Nguy cơ "gãy cánh" nhiều hãng bay

Nguy cơ "gãy cánh" nhiều hãng bay

0:00 / 0:00
0:00
Liên tục không đáp ứng điều kiện kinh doanh trong thời gian dài, ít nhất 2 hãng bay vận chuyển hàng không chung đang phải đối diện nguy cơ bị thu hồi giấy phép.

Thẻ đỏ

Việc phải sớm dừng cuộc chơi tại thị trường hàng không đối với Công ty cổ phần Hàng không Bầu trời xanh đã không còn là nguy cơ nếu chiểu theo chỉ đạo mới đây của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) với Cục Hàng không Việt Nam, liên quan khả năng đáp ứng điều kiện kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung của các hãng hàng không.

Tại Công văn số 9780/BGTVT - VT ngày 29/9, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT đã đồng ý về nguyên tắc việc thu hồi giấy phép kinh doanh hàng không chung của Công ty Hàng không Bầu trời xanh theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam và giao cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành triển khai việc thu hồi giấy phép theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài Công ty Hàng không Bầu trời xanh, một hãng hàng không khác cũng đang cận kề nguy cơ bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không chung là Công ty cổ phần dịch vụ Globaltrans Air.

Trong Công văn số 9780, Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam căn cứ Thông tư số 85/2015/TT-BGTVT ngày 31/12/2015 của Bộ GTVT quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải hàng không, theo dõi, ban hành khuyến cáo về việc đáp ứng đủ điều kiện duy trì giấy phép kinh doanh hàng không chung và báo cáo Bộ GTVT trong trường hợp Công ty cổ phần dịch vụ Globaltrans Air không đủ điều kiện duy trì giấy phép.

Cuối tháng 8/2020, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT kết quả rà soát giấy phép của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không Việt Nam.

Tính đến nay, cả nước có 6 doanh nghiệp đã được cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung, trong đó có 4 đơn vị đang hoạt động và đáp ứng các điều kiện của giấy phép gồm: Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt, Công ty cổ phần Hàng không Hành tinh xanh, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam và Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu.

Đối với trường hợp cận kề “thẻ đỏ” của Công ty cổ phần dịch vụ Globaltrans Air, Cục Hàng không Việt Nam cho biết là nhà đầu tư này được Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không chung số 01/2018/GP - GTVT ngày 17/4/2018. Hiện tại, Công ty chưa có hoạt động khai thác và chưa được Cục Hàng không Việt Nam cấp Chứng chỉ nhà khai thác - AOC.

Theo quy định tại khoản 9, Điều 1, Nghị định số 89/2019/NĐ - CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP về kinh doanh vận chuyển hàng không, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh hàng không chung nếu trong vòng 3 năm chưa có hoạt động khai thác và chưa được cấp AOC. Theo quy định, đến ngày 17/4/2021, tức là khoảng 6 tháng nữa, nếu Globaltrans Air không được cấp AOC thì sẽ bị thu hồi.

Trong khi đó, Công ty Hàng không Bầu trời xanh thuộc trường hợp hủy bỏ giấy phép kinh doanh hàng không chung, do sau 10 năm kể từ khi được cấp phép, doanh nghiệp này chưa được Cục Hàng không Việt Nam cấp Chứng chỉ nhà khai thác.

Thị trường hẹp và khó

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, ngay trong tuần này, cơ quan quản lý sẽ triển khai sớm chỉ đạo của Bộ GTVT đối với việc thu hồi giấy phép của Công ty Hàng không Bầu trời xanh.

“Đơn vị này đã không liên lạc với chúng tôi từ khá lâu. Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã tạo điều kiện hết mức để Hãng giữ giấy phép, nhưng đến thời điểm này thì cần phải thực hiện đúng quy định để làm gương, nhắc nhở các hãng hàng không khác”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam trao đổi.

Trên thực tế, hiện có rất ít thông tin về Công ty Hàng không Bầu trời xanh ngoài một vài dòng vắn tắt trong hồ sơ đăng ký kinh doanh.

Đối với trường hợp của Globaltrans Air, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong thời gian từ nay đến tháng 4/2021, Cục sẽ theo dõi, nhắc nhở nhà đầu tư thực hiện đúng quy định trong giấy phép.

Trong đơn xin cấp phép kinh doanh hàng không chung vào tháng 11/2014, Globaltrans Air có các cổ đông sáng lập đều là người Việt Nam, vốn điều lệ 100 tỷ đồng, đáp ứng quy định về vốn tối thiểu trong ngành hàng không. Phương án công ty đưa ra là trong giai đoạn 2014 - 2015 sẽ mua 2 máy bay BeechCraft KingAir B200 bằng nguồn vốn của Công ty và bảo lãnh ngân hàng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Globaltrans Air vẫn chưa hoàn tất thủ tục xin cấp AOC - điều kiện quan trọng nhất để vận hành tàu bay.

Được biết, theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, định nghĩa hàng không chung chỉ hoạt động sử dụng tàu bay để thực hiện các chuyến bay trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng và các lĩnh vực kinh tế khác, phục vụ tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu, cứu hộ, y tế, nghiên cứu khoa học, văn hóa, thể thao, đào tạo, huấn luyện, bay hiệu chuẩn, đo đạc, chụp ảnh, quay phim, bay phục vụ nhu cầu cá nhân và các hoạt động bay dân dụng khác không nhằm mục đích vận chuyển công cộng hành khách, hành lý, hàng hoá, bưu phẩm...

“Đây là thị trường khá chuyên biệt và đang còn nhiều khó khăn, đặc biệt là việc xin phép bay tầm thấp từ Bộ Quốc phòng khiến các đơn vị kinh doanh vận chuyển hàng không chung rất khó khăn triển khai kinh doanh theo đúng kế hoạch”, ông Cường thừa nhận.

Tin bài liên quan