Chỉ báo MA 200
Vào ngày thứ Hai “đen tối” năm 1987, chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ giảm 508 điểm, xuống 1.738,74 điểm, mất 22,6% giá trị. Trong khi các nhà đầu tư lỗ lớn, thì ông Paul Tudor Jones lại kiếm được hơn 100 triệu USD chỉ trong 1 ngày, nhờ dự đoán chính xác xu hướng thị trường và thực hiện bán khống.
Ông Paul Tudor Jones đã sử dụng chỉ báo gì để dự đoán sự đảo chiều của xu hướng thị trường và nhà đầu tư tại Việt Nam liệu có thể áp dụng? Nhà đầu tư huyền thoại này khi đó chia sẻ, ông đã sử dụng chỉ báo xu hướng dài hạn là đường trung bình di động 200 ngày (MA 200).
“Số liệu tôi nhìn vào là đường MA 200 của giá đóng cửa. Nếu sử dụng MA 200 làm thước đo, ta sẽ biết khi nào thoát ra”, ông Paul Tudor Jones nói.
Chỉ báo MA xác định xu hướng của thị trường chứng khoán, hoặc của cổ phiếu, khi thể hiện giá đang mạnh lên hay yếu đi so với trung bình các phiên trước đó. Với chỉ báo MA 200, giá nằm trên đường này có nghĩa thị trường đang ở trong xu hướng tăng dài hạn. Trong xu hướng tích cực, MA 200 là ngưỡng hỗ trợ “cứng”, thị trường khó có thể giảm mạnh để xuyên xuống dưới mức đó. Ngược lại, khi giá ở dưới đường MA 200, thị trường đang ở trong xu hướng giảm dài hạn.
VN-Index vượt kháng cự
Theo giới phân tích kỹ thuật, quan sát đường MA 200 giúp nhà đầu tư có thể chọn lọc những cổ phiếu có xu hướng tăng trưởng tốt. Khi thị trường hay cổ phiếu riêng lẻ vượt lên trên MA 200, đó chính là một trong những dấu hiệu cho thấy xu hướng tăng dài hạn bắt đầu.
Hiện tại, giá của hơn 100 cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt đường MA 200. Đối với VN-Index, chỉ số này sau nhiều tháng nằm dưới đường MA 200 đã bắt đầu “gặp nhau” trong tuần qua và chính thức vượt lên trên vào phiên cuối tuần, báo hiệu thị trường có thể bước vào xu hướng tăng dài hạn.
MA 200 là chỉ báo quan trọng cho xu hướng dài hạn của VN-Index. |
Xét xu hướng ngắn hạn, VN-Index cũng đã vượt ngưỡng cản MA 200 ở 1.080 điểm, sau các nhịp điều chỉnh, tích lũy để củng cố “nội lực”, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Trong các phiên giao dịch giữa tuần qua, thanh khoản gia tăng, nhưng chỉ số lại tăng giảm đan xen dưới ngưỡng cản; giá trị giao dịch lần lượt là 16.400 tỷ đồng, 15.800 tỷ đồng và gần 14.000 tỷ đồng, ở mức cao so với nhiều phiên trước đó. Đến phiên cuối tuần (2/6/2023),
VN-Index vọt lên trên 1.090 điểm, thanh khoản cũng bật tăng với giá trị giao dịch hơn 18.000 tỷ đồng.
Diễn biến trên phù hợp với lý thuyết kỹ thuật rằng, để thị trường duy trì xu hướng “khỏe”, giá cần song hành với thanh khoản. Có nghĩa là, thanh khoản tăng thì điểm số cần tăng mạnh.
VN-Index đã vượt ngưỡng kháng cự 1.080 điểm kể từ nhịp hồi phục sau khi chạm đáy ngắn hạn giữa tháng 11/2022. Nhìn lại lịch khoảng thời gian trước đó, sau khi trải qua thị trường “con gấu” đầu năm 2020 (thị trường lao dốc vì dịch Covid-19 xảy ra), VN-Index có một thời gian điều chỉnh quanh đường MA 200 mới có thể vượt lên trên, bắt đầu xu hướng tăng dài hạn trở lại. VN-Index điều chỉnh dưới đường MA 200 đến 3 lần mới chính thức vượt được ngưỡng kháng cự.