Trong những tháng cuối năm, dịch bệnh Covid-19 sẽ còn ảnh hưởng tới nguồn thu từ dịch vụ các ngân hàng.

Trong những tháng cuối năm, dịch bệnh Covid-19 sẽ còn ảnh hưởng tới nguồn thu từ dịch vụ các ngân hàng.

Nguồn thu dịch vụ nhiều ngân hàng giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu như các năm trước, nguồn thu dịch vụ đóng góp tích cực vào tổng lợi nhuận của ngân hàng, thì nửa đầu năm nay, tỷ trọng đóng góp sụt giảm vì dịch Covid-19. Dù vậy, sự sụt giảm này không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận các ngân hàng.

Thu từ dịch vụ giảm

Tín dụng tăng trưởng chậm trong quý đầu năm và hoạt động tín dụng bị ngưng trệ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã phần nào tác động lên nguồn thu từ dịch vụ của nhiều ngân hàng.

Tại SeABank, trong quý II/2020, một số hoạt động chính của Ngân hàng cho kết quả sụt giảm so với các hoạt động khác.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần và lãi từ hoạt động dịch vụ giảm lần lượt 9% và 10% so với cùng kỳ 2019, xuống tương ứng 698 tỷ đồng và 93 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nguồn thu từ các hoạt động khác tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ như lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 13 lần, lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 2,2 lần, lãi từ hoạt động khác tăng gần 3 lần…

Thêm vào đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ giảm đến 33% so với cùng kỳ, giúp lợi nhuận trước và sau thuế tăng lần lượt 39% và 23%, đạt tương ứng 360 tỷ đồng và 209 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước và sau thuế của SeABank tăng 64% và 61% so với cùng kỳ 2019, đạt tương ứng 669 tỷ đồng và 518 tỷ đồng.

Với ACB, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020, Ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi thuần 3.112 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ 2019.

Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 18% xuống mức 426 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động ngoại hối tăng 1,2 lần lên 153 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh chứng khoán chuyển từ lỗ 4 tỷ đồng của cùng kỳ sang có lãi gần 71 tỷ đồng ở kỳ này.

Ðồng thời, mảng mua bán chứng khoán đầu tư cũng lãi hơn 313 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 26,7 tỷ đồng. Dẫu vậy, lãi thuần từ hoạt động khác giảm 95%, chỉ còn gần 22 tỷ đồng.

Sau khi trừ chi phi phí hoạt động 1.767 tỷ đồng (giảm 8%), ACB lãi trước trích lập 2.334 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, việc chi phí dự phòng tăng 2 lần lên 439 tỷ đồng, khiến lãi trước thuế giảm về mức 1.894 tỷ đồng, tăng 1%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, ACB lãi thuần trước trích lập hơn 4.351 tỷ đồng, tăng 17%; chi phí dự phòng tăng 4,5 lần lên 532 tỷ đồng, kéo lãi trước thuế xuống mức 3.819 tỷ đồng, tăng 5%, tương đương hoàn thành 50% kế hoạch năm.

TPBank cho biết, kết thúc quý II/2020, ngân hàng này ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng 25% so với cùng kỳ 2019, đạt gần 1,765 tỷ đồng.

Riêng lãi thuần từ dịch vụ và mua bán chứng khoán đầu tư giảm 41% và 7% trong quý này. Nhưng với hoạt động cốt lõi và một số mảng hoạt động phi tín dụng tăng trưởng mạnh đã giúp TPBank có lợi nhuận tăng, cho dù chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 25% và 23%.

Kết quả khả quan trong quý II giúp TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2020 đạt hơn 2.034 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ 2019. So với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 4.068 tỷ đồng của năm 2020, TPBank đã thực hiện được 50% chỉ tiêu sau 6 tháng.

Saigonbank có thu nhập lãi thuần 6 tháng đầu năm nay đạt 331 tỷ đồng, tăng 4,74% so với cùng kỳ năm trước. Lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 16 tỷ đồng, giảm 20%...

Tổng thu nhập hoạt động 2 quý đầu năm của Saigonbank tăng 11,6% lên hơn 390 tỷ đồng, chi phí hoạt động tăng 9,82% lên 242,7 tỷ đồng.

Nhờ dự phòng rủi ro giảm mạnh 86% xuống mức 6 tỷ đồng, nên Saigonbank ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm nay, đạt 125 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vẫn khó trong nửa cuối năm

Sở dĩ nguồn thu ngoài lãi của các ngân hàng giảm mạnh trong nửa đầu năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh và tín dụng tăng chậm, đồng thời ngân hàng cũng giảm phí dịch vụ để hỗ trợ khách hàng mùa dịch.

Thực tế, trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; triển khai nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những chỉ đạo kịp thời về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Theo đó, NHNN đã 2 lần liên tiếp chỉ đạo các ngân hàng giảm phí dịch vụ thanh toán. Ðến nay, đã có 100% ngân hàng xác nhận thực hiện chính sách miễn, giảm phí cho khách hàng đối với giao dịch giá trị nhỏ (từ 2 triệu đồng trở xuống) và khoảng 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua giao dịch thanh toán liên ngân hàng 24/7 qua Napas được áp dụng miễn hoặc giảm phí.

Theo NHNN, ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 vào khoảng 1.004 tỷ đồng (trong đó, lần 1 là 517 tỷ đồng và lần 2 là 487 tỷ đồng).

NHNN cũng ban hành Thông tư số 04/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2013/TT-NHNN điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán liên ngân hàng qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (áp dụng từ 01/4 -31/12/2020).

Thực vậy, trong thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nguồn thu từ mảng dịch vụ của ngân hàng chịu tác động mạnh do phải giảm phí cho khách hàng.

Ðơn cử, tại Vietcombank - ngân hàng thường có nguồn thu ngoài lãi đóng góp tích cực vào tổng lợi nhuận ở mức 20-30%, nhưng trong 2 quý đầu năm nay chỉ tăng 7%.

Còn tại BIDV, ngân hàng này có thể phải bù lỗ 500 tỷ đồng tiền cước phí tin nhắn trong năm nay.

Trước tình hình khó khăn, mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã lần thứ 3 có công văn gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị giảm cước phí tin nhắn đối với dịch vụ tài chính - ngân hàng để hỗ trợ các tổ chức tín dụng (2 lần gửi công văn trước đó vào các ngày 9/4 và 17/6/2020), nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.

Hiện tại, mức giá cước tin nhắn mà doanh nghiệp viễn thông đang áp dụng đối với các ngân hàng cao gấp gần 3 lần so với tin nhắn thông thường. Vì thế, Hiệp hội để xuất mức giảm khoảng 50% so với hiện nay.

Thực tế, những năm gần đây, ngoài phí dịch vụ tăng, bancassurance là xu hướng nổi bật, gia tăng lợi nhuận đáng kể cho các nhà băng.

Thế nhưng, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên tín dụng khó tăng, các dịch vụ tài chính kèm theo sụt giảm mạnh, còn doanh thu phí bảo hiểm của ngân hàng cũng khó cải thiện.

Trong khi đó, với mục tiêu đặt ra năm nay, không ít nhà băng trông chờ vào nguồn thu từ dịch vụ. Hồi đầu năm, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HÐQT Vietcombank cho biết, dự kiến năm 2020, Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản, huy động vốn từ nền kinh tế đạt 12%, tín dụng phụ thuộc vào chỉ tiêu tín dụng của NHNN, duy trì nợ xấu dưới 0,8%.

Trong đó, nguồn thu từ mảng dịch vụ được kỳ vọng tăng không dưới 30%. Ðến năm 2025, mục tiêu lợi nhuận Vietcombank dự kiến đạt 2 tỷ USD, trong đó lợi nhuận từ bán lẻ đóng góp vào tổng lợi nhuận dự kiến là 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, kể từ dịch bệnh xuất hiện, nguồn thu ngoài lãi đã giảm. Tại ÐHCÐ thường niên 2020, Vietcombank để ngỏ mục tiêu lợi nhuận năm 2020. Kết thúc 6 tháng đầu năm, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận ở quanh mức 11.000 tỷ đồng, tương đương con số cùng kỳ 2019.

Những năm gần đây, nguồn thu ngoài lãi dù được đẩy mạnh, nhưng tín dụng vẫn đóng góp tỷ trọng nguồn thu và lợi nhuận lớn nhất cho ngân hàng.

Tuy nhiên, trước sự hoành hành của đại dịch Covid-19 như hiện nay, doanh nghiệp gặp khó vì sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng, kéo theo nhu cầu vốn giảm, dịch vụ tài chính ảm đạm. Các ngân hàng đua nhau giảm phí để giữ chân khách hàng.

Ðiều này sẽ tác động lên hoạt động kinh doanh của các nhà băng, đó là chưa kể nợ xấu có xu hướng tăng do phải tăng trích lập dự phòng.

Theo đó, bên cạnh những ngân hàng đã hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận năm 2020 như HDBank, ACB, VPBank, VIB, MB, SHB…, cũng có không ít nhà băng sụt giảm mạnh lợi nhuận khi kết thúc 2 quý đầu năm như BAC A BANK, Kienlongbank...

Ðây cũng là lý do khiến các ngân hàng phải sớm điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận cả năm với mức giảm từ 10-40% so với kế hoạch ban đầu.

Tin bài liên quan