Những số liệu công bố mới đây của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế xã hội năm 2015 với nhiều chuyển biến đã làm sáng lên hy vọng về khởi đầu tích cực cho một giai đoạn phát triển mới, hướng tới tăng trưởng về chất. Đây là khởi đầu quan trọng mang tính bước ngoặt đối với nền kinh tế Việt Nam, vốn đang đứng trước cuộc đua tất yếu của tiến trình phát triển, hoặc vươn lên đuổi kịp khu vực và phát triển bền vững, hoặc tụt lại, sa vào bẫy thu nhập trung bình và khó có cơ hội để vươn lên.
Chất lượng tăng trưởng đã cải thiện
Theo số liệu phân tích của Tổng cục Thống kê, một số chỉ tiêu thể hiện hiệu quả tăng trưởng của nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 đã có những cải thiện đáng ghi nhận.
Cụ thể, năng suất lao động xã hội năm 2015 theo giá hiện hành của toàn nền kinh tế ước tính đạt 79,3 triệu đồng/lao động (tương ứng khoảng 3.657 USD/lao động).
Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2015 ước tính tăng 6,4% so với năm 2014. Số liệu phân tích ghi nhận năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, bình quân giai đoạn 2006-2015 tăng 3,9%/năm.
Năng suất lao động năm 2015 tăng 23,6% so với năm 2010, tuy thấp hơn so với mục tiêu đề ra là tăng 29%-32%, nhưng tốc độ tăng thời kỳ này cao hơn giai đoạn 2006-2010, góp phần thu hẹp dần khoảng cách tương đối so với năng suất lao động của các nước ASEAN.
Đánh giá tổng thể về tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2015, Tổng cục Thống kê cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện phát triển bền vững. Tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 5,91% năm.
Nguy cơ tụt hậu vẫn hiện hữu
Tuy nhiên, phân tích của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, năng suất lao động của nước ta hiện nay vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực.
Khoảng cách tương đối về năng suất lao động tuy đã giảm đáng kể, nhưng khoảng cách tuyệt đối (chênh lệch mức năng suất lao động) giữa Việt Nam với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn như Singapore, Malaysia, Indonesia hay Thái Lan lại gia tăng. Đây là điểm rất đáng lo ngại.
"Thực trạng kinh tế Việt Nam gần đây cho thấy, những dư địa để phát triển nhờ cải cách từ năm 1986 đến nay đã cạn dần, đặc biệt là từ năm 2008" - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh.
Một kết quả nghiên cứu khác gần đây của Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng chỉ ra rằng, mặc dù kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng thể hiện sự phục hồi, song nhìn tổng thể, tăng trưởng GDP của Việt Nam thậm chí còn thấp hơn Myanmar, Campuchia, Lào và thấp hơn mức bình quân các nước ASEAN.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, nếu phân tích các chỉ số từ nguồn số liệu thống kê của Các chỉ số phát triển Thế giới (WDI), thì tăng trưởng GDP của Việt Nam gần như là thấp nhất trong khu vực liên tục trong các năm từ 2007 trở lại đây, trước đó có có nhích hơn, nhưng đều thấp hơn mức trung bình của khu vực.
Đặc biệt, so với Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế của Việt nam có xu hướng yếu hơn cả về tương đối và tuyệt đối. Số liệu nghiên cứu cho thấy, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc tăng vọt, trong khi ta tăng đều đều nên khoảng cách giữa Việt Nam và Trung Quốc đang ngày càng gia tăng. Xét về quy mô kinh tế, thu nhập bình quân của Việt Nam nhỏ hơn cả về tương đối và tuyệt đối. Điều này thể hiện rõ rằng, nền kinh tế Việt Nam đang yếu dần đi so với nền kinh tế của Trung Quốc.
“Nền kinh tế Việt Nam chưa cải thiện được về chất lượng tăng trưởng và chưa thay đổi được căn bản động lực của tăng trưởng. Do đó, tuy có cải thiện được về tốc độ, song so với tương quan các nước trong khu vực và Trung Quốc, chất lượng tăng trưởng đang có xu hướng yếu đi. Đây là thách thức lớn đối với tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới”, ông Cung cảnh báo.
Đây cũng chính là điều mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trăn trở từ bấy lâu nay.
“Thực trạng kinh tế Việt Nam gần đây cho thấy, những dư địa để phát triển nhờ cải cách từ năm 1986 đến nay đã cạn dần, đặc biệt là từ năm 2008. Nhiều rào cản lớn về thể chế kinh tế đã xuất hiện. Thể chế kinh tế hiện hành có những khoảng cách, những khác biệt so với thể chế kinh tế của các nền kinh tế thị trường ở châu Âu, Mỹ và với nhiều nước trong khu vực”, Bộ trưởng Vinh chỉ rõ.
Từ thực tế trên, Bộ trưởng cho rằng, hơn lúc nào hết Việt Nam cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách, đổi mới vai trò của Nhà nước và thị trường, nâng cấp thể chế kinh tế thị trường, tạo hệ thống động lực khuyến khích mới theo chuẩn mực kinh tế thị trường phổ biến và hiện đại, qua đó thực hiện phân bổ lại và sử dụng nguồn lực quốc gia hiệu quả hơn.