Hơn 30 triệu người dân Việt Nam đang tham gia mua sắm trực tuyến, góp phần đẩy doanh số thương mại điện tử tăng trưởng nhanh sau mỗi năm.
Bộ Công Thương cho hay, năm 2018 chứng kiến sự phát triển mạnh của thị trường thương mại điện tử. Theo Sách Trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2018, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2017 đạt 6,2 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng 24%.
Ước tính số người tham gia mua sắm trực tuyến là 33,6 triệu người, giá trị mua sắm trực tuyến bình quân là 186 USD/người và tỷ trọng
doanh thu thương mại điện B2C (doanh nghiệp với khách hàng) so với tổng mức bán le hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước là 3,6%.
Hết năm 2018, tổng doanh thu kinh doanh thương mại điện tử đạt hơn 8 tỷ USD, tăng gấp đôi 3 năm trước.
Hiện có gần một phần ba dân số, tức khoảng hơn 30 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến. Trong điều kiện đó, việc đầu tư phát triển kênh trực tuyến là một xu thế rõ rệt của các nhãn hàng. Các công ty thương mại điện tử lớn trên thị trường gồm ba thương hiệu nổi bật trong năm là Lazada, Tiki và Shopee...
Ngoài ra phải kể tới các thương hiệu khác như: Thế giới Di động, Sen Đỏ, FPT Shop, Điện máy Xanh, Aday roi…
Báo cáo mới nhất của Nielsen Việt Nam, tỷ lệ sử dụng Internet hiện lên đến 85% dân số Việt Nam, vượt qua mức trung bình của khu vực. Bình quân mỗi ngày người tiêu dùng dành gần 7 tiếng cho hoạt động trực tuyến, thuộc nhóm cao trong toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh của người tiêu dùng khu vực thành thị lên hơn 90% và con số này ở khu vự nông thông cũng hơn 50%. Đây là cơ sở cho tăng trưởng thương mại điện tử tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.
Nếu xét ba giai đoạn phát triển của thị trường thương mại điện tử thì Việt Nam đang ở giai đoạn mới nổi, tức người tiêu dùng vẫn chú trọng đến giá cả và các chương trình khuyến mãi khi chọn kênh mua sắm.
Ngoài các nhóm sản phẩm phổ biến tại Việt Nam như thời trang, công nghệ thì ở các thị trường thương mại điện tử phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc cho thấy các mặt hàng như du lịch, vé sự kiện... đang là nhóm sản phẩm phổ biến.
Còn theo số liệu từ Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho thấy từ 2016-2018, tốc độ tăng trưởng trung bình thương mại điện tử Việt Nam đều trên 25%. Google Temasek dự đoán đến năm 2025, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử đến 43% một năm và thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.