Nguy cơ từ 750.000 tỷ đồng trái phiếu sắp đáo hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong 7 tháng đầu năm 2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2021. Nhưng đến năm 2024, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trả nợ lên đến gần 750.000 tỷ đồng, sẽ chứa đựng nhiều nguy cơ lớn.
Nguy cơ từ 750.000 tỷ đồng trái phiếu sắp đáo hạn

4 nguyên nhân thị trường trái phiếu sụt giảm

Theo Bộ Tài chính, trong 7 tháng đầu năm 2022 (tính đến ngày 20/7/2022), khối lượng tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt 262.250 tỷ đồng, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng phát hành đạt lần lượt là 33,58% và 9,41% tổng khối lượng phát hành.

Tại chương trình Đối thoại đầu tuần với chủ đề: “Khởi động lại trái phiếu doanh nghiệp” do Báo Đầu tư thực hiện mới đây, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đánh giá:

“Tôi nghĩ mức giảm này là còn khiêm tốn, lẽ ra thị trường còn phải sụt giảm hơn nữa, nhưng do lượng trái phiếu của các ngân hàng, tổ chức tín dụng phát hành nhiều hơn, nên được cộng vào và đảm bảo mức giảm thấp đi. Còn riêng trái phiếu đối với bất động sản không tốt lắm”.

Theo ông Hòe, có 4 nguyên nhân chủ yếu khiến thị trường trái phiếu sụt giảm trong thời gian qua.

Thứ nhất, sau khi bộc lộ một số cơ chế phát hành, các cơ quan quản lý nhà nước đã siết lại câu chuyện phát hành trái phiếu, đặc biệt là các cuộc thanh tra kiểm tra. Đơn cử như quyết định hủy trái phiếu của Tân Hoàng Minh và yêu cầu trả lại cho các nhà đầu tư là sự can thiệp quá mạnh mẽ vào câu chuyện thị trường của cơ quan quản lý.

Thứ hai, cũng sau sự kiện của Tân Hoàng Minh, lòng tin của thị trường bị suy giảm mạnh mẽ. Hiện tại, người dân vẫn tổ chức biểu tình tại trụ sở Tân Hoàng Minh để đòi tiền và gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính, thậm chí là cơ quan điều tra của Bộ Công an.

Thứ ba, khi các quy định của pháp luật được nới lỏng một chút, các chủ đầu tư dự án bất động sản ngay lập tức có dấu hiệu lạm dụng để làm sai khiến các nhà đầu tư tỏ ra dè chừng với trái phiếu.

Thứ tư, tất cả cơ sở hạ tầng để hỗ trợ cho thị trường như: xếp hạng tín nhiệm, đánh giá tín nhiệm, các tổ chức bảo lãnh phát hành; tổ chức tư vấn, quỹ đầu tư chuyên nghiệp hỗ trợ cho các nhà đầu tư cá nhân không hình thành đồng bộ. Vì vậy, cuộc chơi này đã trở thành cuộc chơi trực tiếp giữa nhà phát hành với nhà đầu tư cá nhân hoặc nhà đầu tư tổ chức mà không có tính chất chuyên nghiệp.

750.000 tỷ đồng trái phiếu sắp đáo hạn chứa nhiều rủi ro

Bộ Tài chính thống kê, đến năm 2024, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trả nợ lên đến gần 750.000 tỷ đồng. Điều này có nghĩa các doanh nghiệp đang rất cần huy động vốn để trả nợ cho các khoản trái phiếu trước đó. Tuy nhiên, với thị trường trái phiếu như hiện nay, nhiều lo ngại rằng việc huy động sẽ trở nên rất khó khăn, nhất định phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn, nếu không, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ lớn.

Trái phiếu là cuộc chơi của thị trường, doanh nghiệp phát hành trái phiếu sẽ là con nợ của nhà đầu tư cá nhân hoặc nhà đầu tư tổ chức.

Ngoài ra, trái phiếu là cuộc chơi của thị trường, doanh nghiệp phát hành trái phiếu sẽ là con nợ của nhà đầu tư cá nhân hoặc nhà đầu tư tổ chức. Nếu doanh nghiệp không trả được nợ, nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với rủi ro là mất. Đặc biệt, doanh nghiệp phát hành trái phiếu đến thời hạn không thanh toán được, mất khả năng thanh khoản sẽ có thể phá sản. Nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn phương án tuyên bố phá sản để tòa án giải quyết, phân chia tài sản hiện có cho nhà đầu tư.

Mặt khác, thị trường vốn, thị trường tiền tệ và thị trường bất động sản là 3 thị trường có sự liên thông với nhau. Trong trường hợp doanh nghiệp bất động sản vỡ nợ dẫn đến thị trường bất động sản bị phá, hai thị trường còn lại có nguy cơ trở thành đóm lửa và khiến thị trường tài chính có vấn đề.

Những giải pháp cần cấp tốc thực hiện

Về việc đưa ra giải pháp, ông Hòe cho rằng, trong lúc chờ đợi Nghị định 153 (quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hướng siết chặt một cách hợp lý), các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt từ Bộ tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên đưa ra thông điệp trên cơ sở quy định từ Nghị định 153.

Có thể kể đến việc tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp có đầy đủ điều kiện, đáp ứng được thông tin minh bạch từ thị trường để tiếp tục phát hành trái phiếu với sự tư vấn, giám sát cẩn trọng hơn.

Vấn đề tiếp theo là việc cơ quan quản lý định hướng chấn chỉnh thị trường trái phiếu ra sao cần được nhìn nhận một cách rõ ràng. Trong đó, ông Hòe khẳng định, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tạo điều kiện tốt nhất về mặt cơ chế chính sách để thị trường phát triển lành mạnh.

Đồng thời, vấn đề mà thị trường cần hết sức tránh là câu chuyện hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự. Những câu chuyện vi phạm pháp luật có dấu hiệu lừa đảo rõ ràng thì cơ quan điều tra vào cuộc là đúng đắn, nhưng có những sự việc chưa rõ ràng, cần xử lý bằng biện pháp kinh tế đầu tiên và xử lý quan hệ với nhà đầu tư đầu tiên.

Đặc biệt, ông Hòe khuyến cáo đến các nhà đầu tư cá nhân về việc đặt niềm tin không đúng chỗ. Nhiều nhà đầu tư cá nhân không hiểu biết trái phiếu đã đặt lòng tin vào các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại - những tổ chức đứng ra bán để hưởng phần trăm, nhưng không tư vấn và đưa thông tin đầy đủ để nhà đầu tư nắm được, dẫn đến rất rủi ro.

Dù vậy, ông Hòe vẫn ủng hộ thị trường trái phiếu, nhất là các doanh nghiệp làm ăn tốt, quản trị tài chính chuyên nghiệp, minh bạch, đặc biệt là doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác và đưa ra cơ sở dữ liệu đầy đủ, kết nối với nhà đầu tư.

Cuối cùng, các cơ quan quản lý xem lại việc cấp phép cho các quỹ đầu tư để có những chủ thể tham gia thị trường với những dịch vụ hỗ trợ, giúp đồng bộ lại thị trường

Tin bài liên quan