Saman Bandara.

Saman Bandara.

Nguy cơ rửa tiền tiềm ẩn trong các dịch vụ bảo hiểm

(ĐTCK-online) Hiện nay, các dịch vụ bảo hiểm đã và đang ngày càng phát triển trên toàn thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, sự phát triển luôn song hành cùng nhiều rủi ro. Một trong các rủi ro mà chuyên gia Ernst&Young đã tổng hợp và phân tích trong kinh nghiệm làm việc tại nhiều nước trên thế giới, là điều các công ty bảo hiểm tại Việt Nam nên cân nhắc và xem xét để có các biện pháp để bảo vệ thích hợp. Đó chính là nguy cơ bị lợi dụng dịch vụ bảo hiểm để rửa tiền hoặc tạo nguồn tài chính cho các hoạt động khủng bố.

Thế nào là quy trình rửa tiền và tài trợ khủng bố?

Rửa tiền là một quy trình xử lý nhằm che đậy nguồn gốc bất hợp pháp của các khoản tiền thu được từ hoạt động tội phạm. Rửa tiền có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.

Tài trợ khủng bố có thể được hiểu là việc cung cấp hay quyên góp có ý thức bằng nhiều cách khác nhau, trực tiếp hay gián tiếp, các nguồn tài chính cho mục đích sử dụng để hỗ trợ hoặc thực hiện các hoạt động khủng bố. Các hoạt động khủng bố cũng có thể được tài trợ bằng những khoản thu nhập hợp pháp.

 

Các kẽ hở dễ bị lợi dụng trong các dịch vụ bảo hiểm

Giới tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố có thể lợi dụng các loại hình bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ theo nhiều cách thức khác nhau cho mục đích của chúng. Các kẽ hở dễ bị lợi dụng trong bảo hiểm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như mức độ phức tạp và các điều khoản hợp đồng, trả tiền bồi thường, phương thức thanh toán (tiền mặt hoặc chuyển khoản) và luật về hợp đồng. Các công ty bảo hiểm nên xem xét các yếu tố trên khi đánh giá điểm yếu này và nên lập hồ sơ đánh giá rủi ro theo từng loại hình kinh doanh nói chung cũng như theo từng mối quan hệ kinh doanh.

 

Các hình thức hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nào có thể bị lợi dụng?

Dưới đây là một số ví dụ về các loại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thể bị lợi dụng làm phương tiện rửa tiền hoặc tài trợ hoạt động khủng bố:

- Hợp đồng bảo hiểm trong đó tiền phí bảo hiểm được đem đi đầu tư;

- Các đơn bảo hiểm nhân thọ với một mức phí duy nhất có bản chất lưu giữ giá trị tiền mặt;

- Bảo hiểm niên kim cố định hoặc thay đổi;

- Đơn bảo hiểm chuyển nhượng được và có thể dùng để thế chấp ngân hàng.

Khi một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đáo hạn hoặc bị từ bỏ, khoản tiền theo hợp đồng sẽ thuộc quyền sử dụng của chủ hợp đồng hoặc những đối tượng hưởng lợi khác. Đối tượng hưởng lợi theo hợp đồng có thể thay đổi - có thể qua việc thanh toán - trước ngày đáo hạn hoặc từ bỏ hợp đồng, như vậy công ty bảo hiểm thanh toán cho đối tượng hưởng lợi mới. Hợp đồng bảo hiểm có thể được sử dụng làm thế chấp để mua các công cụ tài chính khác. Ngay chính các khoản đầu tư này có thể chỉ đơn thuần là một phần trong mạng lưới tinh vi, bao gồm các giao dịch phức tạp có nguồn gốc nằm đâu đó trong hệ thống tài chính.

 

Ông Saman Bandara hiện đang giữ chức vụ Chủ nhiệm kiểm toán cao cấp tại Văn phòng Hà Nội của Công ty Ernst&Young, chuyên gia ngành bảo hiểm và tài chính ngân hàng.

Saman có hơn 10 năm kinh nghiệm chuyên môn và đã tham gia cung cấp dịch vụ cho các khách hàng ở nhiều lĩnh vực khác nhau ở nhiều quốc gia (Sri Lanka, Việt Nam, Lào và Singapore). Những năm gần đây, Saman đặc biệt tham gia nhiều trong lĩnh vực bảo hiểm.

 

Rủi ro bị lợi dụng đối với hình thức bảo hiểm phi nhân thọ

Các công ty bảo hiểm có thể nghi ngờ việc một số loại dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ đã bị hoạt động rửa tiền hay tài trợ khủng bố lợi dụng nếu phát hiện các dấu hiệu:

- Việc đòi bồi thường số tiền khổng lồ hoặc cho những vụ được dàn dựng, ví dụ như cố ý gây ra hỏa hoạn hay các cách khác, để đòi bồi thường nhằm thu hồi một phần số tiền bất hợp pháp đã đầu tư;

- Việc hủy hợp đồng bảo hiểm để lấy lại phí bảo hiểm bằng séc của công ty bảo hiểm;

- Hoặc như việc trả quá số tiền phí bảo hiểm, sau đó yêu cầu trả lại số tiền đóng quá;

- Rửa tiền cũng có thể xảy ra dưới dạng khai vượt quá số tiền bảo hiểm khi đối tượng tội phạm có thể nói rằng họ đã nhận đủ số tiền bồi thường, nhưng thực tế lại không phải như vậy.

 

Rủi ro bị lợi dụng đối với các hình thức tái bảo hiểm

Hình thức tái bảo hiểm có thể bị tội phạm rửa tiền và khủng bố lợi dụng bằng việc thành lập các công ty (tái) bảo hiểm hoặc môi giới tái bảo hiểm giả, dàn xếp trước và chiếm dụng phí bảo hiểm, hoặc bằng việc sử dụng sai mục đích các giao dịch tái bảo hiểm thông thường. Ví dụ như các trường hợp sau:  

- Cố ý dàn xếp các khoản tiền bất hợp pháp hoặc tiền tài trợ khủng bố qua một công ty bảo hiểm vào các công ty tái bảo hiểm nhằm che dấu nguồn gốc của tiền;

- Thành lập các công ty tái bảo hiểm ma để rửa các khoản tiền bất chính hoặc hỗ trợ tài chính cho hoạt động khủng bố;

- Thành lập các công ty bảo hiểm ma cho mục đích chuyển các khoản tiền bất chính hoặc ngân quỹ tài trợ khủng bố vào các công ty tái bảo hiểm hợp pháp.

 

Vai trò của môi giới bảo hiểm trong việc chống rửa tiền và tạo quỹ tài trợ khủng bố

Môi giới bảo hiểm - độc lập hay các loại hình khác - là mạng lưới có vai trò quan trọng trong phân phối dịch vụ, bảo lãnh và giải quyết đơn đòi bồi thường. Môi giới bảo hiểm chính là cầu nối trực tiếp với các chủ hợp đồng bảo hiểm. Vì vậy, môi giới bảo hiểm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chống rửa tiền và ngăn chặn các nguồn tài trợ cho khủng bố. Theo các điều kiện chặt chẽ, quy định cho phép các công ty bảo hiểm có thể dựa vào kết quả thẩm định khách hàng do các môi giới thực hiện. Các nguyên tắc tương tự đang áp dụng đối với công ty bảo hiểm cũng có thể áp dụng cho các môi giới bảo hiểm. Bất cứ môi giới bảo hiểm nào thiếu năng lực và kiến thức cũng như không tuân thủ các quy trình cần thiết, hoặc không báo cáo các thông tin về các trường hợp nghi ngờ rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố, cũng sẽ trở thành mục tiêu cho bọn tội phạm lợi dụng. Chính các môi giới bảo hiểm cũng có thể được dựng lên để làm kênh chuyển ngân quỹ bất hợp pháp vào các công ty bảo hiểm.

Ngoài trách nhiệm của các môi giới, việc thẩm định khách hàng cuối cùng vẫn thuộc trách nhiệm của các công ty bảo hiểm liên quan.

Các ví dụ dưới đây cho thấy một số dấu hiệu của hoạt động rửa tiền mà các môi giới bảo hiểm cần lưu ý:

- Khách hàng đăng ký hợp đồng bảo hiểm từ một địa điểm rất xa, cho dù có thể thu xếp được hợp đồng bảo hiểm tương tự ở nơi “gần nhà hơn”;

- Đăng ký cho DN nằm ngoài mô hình kinh doanh thông thường của chủ hợp đồng bảo hiểm;

- Do giới thiệu của một đại lý/môi giới ở những vùng lãnh thổ chưa có quy định hoặc quy định pháp luật chưa chặt chẽ, hoặc ở đó hoạt động tội phạm có tổ chức (như buôn bán ma túy, hoạt động khủng bố) hoặc nạn hối lộ đang phổ biến;

- Bất kỳ yêu cầu cung cấp thông tin hoặc trì hoãn cung cấp thông tin để tạo điều kiện hoàn thành quy trình xác minh;

- Tỷ lệ trả trước phí bảo hiểm;

- Khách hàng chấp nhận nhiều điều kiện bất lợi không liên quan đến sức khỏe hoặc tuổi tác của anh ta hoặc cô ta;

- Các giao dịch liên quan đến việc sử dụng và đóng tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng dẫn đến việc thanh toán qua biên giới (chuyển tiền bằng điện tín) cũng như khoản phí bảo hiểm đầu tiên (hoặc duy nhất) được trả từ tài khoản ngân hàng ở nước ngoài;

- Các khoản ngân quỹ lớn lưu chuyển thông qua các tài khoản không lưu trú nhờ các công ty môi giới;

- Các hợp đồng bảo hiểm với các mức phí vượt quá khả năng của khách hàng;

- Khách hàng yêu cầu một sản phẩm bảo hiểm mà không có mục đích rõ ràng và từ chối đưa ra lý do đầu tư;

- Các hợp đồng bảo hiểm có giá trị không phù hợp với nhu cầu bảo hiểm của khách hàng;

- Khách hàng thực hiện một giao dịch làm gia tăng mức độ đóng góp đầu tư một cách đáng chú ý;

- Bất cứ giao dịch nào liên quan đến một bên không rõ danh tính;

- Việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước thời hạn, nhất là trường hợp bị lỗ, hoặc trường hợp tiền mặt hoặc séc hoàn tiền được trả cho một bên thứ ba;

- Việc chuyển lợi ích của một sản phẩm bảo hiểm cho một bên thứ ba rõ ràng là không liên quan;

- Việc thay đổi những người thụ hưởng hưởng được chỉ định (nhất là khi có thể đạt được điều này mà công ty bảo hiểm không biết hoặc chưa đồng ý; và/hoặc khi quyền đối với số tiền bảo hiểm thanh toán có thể được chuyển nhượng một cách đơn giản bằng chữ ký xác nhận vào bản hợp đồng bảo hiểm);

- Sự thay thế người thụ hưởng cuối cùng bằng một người không có mối liên hệ rõ ràng với chủ hợp đồng bảo hiểm trong thời gian hiệu lực của hợp đồng;

- Yêu cầu mua giá cao một hợp đồng trả tiền với tổng chi phí trong trường hợp thông thường chủ hợp đồng bảo hiểm đóng dần số tiền phí bảo hiểm nhỏ theo từng kỳ;

- Cố gắng sử dụng séc của bên thứ ba để mua một hợp đồng bảo hiểm;

- Người đăng ký bảo hiểm không lo lắng về việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm nhưng rất quan tâm đến việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn;

- Người đăng ký bảo hiểm cố gắng sử dụng tiền mặt để hoàn thành giao dịch đã thỏa thuận, trong khi loại giao dịch kinh doanh này thông thường được xử lý bằng séc hoặc các công cụ thanh toán khác;

- Người đăng ký bảo hiểm yêu cầu được thực hiện trả tổng số phí bảo hiểm theo phương pháp chuyển tiền điện tín hoặc bằng ngoại tệ;

- Người đăng ký bảo hiểm từ chối cung cấp thông tin thông thường khi đăng ký hợp đồng bảo hiểm, cung cấp rất ít hoặc các thông tin giả hoặc cung cấp các thông tin khó hoặc tốn kém để xác minh;

- Người đăng ký bảo hiểm tỏ ra có nhiều hợp đồng với một số công ty bảo hiểm;

- Người đăng ký bảo hiểm mua các hợp đồng bảo hiểm với số những số tiền bảo hiểm lớn được coi là vượt quá khả năng của khách hàng;

- Người đăng ký bảo hiểm mua một hợp đồng bảo hiểm lớn và hủy hợp đồng sau một thời gian ngắn, yêu cầu hoàn lại giá trị tiền mặt cho bên thứ ba;

-Người đăng ký bảo hiểm muốn vay tối đa giá trị tiền mặt theo hợp đồng bảo hiểm, trong đó tổng số phí phải đóng hết một lần ngay sau khi đóng phí;

- Người đăng ký bảo hiểm sử dụng địa chỉ bưu điện nằm bên ngoài vùng lãnh thổ của người giám sát bảo hiểm và nơi mà trong quá trình xác minh phát hiện ra rằng số điện thoại nhà riêng đã bị cắt.

Các dấu hiệu trên vẫn chưa nói hết các trường hợp khả nghi, ngành bảo hiểm Việt Nam đang phát triển một cách nhanh chóng với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và rủi ro liên quan đến rửa tiền đồng thời cũng tăng cao hơn bao giờ hết.

Hơn nữa trong thời gian gần đây, chúng ta cũng thấy một xu hướng các DN bảo hiểm đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới và tiên tiến như bảo hiểm liên kết đầu tư; bảo hiểm nhân thọ đa năng. Điều này càng làm tăng thêm nguy cơ rửa tiền, do những sản phẩm này chính là mục tiêu của tội phạm rửa tiền.

Tuy nhiên, nếu tất cả các công ty bảo hiểm có nhận thức đúng đắn và xây dựng chính sách, quy trình xử lý phù hợp thì có thể giảm thiểu nguy cơ trở thành đối tượng dính líu vào các mưu đồ của tội phạm rửa tiền.