Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, nước này đang bơm khoảng 13,4 triệu thùng/ngày và sản lượng dự kiến sẽ tăng lên mức kỷ lục 13,49 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay. Trong khi đó, OPEC+ đã tập trung vào việc cắt giảm sản lượng kể từ năm 2022, dự kiến sẽ bắt đầu tăng sản lượng vào cuối năm nay.
Trước đây, xung đột leo thang như vậy ở các khu vực sản xuất dầu trên thế giới được kỳ vọng sẽ có tác động lớn hơn và lâu dài hơn đến giá, nhưng hiện thị trường đang có đủ nguồn cung và lo ngại về nhu cầu yếu đã bảo vệ thị trường khỏi những cú sốc đó.
Rhett Bennett, Tổng giám đốc điều hành của Black Mountain Energy cho biết: "Trong thế giới mới này, khi dầu đá phiến của Mỹ là nhà sản xuất dầu mỏ thống trị toàn cầu, có vẻ như phí bảo hiểm cho sự sợ hãi không còn tồn tại ở mức độ tương tự nữa… Sự đa dạng về nguồn cung từ các nguồn trong nước kết hợp với công suất dự phòng lành mạnh trong OPEC, đang khiến thị trường cảm thấy được bảo vệ khỏi cú sốc cung lớn, bất kể sự bùng phát liên tục ở Trung Đông".
Nguồn cung dầu thô toàn cầu vẫn chưa bị gián đoạn do xung đột ở Trung Đông và các cuộc tấn công của phiến quân Houthi liên kết với Iran vào các tàu ở Biển Đỏ.
Các nhà phân tích cho biết, do nhiều năm cắt giảm sản lượng, OPEC+ có công suất dự phòng đáng kể và điều này đã hạn chế đà tăng giá từ xung đột leo thang ở Trung Đông, vì về lý thuyết, các nhà sản xuất khác có thể bù đắp cho tình trạng gián đoạn nguồn cung.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính, công suất sản xuất dự phòng của OPEC+ là 5,7 triệu thùng/ngày, tương ứng với gần 6% lượng dầu tiêu thụ, trong đó Ả Rập Xê Út chiếm 54% lượng dự phòng, cao hơn sản lượng 3,4 triệu thùng/ngày của Iran.
Giá dầu Brent đã giảm 17% trong quý III và 9% trong tháng 9, mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 11/2022, một phần là do triển vọng tăng trưởng nhu cầu toàn cầu của OPEC được điều chỉnh giảm. Giá dầu WTI giảm 16% trong quý III và 7% trong tháng 9.
Dầu thô đã tăng vọt gần 8% trong tuần này - mức tăng lớn nhất kể từ đầu năm ngoái - vì sự leo thang của các cuộc giao tranh làm dấy lên khả năng nguồn cung dầu ở Trung Đông có thể bị gián đoạn. Giá dầu Brent và WTI hiện đang giao dịch ở mức lần lượt gần 78 USD và 74 USD/thùng.
Dan Pickering, Giám đốc đầu tư tại Pickering Energy Partners cho biết: "Mỹ có quá nhiều sản lượng, đây là một khoản đệm chiến lược… Tôi nghĩ phương trình cung cầu không thay đổi, mặc dù rủi ro của phương trình cung cầu đang thay đổi".
Mặc dù giá dầu có thể nhận được một số hỗ trợ ngay lập tức từ cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông, nhưng điều này khó có thể thúc đẩy các nhà khai thác của Mỹ nhanh chóng tăng sản lượng.
Nhiều người đang thận trọng vì OPEC+ có kế hoạch bổ sung thêm 180.000 thùng/ngày vào thị trường toàn cầu vào tháng 12 và một số nhà phân tích cho biết, việc các thành viên không tuân thủ hạn ngạch sản xuất có thể thúc đẩy Ả Rập Xê Út và các nước khác tăng sản lượng nhanh hơn nữa từ tháng 12.
"Còn quá sớm để cân nhắc những sự kiện này so với các hành động mà OPEC+ có thể hoặc không thể thực hiện để tác động đến nguồn cung… Điều này khó có thể khuyến khích hoạt động khoan hoặc gây ra bất kỳ thay đổi nào trong các kế hoạch kinh doanh", Michael Oestmann, Giám đốc điều hành của Tall City Exploration cho biết.
OPEC+ hiện đang cắt giảm sản lượng tổng cộng 5,86 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 5,7% nhu cầu toàn cầu.
Các nhà phân tích tại công ty tư vấn Wood Mackenzie dự báo, giá dầu Brent sẽ tăng cao hơn vào tháng 10 ở mức 81 USD/thùng. Mức giá này có thể được điều chỉnh tăng hoặc giảm tùy thuộc vào việc có tránh được tình trạng leo thang ở Trung Đông hay không.
"Chúng tôi xem đây là sự gia tăng tạm thời, nhưng nếu xung đột kéo dài hơn và nhiều quốc gia tham gia hơn, thì giá có thể vẫn ở mức cao", Mark Marmo, CEO của Deep Well Services cho biết.
Ngoài việc OPEC+ đã tái khẳng định kế hoạch khôi phục một số công suất từ tháng 12, Libya đã khởi động lại sản lượng sau khi tình hình chính trị tại quốc gia này lắng dịu. Có những dấu hiệu trên thị trường vật chất cho thấy bối cảnh vẫn còn yếu và không rõ liệu một gói kích thích lớn của Trung Quốc có tác động nhiều đến mức tiêu thụ tại quốc gia nhập khẩu lớn nhất thế giới này hay không.