Cụ thể, số liệu thống kê mới nhất từ Chính phủ Anh cho thấy, tỷ lệ phá sản (được tính toán dựa trên số lượng người không trả được nợ/10.000 người trưởng thành) đã giảm dần hàng năm, từ mức đỉnh 30,9 người hồi năm 2009, xuống 21,8 người năm 2014.
Trong khi đó, tại Mỹ, theo số liệu thống kê của các tòa án, số người nộp đơn phá sản đã giảm 12%, xuống 879.736 người trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 30/6 vừa qua.
Đánh giá về những số liệu này, Giám đốc tại Fitch Ratings, Herman Poon cho rằng, sự cải thiện trong cả lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp và thị trường lao động đã giúp giảm bớt số lượng đơn phá sản. Nếu xu hướng này tiếp diễn, thì số đơn phá sản cá nhân sẽ giảm trong năm thứ 5 liên tiếp khi năm 2015 khép lại.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Thống đốc BoE Mark Carney và Chủ tịch Fed Janet Yellen trong thời gian qua liên tục gợi mở về khả năng tăng lãi suất khi kinh tế Mỹ và Anh có dấu hiệu cải thiện, điều này có thể đẩy nhiều hộ gia đình rơi vào tình trạng nợ nần, thậm chí là phá sản.
Gillian Guy, Giám đốc điều hành tại Citizens Advice (Anh) nhận định, lãi suất thấp kỷ lục trong vòng 6 năm qua đã khiến khả năng kiểm soát tài chính của nhiều người trở nên dễ dàng hơn, song việc tăng lãi suất sẽ khiến mọi chuyện trở nên khó khăn hơn, đặc biệt với những người đang vật lộn để trả nợ.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, 1/5 số người sở hữu nhà ở tại Anh sẽ rơi vào tình trạng nợ nần khi lãi suất tăng lên”, ông Gillian nói. Bên cạnh đó, lãi suất tăng buộc một số hộ gia đình phải vay mượn nhiều hơn nữa, qua đó đẩy họ rơi vào tình thế “nợ chồng nợ”.
Chia sẻ quan điểm này, Jane Tully, người đứng đầu Money Advice Trust, cho rằng, xu hướng giảm ổn định số lượng những người không trả được nợ hiện tại là tin tức đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý về những gì sắp xảy đến. Nợ của các hộ gia đình tại Anh được dự báo sẽ vượt mức đỉnh từng ghi nhận (169% thu nhập của các hộ gia đình) vào năm 2020, cùng với các khoản vay không đảm bảo dự kiến sẽ chạm ngưỡng 48 tỷ bảng (74,7 tỷ USD), cao hơn so với dự kiến của Văn phòng ngân sách Anh đưa ra hồi tháng 3 vừa qua.
Bên cạnh đó, mức tăng lương thực tế mới chỉ bắt đầu quay trở lại Anh, nhiều hộ gia đình vẫn dễ tổn thương trước việc tăng lãi suất, đặc biệt là những người có tỷ lệ nợ thế chấp/thu nhập ở mức cao.
Người tiêu dùng tiếp cận các khoản vay tín dụng, nhà đất và ô tô có thể thay đổi một khi lãi suất tăng lên. Nếu nợ và các khoản thế chấp trở nên đắt đỏ hơn sau khi lãi suất tăng, tình trạng chậm trả nợ sẽ tăng từ từ và khả năng thanh toán của người tiêu dung sẽ chịu sức ép, dẫn đến lượng đơn phá sản có thể tăng cao hơn.
Dữ liệu thống kê từ Tòa án phá sản Mỹ cho thấy, trong năm 2007 (thời điểm manh nha cuộc khủng hoảng tài chính và lãi suất của Fed ở ngưỡng khoảng 5%), đã có 751.056 người nộp đơn phá sản.
Trong năm 2008, số đơn phá sản mới tăng 28,9% lên 967.831 người. Trong giai đoạn này, Fed hạ lãi suất từ mức 3,5% hồi đầu năm 2008 xuống 0,25% vào cuối năm và duy trì mức lãi cực suất thấp này trong hơn 6 năm qua.
Số lượng đơn phá sản tiếp tục tăng 35% lên 1.306.315 người năm 2009 và đạt đỉnh 1.572.597 người năm 2010, trước khi giảm từ từ sau đó.