Nợ xấu có xu hướng tăng lên trong năm qua, nhất là ở những ngân hàng nhỏ là điều được cảnh báo. Chẳng hạn, tại MeKong Bank, nợ xấu tính đến cuối năm 2011 là 2% so với mức cuối năm 2010 chỉ 1,2%. Mục tiêu kiểm soát nợ (nhóm 3 - 5) của MeKong Bank trong năm nay là dưới 3%. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của MeKong Bank dự kiến đến cuối năm nay đạt 6.075 tỷ đồng (cuối năm 2011 là 5.286 tỷ đồng), tăng đến 114,9%.
Tương tự, tại Southern Bank, tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối năm qua là 2,32%, cao hơn 0,23% so với chỉ tiêu kế hoạch ĐHCĐ năm 2011 giao. Còn kế hoạch trong năm nay, Southern Bank đưa ra mục tiêu kiểm soát nợ xấu ở mức 2% trên tổng dư nợ.
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2011 của Navibank cũng cho thấy, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) đến cuối năm qua đã lên đến con số hơn 174 tỷ đồng so với cuối năm 2010 là trên 115 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu Navibank đến cuối năm 2011 là 2,92%.
KienLongBank khá chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, tích cực đôn đốc thu hồi nợ, thực hiện chính sách phòng ngừa rủi ro…, nhưng nợ xấu đến cuối năm 2011 vẫn chiếm tỷ 2,77% tổng dư nợ của ngân hàng này, so với cuối năm 2010 là 1,11%.
Thực tế, nợ xấu của các ngân hàng trong năm qua tăng mạnh so với năm 2010 và hiện duy trì ở mức 3,40% tổng dư nợ.
Mặt khác, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN trong năm nay được dự báo còn khó khăn hơn cả năm ngoái, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay ngân hàng. Trước nguy cơ nợ khó đòi gia tăng, các ngân hàng đang từng bước cơ cấu lại dư nợ.
ACB cho biết, trước thực trạng chất lượng tín dụng toàn ngành đi xuống, Ngân hàng đã tập trung nhiều nguồn lực cho công tác phân tích nguyên nhân và cảnh báo nguy cơ phát sinh nợ quá hạn, đồng thời thực thi quyết liệt công tác đốc thúc, xử lý thu hồi nợ. Tuy nhiên, vấn đề nợ xấu đang là mối đe dọa lớn của ngành ngân hàng nói chung và ACB nói riêng, nên dù đã nỗ lực kiểm soát, song theo lãnh đạo ACB, chất lượng tín dụng của Ngân hàng đến cuối năm 2011 có giảm sút so với đầu năm. Tính đến cuối năm 2011, tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn của ACB lần lượt là 0,85% và 1,28%.
Trả lời cổ đông về vấn đề nợ xấu tại Đại hội ngày 30/3, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB cho biết, nợ xấu của ACB chủ yếu là cho vay bất động sản, liên quan bất động sản: kinh doanh sắt thép, xi măng, văn phòng, đồ gỗ chiếm khoảng 60% nợ xấu.
Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nhận được 17% năm nay, ACB cho biết, Ngân hàng ưu tiên đẩy mạnh huy động để củng cố khả năng thanh khoản và tạo nguồn cho hoạt động tín dụng. Đặc biệt, ACB sẽ quản lý rủi ro tín dụng chặt hơn, nhằm hạn chế tối đa nợ khó đòi tăng và kiểm soát nợ từ nhóm 2 trở lên ở mức 2%, nợ nhóm 3 trở lên không vượt quá 1%.
Mặc dù tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank (VCB) trong năm qua được khống chế ở mức 2,03%, thấp hơn so với mức ĐHCĐ giao là 2,3%. Nhưng ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc VCB cho biết, trong năm 2012, Ngân hàng sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp với tăng trưởng nguồn vốn; bám sát chính sách điều hành của NHNN và tình hình thanh khoản của hệ thống để có chính sách tín dụng phù hợp, nhằm hạn chế rủi ro nợ xấu.
Cũng theo ông Thanh, trong năm nay VCB sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng và dự phòng rủi ro tín dụng. Đặc biệt, ở những khách hàng có dư nợ lớn, VCB tăng cường công tác thu hồi và xử lý nợ xấu, xây dựng lộ trình cụ thể cho từng khách hàng.
Mục tiêu đưa ra cho năm 2012, VCB xác định tốc độ tăng trưởng cho vay đối với khách hàng DN nhỏ và vừa cao hơn tốc độ tăng trưởng tổng dư nợ, đồng thời, đảm bảo chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới. Trong năm nay, VCB sẽ khống chế nợ xấu dưới 2,8% và đẩy mạnh thu hồi các khoản nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc OCB cho rằng, trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay, muốn đẩy mạnh cho vay cũng không thể thực hiện, dù ngân hàng đang thừa vốn. Nguyên nhân, các doanh nghiệp có dự án kinh doanh khả thi không có nhu cầu vốn lúc này, do sức mua thị trường giảm và áp lực lãi suất còn cao. Còn trao vốn cho những doanh nghiệp sức khỏe yếu kém và dự án kinh doanh không hiệu quả thì ngân hàng không dám.
“Nợ xấu đang có xu hướng tăng lên là cảnh báo đối với các ngân hàng trong việc kiểm soát chặt chất lượng tín dụng. Vì thế, không phải mục tiêu tín dụng nhận được năm nay thấp hơn năm trước mà các ngân hàng đã nhanh chóng sử dụng hết room”, ông Tuấn nói.
Cho phép không áp dụng lãi suất phạt với nợ được gia hạn Ngày 23/4, Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình đã ký Quyết định số 780/QĐ-NHNN về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ. Theo đó, các khoản nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá hoạt động sản xuất - kinh doanh của khách hàng có chiều hướng tích cực và có khả năng trả nợ tốt sau khi điều chỉnh nợ, gia hạn nợ… sẽ được giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại trước khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ. Với quyết định này, nhiều DN có thể tránh được nguy cơ phải trả lãi phạt do không có khả năng trả nợ đúng hạn. Đây là tin tích cực cho các DN, nhất là trong bối cảnh tiếp cận vốn khó khăn, sản xuất đình trệ. Trên thực tế, việc tái cấu trúc nợ cho các DN đã được các tổ chức tín dụng áp dụng cho không ít trường hợp từ giai đoạn trước. Tuy nhiên, Quyết định 780 là cơ sở pháp lý quan trọng để hợp thức hóa các hoạt động trên. B.S