Nguy cơ bị phạt cổ tức, ngân hàng dồn dập xóa nợ tại VAMC

Nguy cơ bị phạt cổ tức, ngân hàng dồn dập xóa nợ tại VAMC

Rất có thể, từ năm 2020, các ngân hàng còn nợ xấu gửi tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ bị cấm chia cổ tức. Đây được cọi là một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng ồ ạt mua lại nợ xấu gửi tại “kho” VAMC trước thời hạn.

Chạy đua nhận nợ từ “kho” VAMC

Cuối tuần qua, Agribank trở thành ngân hàng thứ 10 thông báo đã hoàn thành việc mua lại trước hạn 100% các khoản nợ đã bán cho VAMC. Trước Agribank, VPBank cũng cho biết, đã mua lại toàn bộ nợ xấu gửi tại “kho” VAMC, đồng thời tích lập dự phòng 45% cho số nợ này. Trước đó, 8 ngân hàng là Vietcombank, VIB, Techcombank, TPBank, MB, OCB, Nam A Bank và Kienlongbank đã hoàn tất xử lý nợ xấu. Một số ngân hàng khác như BIDV, Eximbank… cũng lên kế hoạch sạch nợ tại VAMC năm nay.

Thành lập năm 2013, VAMC bắt đầu cấp tập mua nợ trong năm 2015-2016. Tuy nhiên, số lượng nợ xấu mà VAMC xử lý được không nhiều. Về cơ bản, VAMC chỉ là “kho” giữ nợ tạm thời trong 5 năm, sau đó các ngân hàng phải nhận về. Cuối năm 2019, đầu năm 2020 là thời điểm nhiều khoản nợ bán cho VAMC đã đến hạn 5 năm. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi các ngân hàng dồn dập mua về nợ xấu gửi tại VAMC.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng, dù chỉ là nơi giữ nợ tạm thời, song VAMC có ý nghĩa rất lớn với các ngân hang. Nhờ nợ ngoại bảng được gửi tại VAMC, các ngân hàng đã có thời gian phục hồi sức khỏe, có nguồn lợi nhuận để từ đó quay lại xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, VAMC chỉ là giải pháp tạm thời, một khi các ngân hàng đã qua tình trạng “nguy kịch”, việc đưa nợ xấu về một sổ duy nhất để quản lý là cần thiết.

Được biết, kế hoạch đưa nợ xấu từ tình trạng hai sổ về một sổ thống nhất đã được các ngân hàng đề ra từ nhiều năm. Theo đó, tùy vào kết quả kinh doanh, khả năng tài chính của mình mà mỗi năm, các ngân hàng đều trích một phần lợi nhuận để mua về nợ xấu từ VAMC. Đơn cử, năm 2019, TPBank đã phải chi 756,5 tỷ đồng mua toàn bộ nợ xấu gửi tại VAMC, cùng với khoản trích lập dự phòng bổ sung hơn 400 tỷ đồng.

Hay VPBank cũng phải “ăn dè hà tiện”, không dám đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2019 quá cao cũng chỉ vì ưu tiên mục tiêu xử lý toàn bộ nợ xấu tại VAMC. Tỷ lệ nợ xấu của VPBank (bao gồm nợ ngoại bảng) đã giảm từ mức 5,73% tại quý III/2018 còn 2,84% vào quý III/2019.

Việc ngân hàng chạy đua mua nợ tại VAMC không chỉ do thời hạn 5 năm sắp kết thúc, mà còn là để tránh nguy cơ  nhận “án phạt” từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo đó, theo dự thảo quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC thay thế cho Thông tư 19/2013/TT-NHNN, NHNN bổ sung quy định: “Các tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt không chia cổ tức bằng tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán”.

Trên thực tế, một số ngân hàng có dư nợ trái phiếu đặc biệt lớn tại VAMC cũng không được chia cổ tức tiền mặt. Tại Đại hội đồng cổ đông SHB diễn ra đầu năm nay, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB - ngân hàng sở hữu nhiều khoản nợ xấu liên quan đến Vinashin, nhận lại từ Habubank - cho biết, NHNN có quy định, những tổ chức tín dụng có trái phiếu tại VAMC trên 5 năm sẽ không được chia cổ tức.  

Lợi nhuận, cổ tức sẽ bứt phá năm 2020

Dù việc mua lại nợ xấu từ VAMC sẽ khiến các ngân hàng phải hy sinh một khoản lợi nhuận không nhỏ, song xử lý nợ xấu tại “kho” VAMC cũng sẽ giúp các ngân hàng giảm bớt khoản chi phí dự phòng lên tới 20% mỗi năm cho số nợ này trong thời gian tới.

Quan trọng nhất, theo TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia ngân hàng, việc xử lý dứt điểm nợ xấu tại VAMC sẽ giúp các ngân hàng chủ động hơn trong xử lý nợ xấu, tự chủ kế hoạch kinh doanh và có thể tăng trưởng bứt phá giai đoạn tới.

Kết quả kinh doanh của một số ngân hàng hoàn tất xử lý nợ tại VAMC thời gian qua hết sức khả quan. Chẳng hạn, cuối năm 2016, Vietcombank công bố sạch nợ tại VAMC, lợi nhuận lúc đó là 8.200 tỷ đồng. Chỉ sau 1 năm, lợi nhuận của ngân hàng này đã đạt 11.000 tỷ đồng. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận Vietcombank đã đạt hơn 17.600 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2016 và dự kiến có thể đạt gần 1 tỷ USD cuối năm 2019.

Tương tự, tại VIB, sau một năm hoàn tất mua nợ tại VAMC, lợi nhuận cũng tăng gấp rưỡi. Rõ ràng, đưa nợ xấu gửi tại VAMC về ngân hàng không chỉ giúp số liệu nợ xấu được phản ánh một cách chính xác, mà còn giúp ngân hàng có thêm động lực xử lý nợ xấu, tạo tiền đề tăng trưởng những năm sau. 

Việc hoàn tất xử lý nợ xấu tại VAMC, như đã nói, còn giúp các nhà băng thoát “án phạt” về cổ tức của NHNN - có thể ban hành năm 2020, đồng thời giúp lãnh đạo các nhà băng “ghi điểm” với cổ đông khi mùa đại hội cổ đông thường niên chuẩn bị bắt đầu vào năm tới.

Với những kết quả xử lý nợ xấu tích cực hiện nay, TS. Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế cho rằng: “VAMC và các ngân hàng đã có tiếng nói chung trong xử lý nợ xấu và đang tích cực xử lý nợ xấu. Tôi tin rằng, từ nay đến cuối năm, nợ xấu toàn hệ thống sẽ về dưới 3%”.

Tin bài liên quan