Không có gì là giới hạn
Đoàn Kiều My (Kimiko) tự nhận là người đam mê mọi khía cạnh của cuộc sống và cụm từ phù hợp nhất với cô là trải nghiệm. Từ tiếp thị, công nghệ, kinh doanh đến nghệ thuật hay triết học, cô đều đã từng bước chân vào. Thậm chí, cô từng có mặt trong Top 5 Cuộc thi Hoa khôi du lịch ô tô Việt Nam 2011 và đoạt Giải Hoa khôi dạ hội.
Tiếp xúc với máy tính khi 10 tuổi, rất mê chơi game và từng nghĩ, sau này sẽ làm gì đó liên quan đến game, đã tốt nghiệp khóa học Khoa học Viễn thông và Máy tính (Trường đại học Kỹ thuật Helsinki, nay là Trường đại học Aalto, Phần Lan), có mặt ở nhiều vị trí đáng mơ ước trong nhiều công ty, nhưng cô đã dừng lại tất cả để khởi nghiệp với YellowBlocks vào tháng 10/2018, với vai trò là cầu nối đầu tiên về công nghệ mới nổi cho Việt Nam.
Chuyện gì đã xảy ra với Đoàn Kiều My trong vòng trải nghiệm đa dạng đó?
Đến một ngày, chúng ta sẽ nhận thấy định nghĩa về bản thân không còn đúng và đủ. Tôi hoàn toàn sống “vô thần” tới năm 28 tuổi, sau đó gặp “Mid life crisis” (khủng hoảng tuổi trung niên - PV). Có vẻ như mọi việc diễn ra khá sớm, nhưng nó khiến tôi phải lần tìm ý nghĩa cuộc đời của mình.
Dựa vào triết lý Ikigai của người Nhật, tôi tìm điểm giao thoa giữa tiêu chí, việc mà tôi yêu thích, xã hội cần tôi làm việc này, tôi có thể tạo dòng tiền từ việc này và tôi làm tốt ở lĩnh vực này. Tôi đã không tìm được tổng hoà giá trị giao thoa 4 vòng tròn ấy.
Trong ngành marketing, dù đã gắn bó gần 10 năm, tính đến năm 2017, đã có một số thành quả đáng tự hào, nhưng chưa thực sự thoả mãn. Khi đó tôi nghĩ, nếu không phải là tôi thì một người khác nào đó, có 10 - 15 năm kinh nghiệm vẫn có thể đảm trách.
Nhưng khi soi lại mình trong các bước trải nghiệm, tôi nhận thấy điểm mấu chốt tạo nên thành quả trong những lần hoàn thành công việc một cách độc đáo không chỉ dựa trên nỗ lực của bản thân, gắn kết với tập thể, mà còn được thực hiện dựa trên các công cụ công nghệ.
Cuối năm 2017, khi hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam dần biến chuyển, thị trường không chỉ được nhắc đến với cụm từ “cơ hội” mang nghĩa chung chung, mà đã là “tiềm năng”.
Trước đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng mang theo trí tò mò để lý giải, vì sao phải quan tâm, đầu tư vào thị trường Việt Nam. Và thời gian gần đây, họ đi tìm lời giải cho câu hỏi: Làm cách nào để có một vài “miếng bánh” tại Việt Nam?
Tôi muốn trả lời câu hỏi này. Đến tháng 10/2018, tôi thành lập YellowBlocks, với vai trò là cầu nối đầu tiên về công nghệ mới nổi cho Việt Nam.
Có quá tham vọng không khi YellowBlocks vừa là điểm tiếp nhận nhu cầu gọi vốn, hỗ trợ kinh nghiệm từ start-up, vừa tìm kiếm cơ hội đầu tư từ các quỹ?
Tôi từng đầu quân vào một công ty tích hợp hệ thống thông tin. Khi ấy, tôi là người trẻ nhất làm trợ lý hội đồng quản trị, được tiếp cận đối tác nước ngoài như IBM, Microsoft...
Sau một năm, tôi chưa thấy giá trị khác biệt mà mình có thể mang lại nên quyết định vừa làm, vừa học MBA theo chương trình Đại học Gloucestershire (Anh).
Tôi cảm thấy đây chính là mảnh ghép còn thiếu của mình. Từ cấp 3 đến đại học, tôi luôn tập trung vào kỹ thuật, sản phẩm nghiên cứu cho tương lai. Trong khi đó, giá trị thực không chỉ nằm trong công nghệ, mà phải đáp ứng cả yêu cầu có thể ứng dụng, tạo ra dòng tiền.
Có thể nói, tôi biết “ngôn ngữ” của cả dân công nghệ lẫn người kinh doanh và biết cách “thông dịch” như thế nào để xác tín cũng như kết nối với họ.
Trong kinh doanh, sự tin tưởng là mấu chốt và khởi điểm của những hợp tác, nhưng thị trường hiện thiếu thông tin chính xác, đa chiều. Để trở thành cánh cổng tin cậy, kết nối, hỗ trợ các thành tố trong hệ sinh thái, thì kinh nghiệm, trải nghiệm, mối quan hệ với nhiều người giỏi ở nhiều lĩnh vực là cực kỳ quan trọng.
Sự hấp dẫn của công nghệ chưa được đặt tên
Gia đình, bạn bè cũng từng phản đối việc Kiều My bỏ “việc nhẹ lương cao” để start-up với YellowBlocks. Họ nghĩ rằng, cô đang thành công, hạnh phúc, ổn định ở cấp bậc quản lý trong công ty danh tiếng. Nhưng chính Kimiko nghe được bản thân mình nói rằng, vẫn còn thiếu điều gì đó và những gì đang diễn ra không thực sự là điều cô mong muốn.
Tại sao lại gọi là công nghệ mới nổi và chúng hấp dẫn như thế nào?
Năm 2018, YellowBlocks là công ty đầu tiên nói về công nghệ mới nổi, trong khi ít người nói về nó, cũng như mang định nghĩa này trở nên dần phổ biến hơn trong cộng đồng. Chúng tôi cũng không ngờ, sau một năm có hơn 150 đối tác, nghĩa là bình quân 2 ngày lại có thêm đối tác.
Công nghệ mới nổi hiện tại là AI, Blockchain, Cloud và Data, nhưng tương lai, sẽ là một công nghệ mới chưa được đặt tên. Việc gọi tên công nghệ không quan trọng bằng khả năng tạo lên giá trị gì cho cộng đồng, ứng dụng vào kinh doanh từ công cụ ấy.
Thực sự, công nghệ làm cuộc sống dễ dàng hơn, mở rộng khả năng xử lý mỗi vấn đề. Tuy nhiên, đó là bước số 2, bởi bước đầu tiên là cần xác định chính xác vấn đề cần giải quyết là gì.
Nhận ra điều đó, tôi nghĩ không nhất thiết phải đầu quân vào một start-up với AI hay Blockchain là công nghệ lõi đang hot hiện nay, tôi muốn trải qua nhiều loại công nghệ và trở thành điểm kết nối.
YellowBlocks như điểm kết nối các công nghệ khác nhau và giải quyết vấn đề của xã hội. Sau 1 năm vận hành, chúng tôi tạo mối liên kết hợp tác mở rộng đến 40 quốc gia, cùng 150 đối tác đủ thành phần trong hệ sinh thái như Chính phủ Australia, Áo, Singapore, các công ty công nghệ hàng đầu thế giới hay các quỹ đầu tư hàng tỷ đô la… Họ luôn xem Việt Nam là thị trường tiềm năng và muốn đóng góp xây dựng thị trường này.
Tôi đặt kỳ vọng, YellowBlocks sẽ là điểm đến, là lựa chọn đầu tiên của bất kỳ đối tác nào mỗi khi muốn tìm hiểu hợp tác, đầu tư vào thị trường Việt Nam, dựa trên lợi thế là nguồn tin tin cậy.
Kế hoạch năm 2020 của YellowBlocks và của “người xây cầu” là gì?
Năm 2020, chúng tôi sẽ là một trong những thành tố thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Cụ thể, trong tháng 1/2020, YellowBlocks cùng các đối tác trong mạng lưới của mình sẽ ký kết hợp tác với quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) để tư vấn triển khai xây dựng mô hình thành phố thông minh.
Cùng với đó, thúc đẩy các dự án chúng tôi đã thực hiện trong thời gian qua, chủ yếu nhằm hỗ trợ gia nhập thị trường Việt Nam.
Với tôi, điều quan trọng nhất là 2 câu tôi luôn tự hỏi mỗi sáng thức dậy, đó là: “Hôm qua, tôi đã nỗ lực hết sức có thể hay chưa?” và “Tôi có thực sự tự hào về những gì mình đã làm hôm qua hay không”.