Những thông tin trên đã được CTCP DKRA Việt Nam (DKRA Việt Nam) nếu ra trong buổi Báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM năm 2018 diễn ra sáng qua (9/1).
Theo báo cáo, nguồn cung ở phân khúc căn hộ có thể tiếp tục ghi nhận năm thứ 3 liên tiếp giảm, ở mức 8% trong năm 2019, với khoảng 30.000 – 35.000 căn.
Nhóm căn hộ hạng A và B (cao cấp và trung cấp) tiếp tục dẫn dắt thị trường căn hộ TP.HCM (đây là nhóm chiếm gần 80% tổng nguồn cung năm 2018), đặc biệt là các căn hộ trên dưới 30 triệu đồng/m2 thuộc phân khúc căn hộ hạng B luôn được khách hàng săn đón.
Riêng phân khúc căn hộ hạng C (nhà ở xã hội) có thể sẽ tiếp tục khan hiếm dù khát cầu.
Đánh giá về thực trạng các phân khúc này, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ: “Dễ hiểu tại sao lệch cung cầu là do thị trường vẫn đang được dẫn dắt bởi những người có tiền, bằng chứng là phân khúc cao cấp và trung cấp được tiêu thụ rất tốt".
"Ngoài ra, vấn đề ở đây là chưa có gói hỗ trợ dành cho người có nhu cầu mua nhà ở thật, đồng thời nhà nước cũng chưa giao đất sạch cho doanh nghiệp hỗ trợ, làm nhà giá rẻ. Chính quyền đã có hứa hẹn năm 2019 sẽ tạo sự hỗ trợ này nhưng chưa biết sẽ thực hiện thế nào?”, TS Thành cho biết.
Trái ngược với 2 phân khúc trên, phân khúc nhà phố/ biệt thự năm 2019 được dự đoán có thể tăng khoảng 2,6 lần nguồn cung so với năm 2018, ở mức 2.500 – 3.000 căn. Chiếm tỷ trọng lớn là ở khu Đông và khu Nam. Trong khi đó, năm 2018, lượng tiêu thụ ở phân khúc này chỉ bằng một nửa lượng bán ra.
Riêng với bất động sản nghỉ dưỡng dự kiến sẽ có một năm thách thức do hàng loạt dự án được đưa vào vận hành tập trung ở Phú Quốc, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Thuận.
Đầu cơ ôm đất lớn
Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam nhận xét, ở phân khúc đất nền, khách đầu cơ chiếm tỷ trọng lớn, thậm chí có những dự án mà lượng đầu cơ ôm 90% tổng sản phẩm.
“Các nhà đầu cơ đang đưa giá đất của quận 9 lên mức quá cao so với giá trị thật của bất động sản. Nhiều cuộc xung đột lợi ích tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư bắt nguồn từ những quy định pháp lý chưa chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đồng thời quy hoạch đô thị đang rất kém”, ông Lâm cho biết.
Giá căn hộ hạng sang đã lên đến 230 triệu/m2 trong khi năm 2017 chỉ có giá 150 triệu/m2 nhưng vẫn có mức tiêu thụ rất cao là hơn 80% lượng hàng đưa ra.
Trong khi đó, theo TS Võ Trí Thành: “Nên dùng màu xám và hồng đan xen để nhìn nhận cơ hội và rủi ro của thị trường bất động sản. Không nên quá lạc quan vào sự phát triển của nền kinh tế chung bởi sự tăng trưởng của thế giới đang giảm nên cần thận trọng trong mọi vấn đề.
Điểm sáng vốn ngoại
Trong đó, màu hồng tươi sáng thấy rõ nhất là ở tiềm năng kết nối hạ tầng đang được đẩy mạnh tạo sự liên kết vùng, 20 thành phố trên cả nước tham gia triển khai đô thị thông minh theo nhiều cấp độ khác nhau, sự quyết tâm của chính phủ trong việc minh bạch đất công và một loạt dự án BOT sẽ triển khai lại trong năm 2019…”
Trong phần thảo luận, đã có ý kiến lo ngại về việc xuất hiện thêm bất động sản hạng sang khi mà thị trường đang lệch cung cầu, cùng với đó là việc tiếp cận bất động sản của khách nước ngoài.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam cho biết, khách nước ngoài Singapore, HongKong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc… tiếp tục có nhu cầu tìm kiếm bất động sản Việt Nam hạng sang, cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng. Giá căn hộ hạng sang đã lên đến 230 triệu/m2 trong khi năm 2017 chỉ có giá 150 triệu/m2 nhưng vẫn có mức tiêu thụ rất cao là hơn 80% lượng hàng đưa ra.
Còn theo TS Võ Trí Thành, Việt Nam đang có tốc độ tăng người siêu giàu ở top nhanh nhất thế giới và họ có lượng tài sản hơn 30 triệu USD, nên việc người Việt sở hữu bất động sản hạng sang là rất nhiều, đặc biệt là biệt thự nghỉ dưỡng.
“Tuy các quỹ đầu tư nước ngoài đang đánh giá thị trường bất động sản Việt khá tốt nhưng nhà đầu tư vẫn cần cẩn trọng và tăng tính chọn bởi bất động sản có tính thanh khoản thấp” ông Thành nhấn mạnh.