Thực tế, nếu tính trong 10 năm gần đây, thì mức tăng 0,54% của tháng 5 năm nay là khá cao, chỉ thấp hơn mức tăng 0,8%; 3,91% và 2,21% của tương ứng tháng 5 các năm 2007, 2008, 2011 - là những năm Việt Nam có lạm phát rất cao.
CPI tháng 5/2016 tăng cao phần lớn do giá lương thực, thực phẩm, đặc biệt là giá xăng dầu, giá dịch vụ bảo hiểm y tế đã tăng cao hơn so với trước. Chỉ riêng việc giá xăng tăng 2 lần vào ngày 20/4 và 5/5 đã dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 5,15% so với tháng trước, khiến CPI chung tăng khoảng 0,21%.
Vấn đề nằm ở chỗ, những yếu tố tác động tới việc tăng giá cả hàng hóa vẫn còn tiềm ẩn. Trước hết, giá dầu có khả năng tăng lên, tác động tới giá cả nhiều loại hàng hóa trên thị trường.
Giá dầu thô đã giảm từ trên 100 USD/thùng vào năm 2014 xuống 30 USD/thùng cuối năm 2015 và 28 USD/thùng vào tháng 1/2016. Giá dầu thấp là một nguyên nhân quan trọng khiến lạm phát năm 2015 của Việt Nam ở mức rất thấp. Tuy nhiên, từ tháng 2/2016 trở lại đây, giá dầu thô đã tăng liên tục và hiện tiến sát mốc 50 USD/thùng. Nhiều dự báo cho rằng, giá dầu có thể tăng lên trên 50 USD/thùng trong thời gian tới.
“Giá dầu thô tăng sẽ tác động làm tăng giá hầu hết các vật tư, nguyên liệu. Đặc biệt, đối với nước ta đang phải nhập khẩu khoảng 85% nguyên, nhiên liệu, vật tư, thiết bị cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh, thì việc giá dầu thô tăng trở lại sẽ tác động đẩy chi phí, giá thành sản xuất tăng lên, gây áp lực tăng mặt bằng giá đầu ra”, tháng trước, khi báo cáo tình hình kinh tế - xã hội trước Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh như vậy.
“Bình quân giá dầu năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái, nhưng vì chiều hướng đang lên nên chu kỳ điều chỉnh giá tăng sẽ nhiều hơn, dịch vụ công, điện, chi phí BOT, chi phí đẩy lớn lắm”, một chuyên gia kinh tế bình luận và cho rằng, biên độ điều chỉnh giá các dịch vụ công ở Việt Nam, cũng như giá các mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường sẽ tác động lớn tới lạm phát năm nay.
Những bất thường về thời tiết, khí hậu làm thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp, gây thiếu hụt về nguồn cung gạo xuất khẩu và nhu cầu thị trường trong nước, cũng được cho là sẽ tác động tới CPI.
Bình quân giá dầu năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái, nhưng vì chiều hướng đang lên nên chu kỳ điều chỉnh giá tăng sẽ nhiều hơn, dịch vụ công, điện, chi phí BOT, chi phí đẩy lớn lắm.
Tuy vậy, không ít quan điểm cho rằng, không nên quá lo lắng về lạm phát năm 2016, bởi xét cả các yếu tố cầu kéo, chi phí đẩy, tiền tệ…, thì lạm phát năm nay khó có thể ở mức quá cao và không thể gây sốc cho nền kinh tế. Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) dựa trên xu hướng tăng CPI những tháng vừa qua để dự báo rằng, lạm phát năm nay sẽ vào khoảng 4-5%, vẫn trong mục tiêu điều hành của Chính phủ.
Song lời cảnh báo nguy cơ lạm phát cao để cẩn trọng trong điều hành không bao giờ thừa. Báo cáo Chính phủ từ tháng trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhấn mạnh xu hướng lạm phát đang có “dấu hiệu tăng lên” và có khả năng vượt qua mục tiêu 5% mà Chính phủ và Quốc hội đề ra. “Nhiều yếu tố cả đầu vào và tổng cầu sẽ gây áp lực tăng giá trong thời gian tới”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phân tích như vậy.
Tháng trước, lạm phát - theo cách tính của Việt Nam (so với tháng 12 năm trước) - mới chỉ là 1,33%, còn tháng này thì đã tăng lên 1,88%. Còn nếu tính bình quân - tức là lạm phát tính theo thông lệ quốc tế mà Tổng cục Thống kê đang khuyến nghị Việt Nam thực hiện theo cách này, thì 4 tháng đầu năm là 1,41%; còn 5 tháng đầu năm là 1,59%.
Trong bối cảnh như vậy, khi các chính sách tài khóa, tiền tệ trong những tháng tới phần nào nơi lỏng để phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%, thì cũng sẽ tác động tới lạm phát cả năm.