Lượng kiều hối chảy về Việt Nam qua các ngân hàng trong 5 tháng đầu năm ra sao?
Từ đầu năm đến nay, nguồn kiều hối chảy về Việt Nam thông qua các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM là 1,7 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái và xấp xỉ bằng khoảng 35% so với cả năm 2014. Trong 5 tháng đầu năm, kiều hối đã có những chuyển biến tích cực.
Dựa theo thông lệ hàng năm, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam năm sau thường cao hơn năm trước và thực tế lượng kiều hối đạt được trong những năm vừa qua, dự kiến, cả năm 2015, lượng kiều hối chuyển về qua các ngân hàng trên địa bàn thành phố đạt 5,3 - 5,5 tỷ USD, so 5 tỷ USD năm 2014.
Cơ sở vĩ mô nào chứng minh cho việc kiều hối năm sau cao hơn năm trước?
Thường thì kiều hối phụ thuộc vào điều kiện kinh tế vĩ mô, điều kiện kinh tế nơi các kiều bào đang sinh sống cũng như điều kiện kinh tế xã hội trong nước. Những năm trước đây, điều kiện kinh tế vĩ mô và điều kiện kinh tế xã hội có những khó khăn nhất định, nhưng lượng kiều hối về Việt Nam vẫn gia tăng hàng năm từ 10% - 12%.
Vì thế, trong năm nay, khi tình hình kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu tăng trưởng, kinh tế trong nước cũng có dấu hiệu đi lên, đặc biệt là việc với thị trường bất động sản, chứng khoán dần cải thiện, sẽ là điều kiện tốt để thu hút nguồn kiều hối về Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng. Do đó, việc dự báo kiều hối sẽ gia tăng khoảng 12% - 15% trong năm nay là có cơ sở.
Kiều hối chuyển về Việt Nam chủ yếu từ các thị trường nào, thưa ông?
Nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam vẫn từ thị trường châu Âu, châu Mỹ là chính. Tuy các thị trường khác trong khu vực Asean có chuyển biến tích cực, nhưng chỉ ở mức độ nhẹ, chủ yếu là kiều hối từ các thành phần lao động xuất khẩu, mà thu nhập của họ có hạn, nên lượng tiền chuyển về khó có đột biến. Mặt khác, việc mức phí chuyển kiều hối từ các thị trường châu Mỹ, châu Âu khá cạnh tranh so với các nước trong khu vực cũng là điều kiện để thu hút nguồn kiều hối.
Lượng kiều hối chảy vào lĩnh vực bất động sản có gì thay đổi trong thời gian gần đây?
Nếu so với năm 2013, lượng kiều hối chảy vào bất động sản năm 2014 chỉ nhích nhẹ khoảng 0,5 - 0,6%. Tuy nhiên, với tình hình bất động sản đang dần ấm lên hiện nay, có khả năng lượng kiều hối chuyển vào bất động sản sẽ tăng nhiều hơn. Nếu cuối năm 2014, tỷ lệ kiều hối chuyển vào bất động sản khoảng 21,2% thì cuối năm nay, lượng kiều hối chảy vào lĩnh vực này có thể sẽ lên 23% – 24%.
Nguồn kiều hối gia tăng, song áp lực tăng tỷ giá vẫn lớn. Phải chăng do cung – cầu ngoại tệ trên thị trường vẫn tồn tại tình trạng mất cân đối, thưa ông?
Trong thời gian qua, giá USD tại các ngân hàng thương mại có tăng, giảm theo diễn biến cung - cầu trong ngày. Tuy nhiên, cung - cầu chung của ngoại tệ trên thị trường vẫn ổn định.
Việc điều hành tỷ giá của NHNN trong thời gian qua đã tạo niềm tin cho thị trường, các ngân hàng và nhất là phía doanh nghiệp để chủ động hơn trong việc sản xuất, kinh doanh khi có nhu cầu về vốn vay, thanh toán bằng USD.
Tỷ giá thời gian qua và 5 tháng đầu năm nay vẫn ổn định, kể cả sau khi NHNN điều chỉnh tăng thêm 1% biên độ mới đây, nhằm đảm bảo cung ứng nhu cầu ngoại tệ cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Ở một số thời điểm, tỷ giá có biến động, nhưng không lớn, mức tăng chỉ từ 5 – 20 đồng/USD và chủ yếu do tâm lý.
Có nhận định rằng, tỷ giá tăng đang tạo áp lực lên lãi suất tiền đồng. Ông nghĩ sao về điều này và liệu lãi suất tiết kiệm có tăng lên trong thời gian tới?
Việc một số ngân hàng nâng lãi suất tiền gửi tiết kiệm trong thời gian gần đây chủ yếu xảy ra với các kỳ hạn dài để cân đối lại nguồn tiền. Nguồn tiền gửi tiết kiệm của nhiều ngân hàng vẫn từ các kỳ hạn ngắn, trong khi chủ yếu cho vay trung, dài hạn.
Hiện dư nợ tín dụng trung, dài hạn đang có chiều hướng tăng, trong khi lãi suất cho vay trung, dài hạn thường ổn định trong năm đầu và thả nổi sau đó.
Trước bối cảnh thị trường hiện nay, các doanh nghiệp muốn ổn định mặt bằng lãi suất trung, dài hạn nên đòi hỏi phía ngân hàng phải có nguồn tiền gửi ổn định, với chi phí thấp để cho vay…
Đó cũng là lý do vì sao các ngân hàng tăng nhẹ lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài ngày trong thời gian gần đây, chứ chưa hẳn do việc tăng tỷ giá thời gian qua gây áp lực lên lãi suất tiết kiệm VND.