Người Việt đua nhau mua ôtô trong nửa đầu 2016

Dù có những biến động liên quan tới thuế từ đầu năm, người Việt vẫn đẩy mạnh sắm ôtô với mức tăng trưởng 31% so với cùng kỳ 2015.

Nửa đầu 2016 là quãng thời gian "sóng gió" của thị trường ôtô Việt Nam khi những chính sách thuế, phí biến động mạnh, sẵn sàng tác động vào giá xe. Hãng xe cũng như người tiêu dùng nín thở chờ đợi điều chỉnh từ các cơ quan quản lý, tuy nhiên những bấp bênh trong thông tin và tâm lý không khiến sức mua giảm sút, toàn ngành vẫn ghi nhận tăng trưởng mạnh. 

nhung-mau-xe-duoc-nguoi-viet-ua-chuong-nhat-2

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), nửa đầu 2016, toàn ngành bán gần 135.900 xe, tăng 31% so với cùng kỳ 2015 (103.500 xe). Trong đó xe con tăng 24%, xe thương mại tăng 40% và xe chuyên dụng tăng 50%. 

Mức tăng 31% thấp hơn con số 58% của nửa đầu 2015 so với nửa đầu 2014, phần nào thể hiện những dè dặt, e ngại của khách hàng và tâm lý chờ đợi thay đổi thuế phí. Nửa đầu năm ngoái, thị trường ổn định, không có thay đổi về chính sách, các hãng tăng cường danh mục sản phẩm nên tốc độ tăng trưởng đạt mức cao. 

Xét theo nguồn gốc xuất xứ, xe lắp ráp trong nước tăng 35% trong khi xe nhập khẩu tăng 22% so với cùng kỳ 2015. Trong khi đó năm ngoái, xe lắp ráp tăng 56%, xe nhập khẩu tăng 64% so với 2014. Ảnh hưởng của thuế, phí lên xe nhập khẩu thể hiện rõ qua con số khi sang năm nay, tốc độ tăng của xe nhập khẩu đã chùng lại, chậm hơn so với xe lắp ráp. 

Xe gầm cao với những phân khúc SUV, bán tải ngày càng được khách hàng ưa chuộng. Biểu hiện rõ nhất ở top 10 xe bán chạy khi Ranger, một mẫu bán tải lần đầu tiền đứng nhất về doanh số tại thị trường Việt sau nửa năm. Vị trí này trước đây thường thuộc về Toyota Vios thì nay Vios xuống thứ hai. Những xe gầm cao còn lại trong top 10 như Ford EcoSport, Toyota Fortuner, Mazda CX-5 hay MPV như Toyota Innova. 

Trên toàn ngành, Thaco là hãng chiếm thị phần lớn nhất với 43% (53.127 xe), tiếp theo là Toyota 20,1% (24.854 xe), thứ ba là Ford 11% (13.616 xe). Những vị trí sau đó chiếm thị phần dưới 4%. Cuộc chiến Toyota và Thaco đẩy lên đỉnh điểm khi nhiều mẫu xe của Thaco vượt qua Toyota. 

Nếu chỉ tính xe con, Toyota bán 20.669 xe, Thaco vượt xa với số bán 28.031 xe gồm Kia 13.539 chiếc, Mazda 14.133 và Peugeot 359 xe. Tốc độ tăng trưởng doanh số của Toyota nửa năm 2016 so với nửa đầu 2015 là 8%, trong khi của Thaco là 54%, từng thương hiệu con là Kia 60%, Mazda 73% và Peugeot 58%, đều cao hơn Toyota. 

Theo các chuyên gia, Toyota có tốc độ tăng trưởng thấp hơn nhiều so với các hãng khác không có nghĩa là Toyota bán kém hơn, vì nếu căn cứ vào con số của từng thương hiệu, thì xe Toyota vẫn bán nhiều hơn Kia hay Mazda. Nhưng đây lại là chỉ dấu không tốt cho hãng xe Nhật. 

Tăng trưởng chậm đồng nghĩa với việc có thể doanh số của hãng đang gần tới điểm bão hòa, vì mức tăng chung của thị trường là 31%, cao hơn nhiều so với con số 8% của Toyota. Bên cạnh đó, các hãng đối thủ mở rộng danh mục sản phẩm, thay đổi chính sách bán hàng đã "gặm" một phần lớn khách hàng. 

Toyota vẫn đứng đầu thị trường Việt nếu xét theo thương hiệu riêng, nhưng mức tăng trưởng cảnh báo ngôi vương có thể lung lay. Làm phép tính nếu giữ nguyên mức tăng trưởng này trong nửa năm tới, doanh số của riêng Mazda sẽ vượt Toyota, chưa kể tới Kia. 

nguoi-viet-dua-nhau-mua-oto-trong-nua-dau-2016-1

Cuộc cạnh tranh ở phần còn lại của thị trường gay gắt không kém top đầu. Các hãng chăm chỉ giới thiệu sản phẩm mới như Hyundai Santa Fe, Ford Everest. Thị trường xe sang sôi động khi bên cạnh Mercedes với Fascination SUVenture, hai hãng xe Đức khác là BMW và Audi cũng có triển lãm riêng tại Hà Nội. 

Nửa đầu năm về gần tháng 7 là thời điểm phân khúc xe sang sôi động nhất, vì hầu hết các xe đều nhập khẩu, có động cơ tầm trung khoảng 2,5 lít trở lên. Những xe này nếu về sau 1/7 sẽ chịu thuế TTĐB tăng cao, do đó đẩy giá tăng. Khách hàng và hãng xe cũng như nhà nhập khẩu tư nhân gấp rút vội vàng đưa xe về tránh thuế, tạo nên những cuộc đổ bộ xe sang chưa từng có tại Việt Nam. 

Tin bài liên quan