Được thúc đẩy bởi môi trường lãi suất thấp ở mức kỷ lục, cộng với yếu tố nguồn cung hạn chế, chế độ thuế “thân thiện” với giới đầu tư bất động sản, giá nhà tại Australia đã tăng hơn 140% trong 15 năm qua. Theo đó, giá nhà tại Sydney vượt qua London và New York chiếm ngôi vị đắt đỏ thứ hai trên thế giới, trong khi Melbourne, thành phố luôn nằm trong top đầu địa điểm sinh sống dễ chịu nhất toàn cầu trong 7 năm qua, theo xếp hạng của Economist Intelligence Unit, hiện cũng trở thành nơi có thị trường bất động sản đắt đỏ thứ 6 toàn cầu.
Trong bối cảnh này, dễ hiểu khi tỷ lệ sở hữu nhà đối với thế hệ trẻ Australia rơi xuống mức thấp nhất từ trước tới nay: Chỉ 45% cư dân trong độ tuổi 25 tới 34 có nhà riêng, giảm 16% so với những năm 1980, trong đó một nửa đà giảm xảy ra trong thập kỷ qua. Cùng với đó, các khoản nợ bất động sản khiến số nợ hộ gia đình lên mức kỷ lục, tạo áp lực lên tăng trưởng kinh tế.
“Giấc mơ sở hữu nhà của người dân Australia đang trở thành cơn ác mộng. Điều này có nguyên nhân là bởi các chính sách thất bại của chính phủ và sẽ cần ít nhất 2 thập kỷ để sửa chữa”, Brendan Coates, chuyên gia chính sách bất động sản tại Viện Grattan cho biết.
Trước diễn biến này, các cử tri bất mãn với tình hình giá nhà ngày càng tăng. Gần 90% người dân Australia lo sợ các thế hệ tương lai sẽ không thể mua được nhà, theo khảo sát của Đại học Quốc gia Australia. Việc thất bại trong tìm cách giải quyết vấn đề này đang tạo áp lực lên chính phủ, vốn đang phải đối diện với nhiều chỉ trích.
Một trong những điểm nhấn thu hút sự quan tâm bậc nhất là chính sách thuế đang biến nhà ở thành các tài sản đầu cơ. Những người mua nhà lần đầu tiên phàn nàn rằng, họ không thể cạnh tranh được với giới đầu tư, những người được hưởng lợi nhờ chính sách thuế ít ảnh hưởng tới thu nhập khi sở hữu bất động sản cho thuê, chưa kể lãi suất cho vay đang ở mức thấp khiến chi phí vốn rẻ.
Thực tế, sức hấp dẫn của đầu tư bất động sản đã bùng nổ kể từ năm 1999, khi thuế đối với thu nhập có được do bán tài sản giảm còn một nửa. Khi việc đầu tư bất động sản trở nên lợi nhuận, giới đầu tư nhanh chóng nhảy vào. Hiện tại, hơn 2 triệu người, tương đương 1 trong 12 người dân Australia đang tiến hành đầu tư bất động sản, với khoảng gần 30% trong số này sở hữu ít nhất 2 bất động sản.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến thị trường nhà đất trở nên nóng bỏng là các chính sách nhập cư của Australia đã thu hút thêm gần 4 triệu người nhập cư kể từ năm 2006 tới nay, đa phần đổ xô tới các thành phố lớn. Nguồn cung nhà tại đây đã không theo kịp nhu cầu trong hơn 1 thập kỷ qua, trong khi đó, đa phần nhà xây mới là các căn hộ nhỏ, nhắm vào giới đầu tư mua để cho thuê, thay vì phục vụ đối tượng khách hàng là gia đình.
“Dòng tiền đổ vào lĩnh vực bất động sản, hoặc để trả các món nợ mua nhà đồng nghĩa với việc sẽ ít tiền dành để chi tiêu hơn, kéo lùi đà tăng trưởng kinh tế”, Paul Dales, nhà kinh tế trưởng Australia tại Capital Economics cho biết.
Chưa kể, giá nhà tăng cao cũng gây ra những chi phí xã hội đáng kể. Những người làm công như giáo viên, y tá và các cá nhân thu nhập trung bình khác không thể tìm được chỗ ở tại cộng đồng mà họ phục vụ, trong khi người trẻ sẽ ở cùng với cha mẹ trong thời gian dài hơn để tiết kiệm tiền, điều này dẫn tới hoạt động kết hôn và sinh con bị trì hoãn.
Hiện tại, vấn đề giá nhà tăng quá cao đang hâm nóng nghị trường
Australia khi các chính trị gia bị chỉ trích mới chỉ đưa ra các giải pháp bề nổi. Theo các chuyên gia kinh tế, sức nóng tại thị trường bất động sản Australia sẽ không thể sớm hạ nhiệt và người dân sẽ phải chịu đựng cảnh không thể mua nhà tại các thành phố đáng sống nhất thế giới.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com