Nguy cơ khủng hoảng nhân lực du lịch

0:00 / 0:00
0:00
Nhân lực ngành du lịch vốn đã yếu và thiếu, nay lại đối mặt nguy cơ khủng hoảng trầm trọng, bởi sau khi buộc phải tìm nghề khác để mưu sinh, nhiều người không còn muốn trở lại nghề.
Những nhân sự giàu kinh nghiệm trong ngành du lịch đều có tri thức, rất năng động, sáng tạo và thích ứng nhanh với hoàn cảnh, nên dễ thành công ở những lĩnh vực khác.

Những nhân sự giàu kinh nghiệm trong ngành du lịch đều có tri thức, rất năng động, sáng tạo và thích ứng nhanh với hoàn cảnh, nên dễ thành công ở những lĩnh vực khác.

Chưa mặn mà trở lại

Việt Nam có hơn 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, chưa kể lực lượng lao động ở những mảng có liên quan. Khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) cho thấy, tình trạng nhân viên nghỉ việc tại các công ty du lịch tăng cao. Trong số doanh nghiệp tham gia khảo sát, 18% doanh nghiệp đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho 50 - 80% nhân viên nghỉ việc và 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với số người lao động bị mất việc.

Tại Hà Nội, có hơn 30.000 lao động mất việc, thiếu việc làm do Covid-19, chủ yếu thuộc các ngành du lịch, dịch vụ, dệt may... Ở Đà Nẵng, mức độ trầm trọng hơn với khoảng 44.000 lao động bị ngừng hoặc nghỉ việc. Theo khảo sát của Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, rất nhiều nhân viên ngành du lịch đã chuyển sang chạy Grab, xe ôm, phục vụ quán ăn, bán hàng online…

Từng có thâm niên 12 năm trong ngành du lịch, phục vụ buồng phòng cho khách sạn 3 sao tại Hà Nội, nhưng chị Lê Thị Hải cũng phải từ bỏ công việc. Sau đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất, chị đã cố bám trụ dù lương chỉ còn 4 triệu đồng/tháng, bằng 1/3 so với trước đây. Nhưng, tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, thu nhập không đủ trang trải cho gia đình, nên dù rất tiếc, chị cũng đành xin nghỉ. Hiện chị cùng em gái ở nhà bán quần áo online theo hình thức livestream, mỗi tháng thu nhập khoảng 10 - 12 triệu đồng.

Anh Lê Hoàng, một hướng dẫn viên du lịch quốc tế tại Hà Nội đã chuyển sang làm môi giới bất động sản từ đầu tháng 5 chia sẻ: “Thu nhập của tôi khá hơn trước rất nhiều, vì hầu như tháng nào tôi cũng bán được căn hộ. Vừa rồi, công ty cũ gọi điện mời tôi trở lại làm việc, nhưng tôi từ chối, vì Covid-19 vẫn chưa được đẩy lùi trên thế giới và tôi cũng khá hài lòng với công việc cũng như mức thu nhập hiện tại”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề nhân sự ngành du lịch, ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel cho biết, những nhân sự giàu kinh nghiệm trong ngành du lịch đều có tri thức, rất năng động, sáng tạo và thích ứng nhanh với hoàn cảnh, nên dễ thành công ở những lĩnh vực khác.

“Giai đoạn hiện nay cũng như sau khi Covid-19 được kiểm soát, du lịch chưa thể phục hồi ngay, mức thù lao mà các công ty du lịch có thể chi trả cho người lao động không đảm bảo cuộc sống của họ. Nguy cơ dịch tái bùng phát cũng luôn thường trực, nên nhiều lao động du lịch vẫn chưa mặn mà trở lại”, ông Đạt phân tích.

Đó cũng là lý do rất nhiều khách sạn ở Đà Nẵng chuẩn bị mở cửa trở lại rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”, vì nhân viên đã có việc mới và từ chối quay lại làm việc.

Đào tạo phải gắn với thực tiễn

Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành du lịch, ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel nhận định, khi Covid-19 được khống chế, du lịch sẽ bật dậy rất nhanh sau thời gian dài bị dồn nén. Nhưng lúc đó, nhân lực du lịch có thể đã “ấm chỗ” với những công việc khác và không thiết tha quay lại, khiến ngành kinh tế xanh có nguy cơ thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng.

Trước thực trạng nguồn cung nhân lực du lịch lữ hành ngày càng khan hiếm, ông Tài cho rằng, giải pháp giúp cải thiện vấn đề này trong ngắn hạn là tổ chức những khoá học du lịch lữ hành thực tế. Trong đó, tập trung đào tạo kỹ năng hành nghề cho từng vị trí cụ thể như sale tour, điều hành, tiếp thị… để học viên có thể đảm nhiệm được các công việc khác nhau trong công ty lữ hành.

Ở mảng khách sạn, điểm yếu của ngành du lịch là nhân sự còn thiếu và yếu, năng suất lao động chưa cao. Nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động ngành du lịch và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã xây dựng chương trình Giải pháp cấp bách cung ứng nguồn nhân lực chất lượng quốc tế cho ngành quản trị khách sạn Việt Nam.

Theo đó, Hiệp hội sẽ xây dựng và phát triển chương trình đào tạo ngắn hạn đạt chuẩn quốc tế để làm giải pháp ứng cứu, chuyển hóa hiệu quả cho sự mất cân bằng giữa lực lượng lao động đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng… chưa có việc làm, hoặc làm việc không phù hợp, chuyển đổi để bù đắp sự thiếu hụt nhân lực chất lượng quốc tế từ các khách sạn tiêu chuẩn 4 - 5 sao.

Theo các chuyên gia, công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong thời kỳ khủng hoảng và hậu khủng hoảng do đại dịch rất cần được chú trọng. “Đào tạo nhân lực du lịch phải gắn chặt với thực tiễn; sử dụng công nghệ thông tin để đào tạo trực tuyến, từ xa, đào tạo nâng cao với các kỹ năng thực tế ảo… Từ đó, giúp sinh viên sớm tiếp cận yêu cầu cụ thể của công việc; rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam”, ông Tài nhấn mạnh.

Tin bài liên quan