Ảnh: Dũng Minh

Ảnh: Dũng Minh

Nguồn ngoại tệ vẫn dồi dào

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Vì mục đích riêng nên có ngân hàng vẫn đang huy động USD và theo giới chuyên gia, đây chỉ là trường hợp cá biệt, bởi hiện tại nguồn ngoại tệ trong hệ thống vẫn dồi dào…

Cầu USD tăng?

Nhân viên một chi nhánh ngân hàng T. điện thoại mời khách hàng gửi tiết kiệm với thông tin đáng chú ý: Kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng với món tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở xuống, bao gồm cả USD và VND, thì riêng món tiền USD sẽ có lãi suất tương ứng với kỳ hạn là 0,9%/năm và 0,95%/năm. Tương tự, kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng với món tiền gửi từ 5-10 tỷ đồng, trong đó có cả tiền USD và VND, thì món tiền USD có lãi suất tương ứng với kỳ hạn là 1,1%/năm và 1,55%/năm.

Trước câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán về câu chuyện trên, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Toàn quốc Khối Kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn, HSBC Việt Nam cho biết: “Không rõ có câu chuyện gì đang xảy ra tại ngân hàng này bởi cho vay ngoại tệ trên thị trường đang giảm, trong khi huy động và thanh khoản USD trên toàn hệ thống vẫn ổn định”.

Còn ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB chia sẻ: “Tăng trưởng huy động toàn ngành đang cao hơn tăng trưởng tín dụng, thanh khoản cuối năm cũng khá dồi dào, nên đặt giả thiết có ngân hàng đang huy động USD theo cấu trúc trên có lẽ chỉ là cá biệt, cho nên đưa ra kết luận lúc này sẽ không đúng bản chất vấn đề”.

Trao đổi với người viết, một cán bộ ngân hàng cho biết, quy định lãi suất huy động USD của cơ quan quản lý là 0%/năm, nên chắc chắn ngân hàng T. sẽ không ghi nhận trong sổ sách phần chi phí lãi suất này, mà sẽ chi ngoài. Thực tế, mỗi chi nhánh ngân hàng đều có một quỹ để chi lễ tân, khánh tiết…, nên nhiều khả năng các ngân hàng sẽ lấy chi phí từ quỹ này ra để chi riêng theo thỏa thuận với khách hàng.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, hiện nay, phần lớn các ngân hàng, trong đó có Ngân hàng V., đều đang áp dụng lãi suất gửi tiết kiệm USD là 0%/năm theo quy định, nhưng khách hàng có thể thế chấp sổ tiết kiệm USD để vay tiền đồng. Ví dụ, với sổ tiết kiệm ngoại tệ là 50.000 USD kỳ hạn 9-12 tháng, khách hàng có thể thế chấp để vay bằng tiền đồng, kỳ hạn tối đa là 9 tháng và số tiền 50.000 USD được nhân (x) với tỷ giá tại ngày vay và lãi suất là 5%/năm.

“Người vay vẫn phải chứng minh mục đích sử dụng vốn, nhưng nội dung này không quá quan trọng nên có thể là “trả nợ bạn bè”. Song, khoản tiền đồng được vay sẽ chuyển thẳng cho người mà mình nợ. Tất nhiên là còn một số giấy tờ, thủ tục nữa, nhưng nhân viên ngân hàng sẽ làm hết”, bà N.T.D, một khách hàng của Ngân hàng V đang sử dụng sản phẩm này chia sẻ.

Vị cán bộ ngân hàng nêu quan điểm: “Về bản chất, hình thức huy động USD với lãi suất 0%/năm rồi cầm cố sổ tiết kiệm cho vay sang tiền đồng sẽ không khác với việc ngân hàng trả lãi suất huy động USD ở mức 1,5%/năm. Đây chỉ là câu chuyện ‘nghiệp vụ’ mà thôi. Khi khách hàng có nguồn tiền USD, nhưng không muốn chuyển đứt đoạn USD sang tiền đồng mà vẫn có nhu cầu về tiền đồng, thì giải pháp gửi tiết kiệm USD lãi suất 0%/năm rồi vay ‘gián tiếp’ bằng tiền đồng lãi suất 5%/năm rõ ràng sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí hơn so với vay ‘trực tiếp’ tiền đồng với lãi suất có thể lên đến 8-9%/năm”.

Thị trường ngoại hối duy trì sự ổn định

Nhìn lại thị trường ngoại hối tháng 11/2020 cho thấy, trạng thái ổn định tiếp tục được duy trì khi tỷ giá USD/VND liên ngân hàng chủ yếu đi ngang ở mức 23.175 đồng/USD, trước khi điều chỉnh giảm khoảng 40 điểm về mức 23.135 - 23.150 đồng/USD vào thời điểm cuối tháng. Trong khi đó, tỷ giá trên thị trường tự do cũng giảm 55 đồng/USD chiều mua vào và 50 đồng/USD chiều bán ra, về quanh mức 23.200 - 23.230 đồng/USD, khiến độ chênh tỷ giá giữa 2 thị trường mở rộng lên mức khoảng 70-80 điểm.

Về tổng thể cho thấy, các yếu tố tác động, từ cung cầu ngoại tệ đến diễn biến trên thị trường quốc tế, vẫn duy trì theo hướng có lợi cho sự ổn định của thị trường ngoại hối trong nước. Cụ thể, nguồn cung ngoại tệ tiếp tục duy trì đà tích cực trong tháng 11 vừa qua. Hoạt động xuất nhập khẩu thu về thêm khoảng 600 triệu USD, nâng mức thặng dư lũy kế từ đầu năm lên mức kỷ lục là 18,8 tỷ USD. Giải ngân vốn FDI đạt khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương cùng kỳ các năm trước. Trong khi đó, nhu cầu ngoại tệ nhìn chung vẫn khá ổn định, chênh lệch cán cân cung cầu ngoại tệ đã thặng dư khoảng 1,3 tỷ USD, tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bổ sung cho dự trữ ngoại hối quốc gia.

“Nếu so với thời điểm cuối năm 2019, tiền đồng đã tăng giá nhẹ so với USD (khoảng 0,1 - 0,3%)”, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Điểm đáng chú ý là động thái giảm tỷ giá mua vào củaNgân hàng Nhà nước. Trong bối cảnh cung cầu ngoại tệ thuận lợi, dư địa giảm cho tỷ giá USD/VND đã được hỗ trợ từ động thái giảm tỷ giá mua 50 điểm của Ngân hàng Nhà nước vào tuần cuối tháng 11. Đây là động thái hợp lý của cơ quan quản lý nhằm đạt được lợi ích trên nhiều phương diện, tiết giảm chi phí mua vào khi lượng ngoại tệ bán về Ngân hàng Nhà nước có xu hướng tăng nhanh, đồng thời phát đi tín hiệu Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá một cách linh hoạt.

Bên cạnh đó là câu chuyện đồng USD tiếp tục chịu áp lực suy yếu trong tháng 11. Trên thị trường tiền tệ quốc tế, xu hướng giảm của USD vẫn tiếp diễn khi chỉ số DXY giảm gần 3% xuống mức 91,5 - thấp nhất kể từ tháng 4/2018. Tâm lý ưa thích rủi ro có xu hướng gia tăng sau khi ông Biden nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng chính thức trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và thông tin thử nghiệm vắc-xin Covid-19 từ các công ty dược phẩm đã khiến cho nhu cầu đối với các tài sản trú ẩn an toàn giảm sút, trong đó có USD. Diễn biến này giúp cho hầu hết các đồng tiền chính đều tăng giá so với USD trong tháng 11 như EUR (+2,47%), CNY (+1,66%), JPY (+0,42%), KRW (+2,02%)…

Trong tháng 12 này, các yếu tố tác động tới thị trường ngoại hối trong nước được cho rằng vẫn sẽ thuận lợi. Tỷ giá USD/VND dự kiến đi ngang ở mức 23.125 - 23.150 đồng/USD. Cung cầu ngoại tệ mặc dù dự báo có thể bớt dồi dào hơn khi nhu cầu ngoại tệ có thể gia tăng vào giai đoạn lễ tết, nhưng dự kiến vẫn sẽ duy trì ở mức thặng dư khoảng 0,5 tỷ USD.

Thông tin từ Nhóm Nghiên cứu, Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV cho biết, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đóng cửa ngày 9/12 tăng 2 điểm, lên mức 23.129 đồng/USD. Tỷ giá duy trì ổn định khi cung cầu ngoại tệ trong nước và môi trường quốc tế đều thuận lợi. Phiên ngày 10/12, tỷ giá USD/VND dao động quanh mức 23.125 - 23.140 đồng/USD và ở quanh mức 23.125 - 23.150 đồng/USD trong tuần từ ngày 7-12/12.

Trên thị trường quốc tế, tiến trình chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đang diễn ra khá thuận lợi và thông tin tích cực về thử nghiệm vắc-xin Covid-19 đã duy trì tâm lý lạc quan trên thị trường tiền tệ, tạo áp lực suy yếu lên đồng USD. Thêm vào đó, Mỹ công bố dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp thấp hơn kỳ vọng khiến cho chỉ số DXY tiếp tục lùi sâu về mức 90,7, tức giảm tới 1% chỉ trong tuần vừa qua.

Theo đó, tất cả các đồng tiền đều ghi nhận một tuần tăng giá so với USD như KWR (+2,33%), CHF (+1,84%), EUR (+1,63%), GBP (+0,89%), CNY (+0,72%) … Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số DXY đã giảm khoảng 6%, xu hướng giảm của USD có thể sẽ tiếp diễn trong năm 2021 nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ.

“Dù cầu ngoại tệ có thể cao hơn trong tháng cuối năm, nhưng tôi cho rằng tỷ giá USD/VND sẽ vẫn ổn định do áp lực giảm của USD trên thị trường quốc tế vẫn khá lớn”, ông Lê Quang Trung nhận định.

Tin bài liên quan