Sau khi Thủ tướng có thông báo yêu cầu bỏ trần lãi suất, Hiệp hội Ngân hàng có hướng dẫn gì với các thành viên, thưa bà?
Trong thông báo của Thủ tướng có nêu rõ, trước mắt không duy trì trần lãi suất. Hiệp hội đã có văn bản xin ý kiến "Hiệp hội sẽ làm gì?" và đã được trả lời về vấn đề này. Theo đó, hoàn toàn không có chuyện bỏ trần lãi suất huy động 11%/năm. Trong văn bản gửi Hiệp hội, Chính phủ hoan nghênh các hoạt động của Hiệp hội nhằm ổn định thị trường tiền tệ trong thời gian qua. Thủ tướng cũng nói rằng, khi các thành viên trong Hiệp hội đã đồng thuận được một mức trần lãi suất hợp lý thì việc dỡ bỏ biện pháp hành chính là cần thiết, chứ điều đó không có nghĩa là bỏ trần lãi suất huy động 11%/năm. Ở đây cần nhấn mạnh rằng, khi các ngân hàng đã đồng thuận được thì các biện pháp hành chính để can thiệp trong trường hợp cấp bách không cần thiết nữa.
Đã có ngân hàng như VPBank tuyên bố sớm tăng lãi suất trở lại 12%/năm, liệu đồng thuận trần lãi suất 11%/năm có giữ được?
Tôi tin rằng, các ngân hàng thành viên Hiệp hội đã đồng thuận một mức trần lãi suất 11%/năm thì sẽ thống nhất để thực hiện. Các cụ ta đã có câu "buôn có bạn, bán có phường", ấn định lãi suất bao nhiêu là quyền của các ngân hàng, nhưng ai đó "ăn mảnh" thì khi khó khăn dám cầu cứu ai. Chẳng ai nắm tay được cả ngày, thế mới có chuyện thành lập ra Hiệp hội để cùng nhau kinh doanh tiến tới định hướng tốt cho các thành viên, chứ mỗi người mỗi phách thì bất lợi cũng sẽ thuộc về chính ngân hàng phá vỡ đồng thuận.
Chúng tôi đã nhận được văn bản thông báo của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) về việc tạm dừng chương trình huy động 3.000 tỷ đồng bằng kỳ phiếu với lãi suất 1%/tháng (12%/năm) trả trước cộng thêm các khuyến mãi khác.
Tuy nhiên, một số ngân hàng phàn nàn việc duy trì lãi suất 11%/năm như hiện nay khiến vốn chảy sang kênh khác trong khi ngân hàng thiếu vốn, bà nghĩ sao?
Tôi cũng đã nói chuyện với một số ngân hàng để tìm hiểu vấn đề này thì thấy, nhiều ngân hàng vẫn huy động được vốn khi áp dụng trần lãi suất 11%, ngân hàng nhỏ thì 100 tỷ đồng, ngân hàng lớn, chẳng hạn như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam thì 2.000 tỷ đồng. Một phần dòng vốn chảy ra khỏi ngân hàng cũng cần nhìn nhận là người dân có thể thấy cơ hội đầu tư ở các kênh khác, chứ đâu chỉ do lãi suất thấp. Chẳng hạn, giờ ngoại tệ đang lên, người ta nghĩ lên nữa nên rút tiền ra mua ngoại tệ, hoặc giá vàng đang thấp người ta đa dạng hóa bằng cách mua thêm vàng.
Nếu như lại xảy ra một cuộc đua lãi suất, Hiệp hội sẽ làm gì, thưa bà?
Hiệp hội sẽ không có công văn nữa, ai tự phá rào thì họ tự xấu hổ với phường hội. Ngân hàng Nhà nước cũng không thể ra công điện thứ hai về trần lãi suất được nữa. Các thành viên của Hiệp hội đã đồng thuận, sau đó Chính phủ mới yêu cầu bỏ biện pháp hành chính, chứ không phải Chính phủ ban hành văn bản đó để phá thỏa thuận.
Giữ lãi suất trần thì ngân hàng, doanh nghiệp và cả người dân đều "bí"
Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc VPBank Tôi ủng hộ công văn yêu cầu bỏ trần lãi suất của Chính phủ. Thực tế, với lãi suất 11%/năm áp dụng tại các ngân hàng, đến kỳ đáo hạn người dân rút tiền khá đông; với lãi suất đó, lượng người gửi tiền cũng thưa thớt và tất cả các ngân hàng đều có hiện tượng như vậy. Khi bỏ trần lãi suất, ngân hàng được huy động vốn theo cơ chế thị trường và đảm bảo cả hai mục tiêu, người dân có lợi là được hưởng lãi suất thực dương và chống được lạm phát; còn giữ lãi suất trần thì ngân hàng, doanh nghiệp và cả người dân đều "bí". Ngay ngày 16/4, VPBank điều chỉnh lãi suất huy động đảm bảo quay trở lại mức 12%/năm.
Chúng ta đã xác định kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, theo quy luật cung cầu, thì đừng loay hoay sử dụng biện pháp hành chính. Cứ theo quy trình, có thể huy động vốn với chi phí cao thì cho vay sẽ chọn lọc hơn, loại bớt hoạt động kinh doanh không tốt cho xã hội, tín dụng cho nền kinh tế lành mạnh hơn. Việc để tự do lãi suất, tôi nghĩ, lãi suất cho vay cũng sẽ xuống, dù lãi suất huy động 12 - 13%/năm, cho vay chỉ 17%/năm (chứ không phải 20%/năm như hiện nay). Cũng có thể, nếu bỏ trần lãi suất thì các ngân hàng sẽ quay về cuộc đua mới. Trên thực tế, cuộc đua lãi suất trước đây là do bất cập trong cơ cấu nguồn vốn của một số ngân hàng, người ta dùng vốn vay từ thị trường liên ngân hàng để cho vay lại. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã biết nguyên nhân gây ra tình trạng đua lãi suất và tôi tin, biết rồi thì sẽ sửa được. Chỉ một số ngân hàng thiếu thanh khoản thì Nhà nước nên có biện pháp hỗ trợ ngay, đừng để cuộc đua lãi suất nóng mới nhảy vào. |