6 tháng cuối năm, xác suất tăng cao là rất khó.

“Theo báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam của các tổ chức tài chính lớn, CPI Việt Nam được dự báo ở mức 6 - 7%, so với con số đánh giá từ 7 - 9% ở giai đoạn đầu năm 2013. Điều này phản ánh rõ quan điểm, CPI Việt Nam khó có thể tăng cao đột biến vào nửa cuối năm”, ông Thành nói.

Trở lại vấn đề đình trệ sản xuất, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nguy cơ tiếp tục đình trệ sản xuất có thể sẽ nặng nề hơn ở 6 tháng cuối năm. Thu ngân sách nhà nước, như nhận xét của ông Thành là rất khó khăn, trong khi đó, chi tiêu Chính phủ đóng vai trò không nhỏ trong kích thích tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Về phía người dân, khi niềm tin vào sự phục hồi chưa cao, nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn đến sản xuất giảm, từ đó lại tác động trực tiếp vào thu nhập của người dân, là một vòng luẩn quẩn, khiến sản xuất ngày một khó khăn.

“Cần phải có một chính sách toàn diện để hỗ trợ các khâu từ sản xuất, tiêu dùng đến phân phối, để giảm giá thành sản phẩm, hỗ trợ cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng, thì mới có thể kích thích nền kinh tế được”, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị TP. Hà Nội nhận xét.