Cổ đông mong muốn gì khi đầu tư vào Đạm Cà Mau?
Sáng 17/8, thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ ký văn bản phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí (PVN) thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020; trong đó, PVN giảm tỷ lệ sở hữu tại Đạm Cà Mau xuống còn 51%.
Đạm Cà Mau là một trong những doanh nghiệp đầu ngành phân bón, việc bán cổ phần này khiến các nhà đầu tư quan tâm.
Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang chờ đợi cơ hội mua cổ phần, nhưng xác định giá bán là yếu tố quan trọng giúp thương vụ thành công. Giới phân tích của các công ty chứng khoán nhận định, điều mà cổ đông mong muốn và chờ đợi ở thời điểm này là một sự cam kết và đảm bảo của Chính phủ, của bộ ngành, của Tập đoàn Dầu khí là nguồn khí và giá khí hợp lý nhất áp dụng với Đạm Cà Mau, đảm bảo cho Đạm Cà Mau tiếp tục hoạt động hiệu quả như thời gian vừa qua.
Về vấn đề này, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Đạm Cà Mau, ông Lê Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, Tập đoàn đang trình Bộ Công thương áp dụng giá khí mới với Đạm Cà Mau khi thời gian điều tiết giá khí đảm bảo tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 12% với doanh nghiệp này kết thúc vào cuối năm 2018.
Mục tiêu chung của việc áp giá mới là đảm bảo tính thị trường hợp lý với doanh nghiệp, đảm bảo “sức khỏe” của Đạm Cà Mau để PVN thoái vốn và hoàn thành nghĩa vụ trả nợ công cho Nhà nước, song cũng tạo sức ép để doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực đổi mới, hoạt động hiệu quả để duy trì những thành quả đã đạt được trong suốt thời gian qua.
Chi phí phân bón hiện đang chiếm tới gần nửa giá vật tư đầu vào trong trồng trọt, canh tác, vì vậy, bà con nông dân rất cần một sự ổn định giá cả của các mặt hàng này.
Nhà máy Đạm Cà Mau sản xuất đều đặn bộ sản phẩm dinh dưỡng cho cây trồng,
Mặt khác, kể từ khi Đạm Cà Mau ra đời đã giúp Nhà nước chủ động hoàn toàn nguồn phân đạm cho sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm hàng tỷ USD nếu phải nhập từ nước ngoài.
Thực tế, chính sách ưu đãi thuế, giá khí để đảm bảo duy trì ổn định giá phân bón, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp không chỉ là mối quan tâm của người nông dân và là chính sách được nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như khu vực châu Á, trong đó có Ấn Độ, Pakistan, Indonesia… áp dụng.
Tại Pakistan, chính phủ nước này hỗ trợ người nông dân giảm giá thành sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm thông qua việc cung cấp ưu tiên nguồn khí và giá khí giá rẻ hơn cho ngành công nghiệp sản xuất phân bón.
Pakistan hiện áp dụng mức trợ cấp tương đương 100 rupee/bao đạm urea; bao gồm giảm thuế đánh trên hàng hóa dịch vụ (GST) từ mức 5% (70 rupee/bao) xuống 2% (28 rupee/bao), giúp hạ giá bán 42 rupee/bao và trợ cấp về giá khí tương đương 58 rupee/bao.
Giới phân tích cũng cho rằng, nên đặt Đạm Cà Mau là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, chứ không phải doanh nghiệp công nghiệp thuần túy, bởi đối tượng thụ hưởng sản phẩm cuối cùng là nông dân Việt Nam.
Bởi khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án (FS), nguồn khí vẫn còn dồi dào đảm bảo sản xuất ổn định của nhà máy, đồng thời giá khí được cam kết giúp doanh nghiệp này có hiệu quả. Nhưng sau năm 2018, hoạt động sản xuất - kinh doanh của Đạm Cà Mau tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ thua lỗ nếu nguồn khí không đủ cho 100% công suất thiết kế và Chính phủ phê duyệt giá khí áp dụng cho Đạm Cà Mau cao hơn nhiều lần so với khi lập FS.
Nông dân cần nguồn cung ổn định để canh tác có lời, cổ đông quan tâm tính hấp dẫn và có lãi khi đầu tư thì cổ phiếu Đạm Cà Mau mới thực sự hấp dẫn, hài hòa lợi ích cho các bên liên quan.
Nỗ lực vì một nền nông nghiệp bền vững
Trước việc nguồn cung cấp khí hạn chế do việc phát triển dự án khí Lô B chậm hơn so với kế hoạch dẫn đến nguồn cung suy giảm nhanh so với tính toán ban đầu; giá khí chưa được đảm bảo, nợ nước ngoài khi xây dựng dự án là 200 triệu USD, có bảo lãnh của Chính phủ (nợ công) vẫn còn cao, thời điểm này nhà máy vẫn chưa hết khấu hao, thị trường cạnh tranh gay gắt… đều là thách thức và rủi ro cho Đạm Cà Mau.
Tuy vậy, trong những năm qua, Đạm Cà Mau đã nỗ lực không ngừng để Công ty phát triển, thương hiệu vươn xa; đồng thời, xây dựng những phương án và lộ trình chuẩn bị thích ứng, như tiết kiệm vật tư trong quá trình sản xuất, rà soát lại quy trình và phương pháp quản lý.
Báo cáo tài chính quý II/2018 của Công ty cho thấy, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh 46 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017, còn hơn 94 tỷ đồng trong bối cảnh doanh thu thuần của Công ty tiếp tục tăng trưởng 8%, đạt 1.973 tỷ đồng.
Tính năng động, linh hoạt cũng thể hiện rõ ở chiến lược kinh doanh của Đạm Cà Mau. Không chỉ gói gọn trong việc sản xuất, cung cấp phân urea, Công ty đã mở rộng sang kinh doanh bộ sản phẩm Đạm Cà Mau, gồm urea Cà Mau, N46.Plus, N.Humate+TE, Kali Cà Mau, DAP Cà Mau, NPK Cà Mau...,
Cung cấp những giải pháp dinh dưỡng chăm sóc cây trồng, với tầm nhìn dài hạn là tập trung nghiên cứu đầu tư những sản phẩm mới có giá trị gia tăng, hỗ trợ cân bằng cây trồng, đất đai. Các dự án đầu tư nhà máy sản xuất NPK, phân bón hữu cơ… sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn thu cho doanh nghiệp.
Với thị phần chiếm khoảng 1/3 thị trường, sự ổn định trong hoạt động của Đạm Cà Mau sẽ góp phần đáng kể trong việc đảm bảo phát triển nền nông nghiệp bền vững. Đây cũng chính là mục tiêu cao nhất mà những người chèo lái Đạm Cà Mau cũng như người lao động trong doanh nghiệp hướng đến.
Bảy năm qua, Đạm Cà Mau đã chứng minh nỗ lực không mệt mỏi để tiếp tục tăng trưởng, góp phần phát triển nông nghiệp và bình ổn thị trường phân bón.
Dù vậy, nội lực có mạnh, lợi thế có đến thì lại xuất hiện không ít khó khăn, chủ yếu từ nguồn nguyên liệu và việc định giá bán khí. Giá phân bón khi giá khí tăng - nguyên liệu chính sản xuất phân bón - sẽ đẩy chi phí sản xuất của Đạm Cà Mau tăng thêm, người nông dân sẽ là người cuối cùng chịu thiệt thòi nhất.
Hơn bao giờ hết, vai trò đồng hành với nông dân và doanh nghiệp của Chính phủ và các cơ quan chức năng cần phải thể hiện trong các quyết sách đúng đắn về nguồn khí và giá khí đầu vào cho Đạm Cà Mau.
Từ khi nhà máy chính thức vận hành vào năm 2011 cho đến nay, Đạm Cà Mau đã cung ứng ra thị trường trên 5 triệu tấn sản phẩm urea Cà Mau và hàng trăm nghìn tấn các sản phẩm phân bón cao cấp khác, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thị trường trong nước. Đặc biệt, từ khi có Đạm Cà Mau, thị trường phân bốn ổn định, mỗi khi vụ mùa đến, nông dân không còn nỗi lo sốt phân sốt giá, giảm đáng kể việc nông dân sử dụng phân bón giả, kém chất lượng.