Áp lực tài chính
Tổng giá trị trái phiếu lợi suất cao từ các công ty Trung Quốc đáo hạn vào quý IV/2014 chạm ngưỡng 6,2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1 tỷ USD). Đây là con số kỷ lục kể từ thời điểm Chính phủ Trung Quốc cho phép các công ty tư nhân vừa và nhỏ được phép huy động vốn trên thị trường trái phiếu bên cạnh hệ thống ngân hàng vào tháng 6/2012.
Không như những công ty chứng khoán bán đấu giá một cách công khai, các đối tượng đi vay này trực tiếp bán trái phiếu đến các tổ chức đầu tư. Nhờ tín hiệu “đèn xanh” đó, nên kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra, số lượng các công ty Trung Quốc có nợ phải trả cao gấp đôi vốn chủ sở hữu tăng lên nhanh chóng, dấy lên lo ngại về cuộc vỡ nợ trên diện rộng có thể xảy ra.
Theo số liệu tổng hợp của Bloomberg, những công ty phi tài chính tại Trung Quốc có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu vượt quá 200% tăng vọt 68% kể từ năm 2007 cho đến nay. Điển hình là Công ty sản xuất vật liệu Tianlian Binhai ở cảng Thiên Tân (thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), với tổng giá trị trái phiếu đáo hạn vào ngày 29/1/2015 là 50 triệu nhân dân tệ. Công ty Kỹ thuật và khoa học Huzhou cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự khi không thể hoàn trả cả gốc lẫn lãi món nợ trái phiếu 30 triệu nhân dân tệ cho nhà đầu tư. Tồi tệ hơn là trường hợp Công ty Kỹ thuật Zhejiang Walters Polymer Technology Co. đã phải tuyên bố phá sản.
Can thiệp của Chính phủ
Trước nguy cơ vỡ nợ có thể xảy ra trên diện rộng đối với các công ty tư nhân nhỏ, có mức đóng góp hơn 70% trong GDP, Trung Quốc bắt đầu có những động thái nới lỏng các quy chế tài chính. Cụ thể, tháng 6/2014, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố giảm 0,5% điểm ở tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với một số người đi vay, với mục tiêu hỗ trợ những doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như nền nông nghiệp quốc gia.
“Vỡ nợ có thể khiến cho những công ty nhỏ gặp khó khăn hơn trong việc huy động tài chính. Tuy nhiên, Chính phủ sẵn sàng có những động tác hỗ trợ can thiệp để giúp họ tồn tại trong môi trường khắc nghiệt ngày nay”, chuyên viên phân tích trái phiếu Xu Hanfei ở Hãng Guotai Junan Securities tại thành phố Thượng Hải nói.
Mặc dù vậy, một số quan điểm khác cho rằng, tin đồn vỡ nợ lan rộng đang ám chỉ sự thất bại của Chính phủ Trung Quốc trong việc áp dụng các gói kích thích nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng các ngành sản xuất. Theo Bloomberg, năng suất các ngành công nghiệp dịch vụ Trung Quốc bắt đầu cho thấy dấu hiệu chậm lại khi chỉ số khu vực tư nhân tụt xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 7/2014.
Bên cạnh đó, chi phí đi vay tiếp tục là yếu tố gây cản trở các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ. Hiện tại, mức chi trả đó vẫn còn cao hơn so với cột mốc cách đây 12 tháng, mặc dù Chính phủ nỗ lực “bơm” nhiều tiền hơn vào nền kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng.
Thực tế, không phải doanh nghiệp tư nhân nào cũng có khả năng thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ vào phút cuối như Công ty xây dựng Huatong Road & Bridge Group Co ở tỉnh Sơn Tây khi công ty này vừa đối mặt với món nợ trái phiếu phải trả lên đến 64,5 triệu USD vào tháng 7/2014. Hiện chưa rõ bằng cách nào Huatong có thể huy động số tiền lớn như vậy khi chỉ cách 1 tuần trước đó, Công ty tuyên bố không có khả năng trả nợ và đứng trước nguy cơ phá sản.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Huatong đã nhận được sự trợ giúp của Chính phủ Trung Quốc khi không muốn một sự đổ vỡ tương tự như trường hợp của Công ty năng lượng Shanghai Chaori Solar Energy Science & Technology Co hồi tháng 3/2014. Sau khi một số vụ vỡ nợ trái phiếu xảy ra, nhà đầu tư trở nên thận trọng với trái phiếu doanh nghiệp.
Có vẻ như sự cố vỡ nợ của Shanghai Chaori Solar Energy Science & Technology Co trở thành một bài học đắt giá đối với các công ty nhỏ, đồng thời tạo ra kỷ luật chặt chẽ đối với thị trường nợ vốn đang ngày một phình to ở Trung Quốc.