Việc sản lượng bổ sung chậm trễ sẽ không giúp hạ nhiệt giá nhiên liệu cao, mặc dù hơn 200 tỷ USD đã đầu tư được cho là sẽ khiến thị trường LNG rơi vào tình trạng cung vượt cầu sớm nhất là vào năm 2025.
Đức đã không ghi nhận hai quý tăng trưởng liên tiếp kể từ trước khi cuộc khủng hoảng năng lượng khiến các nhà sản xuất của nước này lao đao. Trong khi châu Âu đã trải qua hai mùa đông ôn hòa đặc biệt trong những năm gần đây, nhiệt độ lạnh hơn được dự đoán ở một số khu vực trong mùa này có thể làm gia tăng sự cạnh tranh về nhiên liệu với châu Á, gây ra tình trạng thiếu hụt cho các quốc gia không đủ khả năng chi trả.
"Thị trường đang cố gắng xây dựng một lượng công suất mới chưa từng có trong một khung thời gian ngắn, nhưng điều đó không dễ thực hiện", Ira Joseph, thành viên tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu tại Đại học Columbia cho biết.
Có một số lý do dẫn đến sự chậm trễ trong việc tăng nguồn cung, bao gồm việc kéo dài thời gian xây dựng tại các dự án hóa lỏng ở Texas và Mexico, cũng như các lệnh trừng phạt của phương Tây kìm hãm nhà máy LNG 2 ở Bắc Cực của Nga. Đồng thời, nhu cầu toàn cầu đang tăng lên và những người mua mới đang tham gia vào cuộc cạnh tranh, trong đó Ai Cập đã trở thành nước nhập khẩu ròng LNG trong năm nay sau khi phải đối mặt với các vấn đề về sản xuất và một mùa hè cực kỳ nóng.
Florence Schmit, chiến lược gia năng lượng tại Rabobank cho biết mức tiêu thụ có thể sẽ cao hơn vào năm tới so với năm 2024, một phần là do sự chuyển dịch dần dần sang khí đốt trong lĩnh vực điện và vận tải ở châu Á. Bất kỳ sự bổ sung nào vào nguồn cung trong nửa cuối năm 2025 có thể đến quá muộn để bắt kịp với nhu cầu tăng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cắt giảm triển vọng về mức tăng sản lượng LNG vào năm 2025 trong một bản cập nhật vào tuần trước. Cơ quan này cho biết trong một báo cáo hàng quý rằng sản lượng toàn cầu sẽ tăng lên gần 580 tỷ m3 vào năm 2025, giảm so với dự đoán trước đó là hơn 600 tỷ m3.
Công ty nghiên cứu Wood Mackenzie cũng đã cắt giảm ước tính về nguồn cung bổ sung khoảng 16% so với các tính toán được thực hiện sáu tháng trước.
Lucas Schmitt, nhà phân tích tại Wood Mackenzie cho biết: "Đây vẫn là mức tăng đáng kể hàng năm, vì vậy áp lực giá giảm vẫn là chủ đề chính cho năm 2026…Tuy nhiên, sự chậm trễ trong nguồn cung đã khiến mức giảm giá dự kiến không rõ rệt như đầu năm".
Trong khi giá khí đốt hiện tại đã giảm đáng kể so với mức đỉnh điểm vào năm 2022, hợp đồng tương lai giá khí đốt ở châu Âu vẫn cao gấp khoảng hai lần so với trước cuộc khủng hoảng, khi Nga hạn chế dòng chảy khí đốt vận chuyển qua đường ống đến khu vực này. Một phần nguyên nhân là do sự phụ thuộc ngày càng tăng vào LNG, vì châu Âu hiện đang cạnh tranh với những người mua từ khắp nơi trên thế giới và nhiên liệu sẽ thuộc về người trả giá cao nhất.
Hơn nữa, nhu cầu về LNG dự kiến sẽ tăng đáng kể vào cuối thập kỷ này khi sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo làm tăng nhu cầu về các trung tâm dữ liệu tiêu tốn nhiều năng lượng. McKinsey & Co. dự kiến nhu cầu về AI sẽ chiếm 5% nhu cầu điện của châu Âu vào năm 2030, trong khi BlackRock dự kiến mức tiêu thụ năng lượng trên khắp Châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng khoảng 50% trong 10 năm tới. Theo Bloomberg Intelligence, nhu cầu về khí đốt đối với ngành điện của Mỹ có thể tăng tới 30% vào năm 2030 so với mức hiện tại.
“Chúng tôi chưa thấy nhiều sự tăng trưởng về nguồn cung LNG, nhưng nhu cầu về LNG đã tăng lên…Thị trường khá thắt chặt và do đó, giá ở châu Âu cao vì các nhà giao dịch lo ngại về tình hình trong mùa đông”, Mark Simons, Giám đốc nguồn khí đốt và điện tại TotalEnergies SE cho biết.
Là một trong những nhà cung cấp LNG hàng đầu của châu Âu, Mỹ khó có thể bổ sung thêm nhiều cơ sở xuất khẩu ngoài danh sách các dự án đã được phê duyệt hiện tại do chi phí xây dựng tăng và những thách thức về quy định.
Một nhà sản xuất lớn khác là Qatar dự kiến sẽ tăng xuất khẩu hơn 80% vào năm 2030, nhưng vẫn còn vài năm nữa mới có thể tăng thêm sản lượng.
Các nhà cung cấp nhỏ hơn cũng đang phải đối mặt với những trở ngại. Những nỗ lực thúc đẩy sản lượng từ Papua New Guinea và Nigeria cũng đã chững lại, trong khi một số cơ sở khí đốt cũ hơn trên toàn cầu phải đối mặt với tình trạng sản lượng giảm.
Đối với các quốc gia đang phát triển trên thế giới, điều đó có nghĩa là họ sẽ phải cạnh tranh với các quốc gia giàu có hơn để có được các lô hàng nhiên liệu đắt tiền. Giá khí đốt tăng đột biến có thể cản trở nỗ lực của các quốc gia như Pakistan và Thái Lan trong việc đảm bảo các lô hàng cần thiết để duy trì nền kinh tế. Malaysia và Indonesia cũng sẽ tham gia thị trường với tư cách là những nước nhập khẩu ròng khi họ cạn kiệt dự trữ.
“Nếu nhu cầu khí đốt tiếp tục tăng mạnh khi được thúc đẩy bởi các điều kiện vĩ mô đang cải thiện và nhu cầu mới từ các trung tâm dữ liệu, thì bất kỳ tình trạng cung vượt cầu nào vào năm 2027 và 2028 đều có thể biến mất hoàn toàn”, Saul Kavonic, nhà phân tích năng lượng tại công ty nghiên cứu MST Marquee cho biết.