Không ít nhân sự có kinh nghiệm và năng lực trong các CTCK đã quay lại với nghề cũ, như ngân hàng, kiểm toán, một số thì chuyển sang làm việc trong phòng tài chính, kế toán của các công ty nước ngoài hay các công ty lớn có nhu cầu tái cấu trúc và hoàn thiện hệ thống tài chính.
Tình huống hiện nay diễn ra đối với các CTCK Việt Nam cũng tương tự tình hình diễn ra ở Mỹ đối với các ngân hàng đầu tư. Do các ngân hàng đầu tư ở Mỹ đang phải cắt giảm lương và cấu trúc lại, hoạt động theo hướng phòng thủ nên nhiều nhân sự của họ mất việc hoặc bị giảm lương. Nhân tình hình đó, các quỹ đầu tư tư nhân (private-equity firm) và quỹ đầu cơ (hedge fund) đã chiêu dụ những nhân tài hàng đầu ở các ngân hàng đầu tư.
Tình hình này có thể tạo ra nguy cơ "lỗ hổng tài năng" ("talent gap", là từ mà người Mỹ đang hình dung cho mối lo thiếu hụt tài năng trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư 5 năm tới) cho lĩnh vực chứng khoán Việt Nam trong vài năm tới, khi thị trường đi vào chiều sâu. Khi đó, TTCK sẽ thiếu những chuyên gia giỏi, am hiểu và gắn bó với nghề. Liệu có khả thi và căn cơ khi ngành chứng khoán lại phải "gom góp" người từ các ngành khác bằng "chiêu" tăng lương?
"Lướt sóng nghề nghiệp"
Khi TTCK phát triển mạnh, nhân tài tụ hội vào lĩnh vực này nhằm tận dụng cơ hội lương thưởng hậu hĩnh cũng như những lợi ích đặc thù của ngành. Lực lượng này được bồi dưỡng, học hỏi kinh nghiệm rồi lại ra đi khi thị trường gặp khó khăn. Khi những người có kiến thức, kinh nghiệm, được đào tạo bài bản rủ nhau "chạy qua, chạy lại" giữa chứng khoán và các ngành khác thì TTCK khó thể rút ngắn thời gian phát triển lành mạnh, bền vững. Bởi thị trường lúc nào cũng có một lớp nhân lực mới thiếu kinh nghiệm, chưa đủ tâm huyết với nghề. Trong khi đó, TTCK ngày càng cần nhiều công cụ mới, sản phẩm mới, giải pháp mới, rất cần những chuyên gia thực sự giỏi.
Trở ngại về nhân lực đối với sự phát triển thị trường có thể chưa thấy được hết trước mắt, nhưng là rào cản phát triển lâu dài. Mà trở ngại đó đôi khi xuất phát từ tâm lý "lướt sóng trong mọi thứ" trên TTCK, từ phong cách đầu tư (hết lướt sóng chứng khoán thì lướt sóng vàng, đem vốn di chuyển liên tục giữa các thị trường) đến quyết định nghề nghiệp (nay chứng khoán, mai kiểm toán, ngân hàng) và cả từ cách thành lập CTCK. Ngay cả cách điều hành thị trường cũng phần nào mang màu sắc lướt sóng, điển hình là việc hành xử với biên độ giao dịch chứng khoán.
Thị trường cần sự ổn định
Việc TTCK xuất hiện thêm nhiều CTCK trong một thời gian ngắn đã chia sẻ nguồn nhân lực của thị trường, đồng thời gom góp nhân sự từ các nơi khác, dù có phù hợp hay không, nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt. Khi thị trường đi lên, nhân sự "nóng" quá mức, khi thị trường "nguội lại", quả bóng nhân sự "xì hơi", khiến nguồn nhân lực của TTCK thiếu tính ổn định.
Ổn định ở đây là không tuyển ào ạt, không giành giật, mà tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực quản lý. Nhiều ngân hàng, công ty trong nước và nước ngoài đều đã có chương trình như vậy, nhưng chúng ta ít được nghe đến chuyện đào tạo nhân sự của CTCK, trong khi lại nghe thấy không ít chuyện người của CTCK lạm dụng tài khoản khách hàng hay chuyện người trong CTCK kiếm được nhiều tiền hay ít tiền. Sự ổn định nhân sự chứng khoán, suy cho cùng, bắt nguồn từ việc làm sao để lĩnh vực chứng khoán không liên tục "nóng", "lạnh" quá mức, tạo ra những bong bóng thị trường rồi chuyển qua bong bóng nhân lực. Cơ quan quản lý thị trường và các doanh nghiệp trong ngành chứng khoán, cùng các tổ chức đào tạo về chứng khoán cần phải hợp sức trong vấn đề này. Bởi không ít người nhắm tới sự tăng trưởng nóng, làm giàu nhanh khi bước vào lĩnh vực chứng khoán.