Ngưỡng 1.200 điểm được củng cố

Ngưỡng 1.200 điểm được củng cố

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index bước vào kỳ nghỉ lễ trong sắc xanh, khi lấy lại được ngưỡng 1.200 điểm, làm dịu đi tâm lý căng thẳng của giới đầu tư.

Chỉ số dần hồi phục

Kết thúc phiên giao dịch tuần cuối tháng 4/2024, VN-Index đóng cửa trong sắc xanh tại 1.209,52 điểm và ghi nhận một tuần tăng điểm tương đối tốt. Chỉ số tăng 2,95%, nhưng vẫn chưa lấy lại điểm số đã mất ở tuần liền trước với mức giảm lên đến 7,78%.

Tuần giao dịch vừa qua mang tính chất hồi phục kỹ thuật của thị trường chung, sau nhịp giảm mạnh và sâu trước đó. Thanh khoản sụt giảm, xác nhận nhịp hồi phục mang tính kỹ thuật, khi giá trị giao dịch trung bình chỉ xoay quanh 16.000 tỷ đồng/phiên, giảm hơn 40% so với tuần giao dịch liền trước. Với tính chất hồi phục kỹ thuật, rủi ro ngắn hạn vẫn hiện hữu khi VN-Index đã xuyên thủng một số ngưỡng hỗ trợ mạnh, có thể cần nhiều thời gian hơn để lấy lại sự cân bằng và quay lại xu hướng tăng.

Thống kê theo ngành, viễn thông, công nghệ thông tin và bán lẻ là các nhóm ngành hồi phục mạnh nhất trong tuần qua, với các cổ phiếu nổi bật như FPT, CTR, VGI, MWG, FRT. Ngược lại, bất động sản, hàng - dịch vụ công nghiệp, điện - nước, xăng dầu - khí đốt duy trì xu hướng giảm.

Khối nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng, nhưng giá trị thu hẹp, xuống gần 400 tỷ đồng (tập trung vào FUEVFVND, VHM và HDB), phản ánh xu hướng rút vốn đang giảm dần.

VN-Index bước vào kỳ nghỉ lễ trong sắc xanh, làm dịu đi tâm lý căng thẳng của giới đầu tư. Theo đó, một số rủi ro ngắn hạn giảm dần như tỷ giá, hỗ trợ cho nhịp hồi phục. Tuy vậy, hệ thống KRX chưa được đưa vào vận hành như kỳ vọng, hay tỷ giá vẫn là yếu tố đáng lưu tâm. Dự báo, VN-Index sẽ diễn biến giằng co, tích lũy trong vùng 1.150 - 1.250 điểm.

Giá hàng hóa phục hồi

Trong giai đoạn gần đây, thị trường chứng kiến sự phục hồi của nhóm sản phẩm nguyên liệu thô, với kỳ vọng về ngành sản xuất thế giới sẽ khởi sắc trong thời gian tới và một số tín hiệu vĩ mô tích cực xuất hiện ở các nền kinh tế lớn.

Giá hàng hóa có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp có chi phí đầu vào phụ thuộc vào các nguyên liệu nhập khẩu như ngành thép, dệt may, nhựa… Tuy nhiên, một số doanh nghiệp được hưởng lợi từ diễn biến tăng giá hàng hóa, khi đầu ra của các doanh nghiệp này là nguyên liệu phục vụ cho các ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi.

Trong số các loại hàng hóa tăng giá mạnh kể từ đầu năm 2024 có nhóm ngành cao su tự nhiên, khi giá cao su trên Sàn giao dịch Tokyo tăng gần 15%, trở lại mức nền cao của năm 2021. Với xu hướng giá cao su thế giới hiện tại, các doanh nghiệp cao su Việt Nam có thể được hưởng lợi khi tỷ trọng xuất khẩu của ngành cao su tương đối lớn. Sau giai đoạn sụt giảm về mặt kết quả kinh doanh, lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp cao su có khả năng phục hồi trong thời gian tới.

Hoạt động sản xuất các thiết bị điện tử cũng có triển vọng sáng, khi các nhà máy linh kiện ở Đài Loan (Trung Quốc) đang trong giai đoạn khôi phục sau trận động đất lớn vừa qua. Mặc dù nhu cầu phốt pho gần đây suy giảm, nhưng diễn biến giá có chiều hướng tích cực khi đã tạo nền và bắt đầu tăng. Khi hoạt động sản xuất linh kiện điện tử trở lại như trước, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu phốt pho Việt Nam có thể được hưởng lợi.

Tin bài liên quan