Một cơ sở khai thác khí đốt ở gần thành phố Novy Urengoi, Nga. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Theo cổng phân tích thông tin News.Az của Azerbaijan ngày 24/9, gần đây tập đoàn Gazprom của Nga và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã có thỏa thuận tăng cường cung cấp khí đốt thông qua đường ống "Power of Siberia 1" lên công suất tối đa. Thỏa thuận này không chỉ là một dấu hiệu hợp tác năng lượng chặt chẽ giữa Moskva và Bắc Kinh, mà còn phản ánh bối cảnh kinh tế phức tạp, trong đó Nga tìm kiếm nguồn doanh thu mới trong khi Trung Quốc cần một nguồn cung cấp năng lượng ổn định giữa bối cảnh gián đoạn toàn cầu.
Trong kỷ nguyên bất ổn của thị trường năng lượng toàn cầu, vai trò của khí đốt Nga đang ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế bền vững và quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng xanh hơn đã làm tăng nhu cầu về nguồn cung năng lượng đáng tin cậy.
Tuy nhiên, mặc dù Gazprom có những con số ấn tượng về nguồn cung, Trung Quốc cũng đang thực hiện chiến lược đa dạng hóa nguồn cung. Ngoài "Power of Siberia", Bắc Kinh đang tìm kiếm các nguồn cung cấp khác từ Turkmenistan và Qatar, cũng như mở rộng đáng kể khả năng sản xuất LNG (khí tự nhiên hóa lỏng).
Rủi ro với Nga
Đối với Nga, thị trường phía Đông không chỉ là một hướng phát triển mới mà còn là một "kênh cứu sinh" tiềm năng. Các lệnh trừng phạt của phương Tây, đặc biệt là sau năm 2022, đã khiến Moskva buộc phải chuyển hướng sang Trung Quốc. Dự báo về việc tăng khối lượng xuất khẩu lên 38 tỷ mét khối là một dấu hiệu lạc quan, nhưng câu hỏi quan trọng là: nhu cầu này liệu có bền vững?
Trung Quốc, với tư cách là một đối tác thực dụng, không muốn phụ thuộc hoàn toàn vào một nhà cung cấp. Chiến lược đa hướng của nước này có thể dẫn đến sự cạnh tranh đối với Gazprom tại một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Ngay cả khi các số liệu cho năm 2023 và 2024 có vẻ khả quan, việc chỉ dựa vào thị trường Trung Quốc vẫn là một rủi ro lớn, nhất là khi có những thay đổi tiềm ẩn trong chính sách của Bắc Kinh.
Các dự án cơ sở hạ tầng như "Power of Siberia 1" và "Power of Siberia 2" tiềm năng yêu cầu các khoản đầu tư khổng lồ, nhưng không thể thiếu sự bảo đảm về hoàn vốn. Một số yếu tố rủi ro có thể tác động đến kế hoạch này bao gồm:
Thứ nhất, biến động giá khí đốt và nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc: Những thay đổi trong xu hướng toàn cầu có thể làm biến động giá khí đốt, ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án.
Thứ hai, nguy cơ nợ của Nga: Nếu không đa dạng hóa hiệu quả thị trường của mình và vẫn quá phụ thuộc vào một khách hàng mua lớn, Nga có thể rơi vào bẫy nợ.
Thứ ba, áp lực từ các dự án đường ống khác: Tốc độ xây dựng các đường ống khác như "Power of Siberia 2" và dự án qua Mông Cổ cũng có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cấp và tính cạnh tranh.
Tóm lại, triển vọng kinh tế của Gazprom tại Trung Quốc có vẻ hứa hẹn trong ngắn hạn nhưng chứa đựng một số thách thức trong dài hạn. Mặc dù gia tăng nguồn cung khí đốt cho Trung Quốc là điều cần thiết cho nền kinh tế Nga, nhưng vẫn còn những điểm yếu chiến lược do thiếu các thị trường xuất khẩu lớn khác và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng ở khu vực châu Á.