Người Việt ngày càng sẵn sàng chi tiêu cho du lịch

Người Việt ngày càng sẵn sàng chi tiêu cho du lịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  99,7% người trả lời có đi du lịch nội địa ít nhất một lần mỗi năm, 83,7% đi du lịch ít nhất hai lần mỗi năm. Dù được thực hiện ngay sau làn sóng Covid-19 thứ hai tại Việt Nam, khảo sát ghi nhận 68% người tham gia khảo sát mong muốn du lịch trở lại sớm, trước hoặc trong quý IV/2020.

Khảo sát mới đây của Indochina Capital, nhà đầu tư phát triển bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và đơn vị thành viên Wink Hotels - thương hiệu tiên phong trong phân khúc khách sạn “hạng sang giá tầm trung” tại thị trường Việt Nam - chỉ ra thói quen và sở thích của khách du lịch tại Việt Nam trong bối cảnh Covid-19, bao gồm một số yếu tố liên quan đến sức khỏe và an toàn có ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn nơi lưu trú.

Khảo sát được thực hiện tháng 8 năm 2020 trên 700 đối tượng, trong đó có 90% là người Việt Nam và 10% là người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam.

Phân tích kết quả nhằm hỗ trợ các chủ khách sạn và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch hiểu hơn về bức tranh du lịch hậu Covid-19, để giới thiệu những chiến dịch và chương trình đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục thúc đẩy các chương trình kích cầu du lịch trong nước.

Một vài điểm sáng từ khảo sát bao gồm mong muốn du lịch trở lại của du khách tại Việt Nam.

Theo đó từ năm 2015 - 2019, du lịch nội địa đã tăng từ 57 triệu lươt khách đến 90 triệu khách, và nhiều khảo sát trước đây đã chỉ ra rằng người tiêu dùng Việt ngày càng sẵn sàng chi tiêu cho các kỳ nghỉ.

Kết quả càng khẳng định xu hướng này với 99,7% người trả lời có đi du lịch nội địa ít nhất một lần mỗi năm, và 83,7% đi du lịch ít nhất hai lần mỗi năm.

Dù được thực hiện ngay sau làn sóng Covid-19 thứ hai tại Việt Nam, khảo sát ghi nhận 68% người tham gia khảo sát mong muốn du lịch trở lại sớm, trước hoặc trong quý IV/2020.

Điều này cũng khẳng định người Việt sẵn sàng đi du lịch hơn và tin tưởng vào những biện pháp kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ.

Theo ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital và CEO của Wink Hotels, du lịch và bất động sản chắc chắn sẽ là hai ngành đóng góp mạnh mẽ, thúc đẩy phục hồi kinh tế Việt Nam.

Nền kinh tế mong người tiêu dùng quay trở lại mức chi tiêu tiền Covid để kích thích tăng trưởng, và du lịch sẽ thúc đẩy chi tiêu.

“Thị trường nội địa sẽ trở thành động lực chính khi việc mở cửa biên giới dần được thực hiện một cách cẩn trọng. Những thành công của Việt Nam trong cuộc chiến với Covid-19 đã nâng tầm vị thế giúp đất nước trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn, và với khảo sát này chúng tôi chỉ ra những yếu tố nổi bật sẽ giúp các chủ khách sạn và chủ sở hữu bất động sản du lịch cải thiện lợi nhuận tài chính của mình”, ông Michael Piro chia sẻ.

Khảo sát cũng chỉ ra xu hướng dẫn đầu của các kênh online khi 64% khách du lịch có hình thành thói quen sử dụng các kênh online, các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) để đặt phòng và 91% sử dung phương tiện truyền thông số để lựa chọn khách sạn.

Điều này khẳng định du khách tại Việt Nam ưa chuộng các chuyến du lịch ngắn ngày dưới 4 đêm nghỉ, và thời gian lưu trú đối với các chuyến công tác hầu hết không quá 2 đêm. Về giá phòng, chỉ một phần tư du khách sẵn sàng chi trả trên 2 triệu VND/đêm cho những chuyến du lịch. Đối với các chuyến đi công tác, hạn mức này thậm chí còn thấp hơn.

Các thông tin khác trong khảo sát bao gồm xu hướng du lịch nhóm, du lịch gia đình tại Việt Nam, phương thức di chuyển được ưa chuộng, thông tin gây chú ý trên quảng cáo khách sạn, các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn nơi lưu trú/đánh giá chất lượng của nơi lưu trú.

Tin bài liên quan