Nguồn lực của doanh nghiệp trông vào thời hạn 2 tháng tới

0:00 / 0:00
0:00
Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ đưa ra trong tháng 4 gần như đã điểm danh hết các vướng mắc được kiến nghị. Nếu gỡ được trong 2 tháng tới như Chính phủ giao, nguồn lực và niềm tin trong kinh doanh sẽ bật lại rất nhanh.
Doanh nghiệp mong cơ quan nhà nước hành động quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp mong cơ quan nhà nước hành động quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Những vướng mắc đều được ghi nhận

“Đã có gần như tất cả khó khăn, tồn tại mà doanh nghiệp kiến nghị liên tục thời gian qua, giờ chỉ cần gỡ được, nguồn lực rất lớn sẽ được giải phóng”, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đặt khá nhiều kỳ vọng vào Nghị quyết 58/2023/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Sự chờ đợi không chỉ bởi góc độ “gần như tất cả khó khăn” đã được điểm danh, mà vì các vướng mắc đều gắn với địa chỉ đầu mối giải quyết với nhiệm vụ và thời hạn rõ ràng.

Trong nhóm nhiệm vụ tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, có thể thấy hàng loạt công việc phải hoàn thành ngay trong quý II/2023, nghĩa là chỉ còn khoảng 2 tháng nữa.

Có thể kể tới yêu cầu Bộ Xây dựng và chính quyền các địa phương rà soát, xử lý và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc xử lý khó khăn về pháp lý, thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án bất động sản. Hay những ách tắc trong thực hiện quy định về phòng cháy, chữa cháy làm đình trệ nhiều nhà xưởng của doanh nghiệp cũng được giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công an xử lý.

Bộ Giao thông - Vận tải sẽ phải khơi thông nguồn lực cho hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, có giải pháp giảm chi phí cước vận tải biển quốc tế cho doanh nghiệp.

Cũng trong quý II/2023, Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ trình dự thảo chỉ thị thay thế Chỉ thị số 20/2017/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; đặc biệt giảm triệt để việc chồng chéo trong hoạt động thanh, kiểm tra thuế, bảo hiểm xã hội và các hoạt động kiểm tra chuyên ngành khác…

Trong nhóm giải pháp hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, trong vòng 2 tháng tới, Bộ Xây dựng phải hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quản lý dự án, quản lý chi phí, định mức xây dựng, vật liệu xây dựng, quản lý chất lượng thi công và hợp đồng xây dựng; hướng dẫn, kiểm tra các địa phương công bố giá các loại vật liệu xây dựng phổ biến trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính cũng phải báo cáo đánh giá các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và kiến nghị giải pháp tháo gỡ…

Doanh nghiệp chỉ cần hai chữ “kịp thời”

Vào thời điểm này, nếu các giải pháp được giải quyết sát thực tiễn sẽ lấy lại niềm tin rất nhanh cho doanh nghiệp, giúp họ sớm phục hồi.

Khi chia sẻ về Nghị quyết 58/2023/NQ-CP, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) rất hào hứng.

“Chính phủ đã lắng nghe “kịp thời”. Cùng với Nghị quyết 33/2023/NQ-CP về giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững được ban hành đầu tháng 3/2023, hai thông tư mới của Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành, doanh nghiệp đang nhìn thấy những chuyển động rất tích cực từ các nhóm giải pháp khá toàn diện, đồng bộ”, ông Châu phân tích.

Tuy nhiên, số lượng công việc nhiều, cùng với áp lực thời gian khiến ông Châu vẫn chưa yên tâm về tính khả thi.

Hai thông tư được nhắc đến là Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn đã chính thức có hiệu lực thi hành và Thông tư số 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11, Điều 4, Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Khi các vướng mắc này được gỡ cùng thời điểm với các quyết định giảm lãi suất của hệ thống ngân hàng, tác động tích cực mà doanh nghiệp nhận được sẽ cộng hưởng về hiệu quả. Đây là lý do khá nhiều doanh nghiệp luôn cảm thấy sốt ruột khi chia sẻ về tiến độ thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, một doanh nghiệp ở Quảng Ninh bày tỏ, mong ban soạn thảo sửa đổi các quy định của các bộ, ngành, địa phương dành thời gian đến khảo sát thực tế doanh nghiệp, thị trường, để thực sự thấu hiểu lý do doanh nghiệp khi có vướng mắc phải kiến nghị nhiều, liên tục đến vậy.

“Nếu các cơ quan soạn thảo đến các cơ sơ lưu trú du lịch vào thời điểm này, thấy cảnh đìu hiu của nhiều nhà hàng, khách sạn, thấy được số khách nhiều điểm trong tháng 3 vừa qua gần như bằng 0, thì sẽ không để kiến nghị của chúng tôi về việc bổ sung đối tượng "cơ sở lưu trú du lịch" áp dụng giá bán lẻ điện bằng với giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất lâu đến vậy…”, vị giám đốc doanh nghiệp tâm tư.

Trong Nghị quyết 58, Thủ tướng đã giao Bộ Công thương báo cáo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, nghiên cứu bổ sung đối tượng "cơ sở lưu trú du lịch" áp dụng giá bán lẻ điện bằng với giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất ngay trong quý II/2023…

Trong số các kiến nghị được điểm danh, nhiều kiến nghị đã được các doanh nghiệp kêu vài năm nay, Chính phủ cũng chỉ đạo nhiều, nhưng dường như không có kết quả. Ví dụ như yêu cầu sửa các quy định trong quy chuẩn kỹ thuật nước thải chế biến thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng công nghệ, yếu tố đặc thù của ngành và thông lệ quốc tế, đặc biệt là chỉ tiêu phospho… được các doanh nghiệp nêu lên cách đây 5 năm.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp chờ đợi chính quyền địa phương chủ động hơn trong hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm cả công việc và cả nguồn lực.

“Tôi đang tự hỏi, tại sao Quảng Ninh không tiếp tục thực hiện các chính sách miễn và giảm phí vé tham quan vịnh Hạ Long mà địa phương đã áp dụng trong giai đoạn Covid-19. Đây mới là thời điểm cần hỗ trợ doanh nghiệp để thu hút, tạo sản phẩm du lịch mới, đưa khách đến địa phương, để làm sống lại các doanh nghiệp du lịch”, ông Cung đề xuất.

Tin bài liên quan